Phản ánh đến báo VietNamNet, nhiều công nhân của Công ty Cà phê Ia Sao 1 và Công ty Cà phê 706 (thành viên Tổng Công ty Cà phê Việt Nam – Vinacafe) bày tỏ bức xúc về việc phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng nông sản, khi giá cà phê tăng cao, họ bị mất một khoản tiền lớn.

dong bao hiem bang ca phe 1 124499.jpg
Công nhân cho rằng, năm 2024 họ bị công ty thu tiền và cà phê tương đương 30 – 38 triệu đồng/người để đóng BHXH. Ảnh: T.L

Từ năm 2022 trở về trước, mỗi công nhân được công ty giao khoán 1ha cà phê để chăm sóc theo kiểu lời ăn lỗ chịu. Sau khi thu hoạch, công nhân phải nộp về công ty 4 tấn cà phê tươi, số còn lại được hưởng. Mọi chi phí phân bón, vật tư và BHXH do công nhân tự lo liệu.

Từ năm 2023 đến nay, các công ty này làm hợp đồng giao khoán lại. Công ty Cà phê Ia Sao 1 yêu cầu công nhân phải đóng BHXH mỗi năm bằng 1,7 tấn cà phê, còn Công ty Cà phê 706 là 1,5 tấn. Đáng chú ý, người mới vào làm (bậc 1) hay công nhân lâu năm (bậc 6) đều phải đóng BHXH ngang nhau gây bức xúc.

Theo các công nhân, với giá hiện tại trên thị trường, 1,7 tấn cà phê sẽ bán được gần 48 triệu đồng. Trong khi đó, mức đóng BHXH của công nhân bậc 6 cao nhất là 30 triệu đồng/năm (chênh lệch gần 18 triệu đồng), còn công nhân bậc 1 chỉ đóng 14 triệu đồng (chênh lệch gần 34 triệu đồng).

Không những vậy, mỗi năm công ty còn thu thêm bằng tiền mặt từ 3 – 10 triệu đồng/người tùy theo bậc lương cho việc đóng BHXH.

Theo bà N., mặc dù không đồng tình với phương án trên nhưng vẫn phải ký, bởi không ký thì phải chấm dứt hợp đồng, không còn là công nhân của công ty nữa, buộc phải trả lại lô cà phê, BHXH không được đóng. Trong khi đó bà đã gắn bó với công việc này cả chục năm nay.

“Chúng tôi mong muốn được đóng BHXH bằng tiền, bậc nào đóng theo bậc đó, không chia đều một cách vô lý. Giá cà phê tăng thì chúng tôi hưởng, khi giảm chúng tôi chịu. Như vậy mới khách quan, công bằng”, bà N. bày tỏ.

Người lao động cũng cho rằng, với khoảng 1.000 công nhân, năm 2023 và 2024 hai công ty trên đã thu thừa, thu thêm vượt mức đóng BHXH của công nhân hàng chục tỷ đồng nhưng sử dụng vào mục đích gì thì không rõ.

W-Đóng bảo hiểm bằng cà phê 2.JPG.jpg
Trụ sở Công ty Cà phê Ia Sao 1. Ảnh: Trần Hoàn

Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1 nói gì?

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trịnh Xuân Bảy, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1 xác nhận có việc công ty thu 1,7 tấn cà phê/năm của người dân để đóng BHXH cho họ kể từ năm 2023. Việc này được người dân ký kết bằng hợp đồng.

Theo ông Bảy, trước đây công ty thu BHXH bằng tiền, tuy nhiên do giá cà phê xuống thấp, công nhân không có tiền nộp nên bị nợ đọng kéo dài, có trường hợp nợ nhiều quá rồi bỏ việc. Sau khi xin ý kiến và được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo thu BHXH bằng cà phê, công ty đã xây dựng phương án khoán ổn định trong 5 năm, chu kỳ 2023 – 2027.

Lý giải về mức đóng BHXH của công nhân khác nhau nhưng công ty lại bổ đều đầu người cùng thu 1,7 tấn cà phê/năm, ông Bảy cho biết, công ty không thể đi rà soát, điều chỉnh cho từng người được vì hằng năm việc nâng lương liên tục thay đổi.

Do vậy, công ty thống nhất khoán ổn định theo phương án thu BHXH bình quân bậc 1 – 6, mỗi người phải đóng khoảng 17 triệu đồng, tính theo giá cà phê năm 2023 tương đương 1,7 tấn.

Nói về căn cứ tính bình quân, vị giám đốc cho rằng, thời điểm đó người hưởng bậc 6 phải đóng khoảng 20 triệu đồng/năm nhưng công ty chỉ tính 17 triệu đồng trên cơ sở họ đã cống hiến. Người bậc 1 cũng đóng như vậy và sau này họ cũng được xem xét như vậy.

Về việc công ty còn thu thêm 3 – 10 triệu đồng/người, ông Bảy phân trần, số tiền này là 10,5% BHXH mà người lao động phải đóng cho bản thân.

W-Đóng bảo hiểm bằng cà phê 3.jpg
Công ty Cà phê 706 hiện có gần 700 công nhân. Ảnh: Trần Hoàn

Theo người dân, giá cà phê mà công ty ký kết với người dân là 10.000 đồng/kg (17 triệu đồng tương đương 1,7 tấn) nhưng năm 2023 công ty bán giá 13.000 đồng/kg (tương đương 22,1 triệu đồng); năm 2024 bán giá 26.000 đồng/kg (tương đương 44,2 triệu đồng). Do đó số tiền này đã vượt quá mức BHXH năm 2024 mà một công nhân phải đóng, sao còn thu thêm 10,5%?

Về thắc mắc trên, ông Bảy cho rằng nội dung này đã được thỏa thuận trong hợp đồng. 

Trả lời về số tiền chênh lệch đã thu của trên 300 người được sử dụng vào việc gì, ông Bảy thông tin, khi giá cà phê 10.000 đồng/kg thì huề, khi lên 15.000 – 20.000 đồng/kg thì công ty có phần tăng thêm, sẽ đưa vào doanh thu lợi nhuận. Khi giá cà phê xuống 5.000 đồng/kg, công ty sẽ trích phần lợi nhuận ra để đóng cho bà con.

Một lần nữa ông Bảy khẳng định phương án thu BHXH trên thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Khi có phản ánh, đơn vị sẽ làm báo cáo bằng văn bản để xin ý kiến; với những nội dung chưa phù hợp thì có đề xuất xin điều chỉnh.