VHO – Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 18.2.2022 về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của TP đến năm 2025. Đến nay, 30 quận, huyện trên địa bàn đã có nhiều hoạt động triển khai, trong đó có tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa tới thế hệ trẻ, học sinh trong trường học.
![Bảo vệ di sản văn hóa từ trong học đường - ảnh 1](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Bao-ve-di-san-van-hoa-tu-trong-hoc-duong.jpg)
Vừa qua, Trường THCS An Khánh, UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức buổi lễ tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Thuận cho biết: “Hoài Đức là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm và là một trong những địa bàn sinh tụ chính của cư dân Văn Lang thời dựng nước. Do đó, vùng đất này phong phú cả về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Theo Danh mục tổng kiểm kê di tích toàn thành phố, Hoài Đức có tổng cộng 269 di tích, trong đó 111 di tích được xếp hạng (69 di tích cấp Quốc gia, 42 di tích cấp TP). Đặc biệt, trên địa bàn huyện có hàng loạt các di tích thờ Lý Bí, vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam và Lý Phụ Man, người có công xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập vào thế kỷ thứ VI”.
Các di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng trong việc nhận diện và định vị bản sắc của mỗi địa phương. Nhắc đến Hoài Đức, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Lễ hội Giang Xá, Lễ hội rước Giá xã Yên Sở, Lễ hội rước lợn La Phù, Lễ hội Giằng bông xã Sơn Đồng, hát Ca trù Ngãi Cầu xã An Khánh, hát Tuồng xã An Thượng… Trong lĩnh vực này, huyện có 5 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
![Bảo vệ di sản văn hóa từ trong học đường - ảnh 2](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739336048_106_Bao-ve-di-san-van-hoa-tu-trong-hoc-duong.jpg)
“Việc tổ chức các hoạt động tôn vinh Di sản văn hóa hằng năm có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào mỗi người dân và của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đứng trước xu thế hội nhập quốc tế; sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội và sự tác động của các loại hình văn hóa nước ngoài du nhập đối với giới trẻ hiện nay. Việc bảo vệ, gìn giữ, tạo điều kiện để các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có không gian thực hành, trình diễn, tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ để trao truyền, tiếp nối dòng chảy di sản đòi hỏi cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các nhà trường và toàn xã hội”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức nhấn mạnh.
Buổi lễ tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoài Đức tại Trường THCS An Khánh được xác định là viên gạch đầu tiên trong chuỗi các hoạt động mà UBND huyện giao nhiệm vụ cho ngành Văn hóa và Thông tin, ngành GD&ĐT huyện phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động biểu diễn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của huyện.
Buổi lễ có sự tham gia của các Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú của CLB Ca trù Ngãi Cầu, CLB Tuồng Ngự Câu xã An Thượng. Không chỉ trình diễn, các nghệ nhân đã giới thiệu, truyền dạy tới thầy cô và học sinh của Trường những kiến thức cơ bản, giá trị và niềm tự hào về văn hóa truyền thống của quê hương; nâng cao nhận thức, thái độ trân trọng và gìn giữ các giá trị di sản.
Bày tỏ niềm tự hào được sinh ra và lớn lên tại miền quê giàu truyền thống văn hóa, Khương Việt Hoàng, học sinh lớp 9A5, Trường THCS An Khánh cho biết: “Chúng con vô cùng xúc động và thích thú khi được xem, nghe và tìm hiểu về loại hình di sản văn hóa, được giao lưu với các nghệ nhân tiêu biểu của quê hương.
Là học sinh, chúng con nhận thức rằng, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương chính là trách nhiệm của thế hệ trẻ. Chúng con sẽ không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện tri thức, tinh thần trách nhiệm để góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống quý báu mà các thế hệ cha ông đã dày công tạo dựng và trao truyền suốt bao nhiêu năm qua”.
Đến từ CLB Ca trù Ngãi Cầu (xã An Khánh), Nghệ nhân nhân dân Bùi Thế Kiên cho biết, trong CLB có 23 thành viên ở các lứa tuổi, trong đó có 7-8 thành viên là học sinh, sinh viên. Việc tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật truyền thống tới học sinh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ là giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà còn là sự kết nối để nuôi dưỡng niềm yêu thích nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đã và đang được duy trì, gìn giữ trên quê hương.
Sau chương trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận yêu cầu ngành VH&TT, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, các nhà trường, tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện tới nhân dân, học sinh.
Các nhà trường chủ động, tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động để các em học sinh có nhiều có hội tìm hiểu, tiếp cận, thắp ngọn lửa đam mê đối với các loại hình di sản, giá trị văn hóa truyền thống.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/bao-ve-di-san-van-hoa-tu-trong-hoc-duong-120726.html