Từ chuyện ba bát bún riêu ở Hà Nội giá 1,2 triệu đồng và bốn con sò điệp Nhật ở Vũng Tàu giá 1,4 triệu đồng, cần đặt ra tính minh bạch của các hàng quán trong dịp lễ, Tết.
Những ngày đầu năm mới, nhiều người xôn xao với câu chuyện một quán bún riêu ở Hà Nội tính giá 400.000 đồng/bát, ba người ăn ba bát hết 1,2 triệu đồng và chuyện bốn con sò điệp Nhật ở Vũng Tàu bán giá hơn 1,4 triệu đồng.
Hai câu chuyện nhanh chóng trở thành chủ đề nóng, thu hút hàng ngàn lượt bình luận với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Bên cạnh những bức xúc về việc tăng giá vô tội vạ, câu hỏi về tính minh bạch của các hàng quán trong các dịp lễ, Tết một lần nữa được đặt ra.
Ba bát bún riêu 1,2 triệu đồng, nếu đùa thì là kiểu đùa không vui
Theo lời kể của khách, họ đi ăn khuya vào mùng 1 Tết mà không hỏi giá trước, đến khi trả tiền mới giật mình với số tiền quá cao.
Sau khi thông tin lan truyền, người nhà cũng như một số khách quen lên tiếng bảo vệ, cho rằng chủ quán có thói quen hay “đùa” về giá. Kiểu như 20 nghìn thì “của em 20 triệu” hoặc 100 nghìn thì thành 1 tỏi (1 tỉ).
Tuy nhiên, nếu trò đùa này gây nhầm lẫn và khách thực sự chuyển khoản số tiền “đùa” khá lớn ấy, lại không còn là chuyện vui nữa, mà là một vấn đề nghiêm trọng trong kinh doanh.
Đáng chú ý từ ban đầu, chủ quán phản ứng khá gay gắt, thậm chí thách thức khách hàng ra công an trình báo. Tuy nhiên, khi bị đưa ra bằng chứng về giao dịch 1,2 triệu đồng, họ mới xin lỗi và đề nghị hoàn tiền.
Sự vòng vo trong cách xử lý đã khiến sự việc trở nên căng thẳng hơn, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự trung thực của quán.
Câu chuyện trên không hiếm gặp, nhất là vào mùa Tết hay các dịp lễ lớn. Mới đây, chính quyền địa phương ở Vũng Tàu cũng cho biết đang xác minh thông tin một tài khoản mạng xã hội ẩn danh đăng với nội dung 4 con sò điệp giá hơn 1,4 triệu đồng.
Không chỉ quán ăn, các dịch vụ khác như giữ xe, hớt tóc, rửa xe… cũng lợi dụng dịp lễ, Tết để tăng giá một cách vô tội vạ, thậm chí có nơi tính giá tùy theo… mặt khách. Điều đó từng gây ra nhiều bất bình cho nhiều thực khách.
Kinh doanh không đặt nền móng trên sự trung thực trước hết sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chính quán ăn không rõ ràng với khách.
Đặc biệt ngày nay, khách hàng có rất nhiều công cụ để chia sẻ trải nghiệm của mình, từ mạng xã hội đến các nền tảng đánh giá trực tuyến. Chỉ cần một vụ lùm xùm về giá cả, một quán ăn có thể mất đi một lượng lớn khách hàng trung thành.
Văn hóa kinh doanh, quan trọng không?
Tại TP.HCM và một số địa phương khác, việc phụ thu trong những ngày lễ, Tết đã trở thành một quy tắc phổ biến và hợp lý bằng cách niêm yết giá rõ ràng. Nhiều quán ăn mở cửa phục vụ khách trong dịp Tết có những cách tính toán hợp lý để vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa giữ được lòng tin của khách.
Các nhà hàng, quán ăn thông báo ngay từ đầu về mức phụ thu 10 – 20% do chi phí thuê nhân viên ngày Tết cao hơn gấp 2-3 ngày thường.
Một số nơi dán bảng giá công khai hoặc ghi chú rõ trong thực đơn để khách hàng dễ dàng tham khảo trước khi gọi món. Khi tính tiền, hóa đơn cũng ghi rõ ràng phần phụ thu, thay vì cộng dồn vào giá món ăn một cách mập mờ.
Điều này giúp khách hàng không cảm thấy bị “chặt chém”, mà hiểu được lý do của việc tăng giá để cùng chia sẻ.
Văn hóa minh bạch giá cả không chỉ là cách làm ăn chân chính, mà còn là một chiến lược kinh doanh thông minh. Khi khách hàng cảm thấy được tôn trọng, họ sẽ có xu hướng quay lại và giới thiệu quán ăn cho bạn bè, gia đình.
Một quán ăn có thể tăng giá dịp Tết, nhưng nếu làm đúng cách, khách hàng vẫn sẵn sàng trả tiền mà không phàn nàn.
Sự chuyên nghiệp trong cách ứng xử với khách hàng cũng rất quan trọng. Khi có phản hồi về giá cả, các quán ăn có văn hóa kinh doanh sòng phẳng thường giải thích rõ, thay vì né tránh hoặc phản ứng gay gắt. Việc nhanh chóng làm rõ vấn đề và giữ thái độ thiện chí giúp tránh những tranh cãi không cần thiết.
Chuyện bát bún riêu 400.000 đồng ở Hà Nội là một bài học đáng suy ngẫm. Nó không chỉ phản ánh vấn đề về giá cả “té nước theo mưa” trong dịp lễ, Tết.
Nếu chủ quán lịch sự, minh bạch và giải thích rõ ngay từ đầu, khách có thể vui vẻ chấp nhận, thậm chí còn sẵn sàng trả thêm để động viên nhân viên làm việc ngày Tết.
Ngược lại, nếu “chốt đơn” một cách mập mờ, rồi khi bị phản ánh mới giải thích hoặc xin lỗi sẽ dễ gây ấn tượng xấu, làm mất khách lâu dài.
Một quán ăn minh bạch trong giá cả và lịch sự trong phục vụ, không chỉ tránh được tai tiếng mà còn xây dựng được lòng tin từ khách hàng. Đó mới là cách làm ăn bền vững.
Có xử lý tội “chặt chém” được không?
Trước thực trạng bán giá “chặt chém” dịp lễ, Tết vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý hình sự đối với chủ quán “chặt chém” về hành vi “lợi dụng dịp Tết tăng giá để cưỡng đoạt tài sản của khách hàng”.
Theo khoản 1 điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội cưỡng đoạt tài sản như sau:
“Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.
Đây là tội danh cấu thành hình thức nên nếu chủ quán có hành vi thể hiện bằng thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người khách cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản; hoặc chủ quán có hành vi khác là sẽ làm một việc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín của khách để nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản thì dấu hiệu về mặt khách quan đã có và tội phạm hoàn thành.
Nhưng cũng cần làm rõ thêm khách hàng không có trao đổi, hỏi lại khi thấy giá tiền bất hợp lý hay không; hoặc nếu đã có trao đổi lại mà chủ quán đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần để buộc khách phải chi trả giá cao cho món ăn.
Trong trường hợp này cũng cần làm rõ về trạng thái tinh thần của khách liệu có bị uy hiếp hay không, các yếu tố cấu thành tội phạm khác cũng như các tình tiết có liên quan.
Do vậy phải cần cơ quan có thẩm quyền làm rõ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hay không, nhằm có cơ sở xử lý một cách chính xác.
Luật sư NGUYỄN PHONG PHÚ
Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-bun-rieu-gia-400-000-dong-va-chuyen-minh-bach-gia-ca-dip-le-tet-20250203125830863.htm