Sáng 16/7, sau gần một ngày mạnh lên thành bão, Talim có sức gió 102 km/h, cấp 9-10, giật cấp 13, có khả năng mạnh thêm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 7h, tâm bão cách bán đảo Lỗi Châu (Trung Quốc) 670 km về phía đông đông nam. Hôm nay, bão theo hướng tây bắc với tốc độ 10-15 km/h.
Đến 7h ngày mai, tâm bão trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông, cách Lôi Châu khoảng 340 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14.
Những giờ tiếp theo, bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15 km/h. Đến 7h ngày 18/7, tâm bão trên khu vực Lôi Châu, sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15.
Bão sau đó giữ nguyên hướng và suy yếu dần. Đến 7h ngày 19/7, tâm bão trên khu vực phía Đông Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.
Đài khí tượng Nhật Bản vẫn giữ nhận định như hôm qua là bão đang mạnh 126 km/h, khi đi qua Lôi Châu và đảo Hải Nam (Trung Quốc) sẽ giảm còn 90 km/h khi vào gần đất liền Việt Nam.
Đài Hong Kong thì dự báo bão vẫn sẽ mạnh 140 km/h khi vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
![Dự kiến hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão Talim, 7h ngày 16/7. Ảnh: NCHMF](https://www.vietnam.vn/wp-content/uploads/2023/07/Bao-Talim-tang-hon-mot-cap.png)
Dự kiến hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão Talim, 7h ngày 16/7. Ảnh: NCHMF
Trong 24h tới, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11, giật cấp 14. Vùng biển phía phía bắc khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 5-7 m.
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa quản lý phương tiện, tàu thuyền ra khơi; tùy theo diễn biến thực tế của bão tại địa phương để chủ động cấm biển, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch.
Các tỉnh đồng bằng được yêu cầu chủ động sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; đồng thời cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao và hệ thống lưới điện.
Miền núi phía Bắc cần sơ tán dân tại nơi có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Từ đầu năm, Biển Đông chưa xuất hiện bão. Cơ quan khí tượng nhận định từ ngày 11/7 đến 10/8, dải hội tụ nhiệt đới có xu thế hoạt động nhiều hơn, mạnh hơn, dẫn đến thời tiết xấu như mưa giông, lốc xoáy, sóng lớn; dự báo có 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông.