Trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày ra đời (21/6/1925 – 21/6/2025), Báo chí Cách mạng Việt Nam mang trên mình rất nhiều sự tin tưởng và cả những kỳ vọng lớn. Từ những sứ mệnh đang được đặt ra cho Báo chí Cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu Quốc hội xung quanh câu chuyện về niềm tin, kỳ vọng và cả những trăn trở đối với những người làm báo, với giới báo chí ngày hôm nay.
Đại biểu Quốc hội – Tiến sĩ Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế:
Sự dũng cảm, đồng lòng của những người làm báo để tạo nên sự đồng thuận trong xã hội
“Sự dũng cảm, đồng lòng của những người làm báo để tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, trong nhiệm vụ truyền thông chính sách là điều rất cần thiết. Bởi vì nếu không có những yếu tố đó thì việc đồng hành sẽ không hoàn thiện và hiệu quả phản ánh những vấn đề xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh, xây dựng đất nước cũng không toàn diện”, Đại biểu Quốc hội – Tiến sĩ Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện cùng Báo Nhà báo & Công luận.
Phải có những góc nhìn đa chiều về một vấn đề
+ Thưa Tiến sĩ, với cương vị là Đại biểu Quốc hội, trong thời gian qua, bà cho rằng báo chí có đóng góp đối với việc kết nối, truyền tải những quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đến với cử tri, người dân như thế nào?
– Phải khẳng định một điều, báo chí ngày càng đóng góp tích cực và hiệu quả trong truyền thông các chính sách pháp luật do Quốc hội ban hành, để những chính sách pháp luật đó ứng vào thực tiễn nhanh hơn, kịp thời hơn; đồng thời, có những phản ánh từ thực tiễn, việc thực hiện chính sách pháp luật từ người dân, báo chí cũng đã truyền thông trở lại để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội có những xem xét, đánh giá, điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung. Chính vì vậy, Quốc hội đã có những phiên họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề đó, và đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên có những cuộc họp chuyên đề ngoài định kỳ quy định để giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết cho cuộc sống.
+ Có ý kiến cho rằng, báo chí cách mạng cần khám phá, tạo ra những ý tưởng mới, độc lập và đưa ra giải pháp sáng tạo cho xã hội. Quan điểm của bà như thế nào?
– Hoạt động báo chí thời gian qua đã thể hiện tinh thần cách mạng trong công tác truyền thông, đấu tranh, phản bác những quan điểm xấu, độc, phản cách mạng, đi ngược đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thế nhưng, sắp tới, để tiếp tục phát huy tính cách mạng, tính đại chúng, tính khoa học, chuyên nghiệp của báo chí 4.0 thì rất mong muốn ngành báo chí tiếp tục bổ sung những giải pháp, phương pháp mới thích ứng với thời đại công nghệ số, chuyển đổi số và công tác truyền thông đa dạng hơn, sâu sắc toàn diện hơn; phải có những góc nhìn đa chiều về một vấn đề.
Chúng ta không chỉ đơn thuần xây dựng những phóng sự thuần túy ca ngợi những mặt tích cực, những kết quả đạt được, những thành tựu của các địa phương, các bộ, ngành hay của Đảng, Nhà nước về xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh, đối ngoại… mà chúng ta cũng có thể phản ánh, chỉ ra những quan điểm còn thiếu, còn yếu, còn có lỗ hổng, có thể là quan điểm giải pháp về chính sách pháp luật còn hổng, còn bất cập để có những bù đắp. Cũng trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ hoàn thiện các “lỗ hổng” bằng cách bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh những nội dung, điều khoản nằm trong các bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật… Đó là vấn đề rất cần thiết.
Thứ hai, báo chí cũng cần sự rà soát, sàng lọc lại lực lượng, đội ngũ. Không phải ai là phóng viên, biên tập viên, ai đã làm bên cơ quan, lĩnh vực báo chí cũng sẽ luôn luôn vững vàng trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hay quan điểm của Đảng trong công tác đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam của chúng ta. Chính vì vậy, cần có sự sàng lọc thật kỹ lưỡng; cần có quy trình, lộ trình đối với lực lượng làm công tác báo chí và công tác truyền thông nói chung, để bộ máy thông tin truyền thông của chúng ta ngày càng sạch, ngày càng vững mạnh, càng đóng góp thiết thực cho sự nghiệp cách mạng báo chí của Việt Nam.
Phát huy sức mạnh nội sinh của báo chí trong hoạt động giám sát
+ Quốc hội có vai trò giám sát tối cao, bên cạnh đó thì báo chí cũng có vai trò giám sát, phản biện xã hội…Vậy theo bà, Quốc hội và báo chí cần có sự gắn kết, phối hợp như thế nào để trong thời gian tới tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa công tác giám sát, phục vụ cho việc xây dựng, phát triển đất nước?
– Quốc hội và báo chí lâu nay đã có sự gắn kết, tuy nhiên, sắp tới để phát huy tinh thần báo chí cách mạng, đồng hành với hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là đồng hành trong lĩnh vực giám sát, để có những phản biện chất lượng, tôi rất mong muốn ngành báo chí luôn luôn phát huy tính nội lực, sức mạnh nội sinh của báo chí trong việc nhìn nhận, đánh giá các vấn đề qua giám sát.
Cùng với đó, các cơ quan cấp cao như Quốc hội cũng cần tạo điều kiện để báo chí đồng hành trong các hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng. Bởi vì, giám sát sẽ gắn với chuyên đề; những cuộc giám sát đó sẽ sâu vào từng mảng, từng lĩnh vực, được bàn bạc kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là những nội dung giám sát chuyên đề gắn với cuộc sống của người dân.
Đối với những vùng cần phải gỡ khó, gỡ vướng nhiều hơn, mạnh hơn thì càng cần có sự đồng hành chặt chẽ, hài hòa, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ giữa cơ quan giám sát của Quốc hội với báo chí. Bởi vì, có những thông tin xuất hiện ban đầu xuất phát từ cơ quan báo chí chứ không phải từ cơ quan quản lý nhà nước khác hay các cơ quan giám sát. Từ những thông tin như thế, báo chí cũng có thể chia sẻ, phản hồi lại kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan giám sát; để từ đó cơ quan giám sát sẽ tiến hành giám sát sâu hơn, kịp thời tháo gỡ những vấn đề dân sinh, vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế lạm phát… của đất nước.
Và ngược lại, phía cơ quan giám sát trong quá trình triển khai thực hiện thì cũng cần đặt vấn đề ngay từ đầu để cho báo chí đồng hành. Không chỉ trong những cuộc giám sát trực tiếp mà cả giám sát gián tiếp, hay như những kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hôi… tôi nghĩ đó cũng là cách giám sát gián tiếp. Ở địa phương thì có các Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng cần có sự gắn kết, đặt vấn đề ngay từ đầu để báo chí có công tác chuẩn bị, xây dựng các chương trình sâu và sát hơn.
+ Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm rằng, bối cảnh hiện nay càng đòi hỏi sự dũng cảm, đồng lòng của những người làm báo để tạo nên sự đồng thuận trong việc truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Bà nghĩ sao về quan điểm này, cũng như kỳ vọng như thế nào vào Báo chí Cách mạng Việt Nam?
– Tôi đồng tình, ủng hộ quan điểm đó. Sự dũng cảm, đồng lòng của những người làm báo để tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, trong nhiệm vụ truyền thông chính sách là điều rất cần thiết. Bởi vì nếu không có những yếu tố đó thì việc đồng hành sẽ không hoàn thiện và hiệu quả phản ánh những vấn đề xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đất nước cũng không toàn diện.
Tôi nghĩ mối quan hệ giữa Nhà nước và báo chí, truyền thông cần phát huy mạnh hơn nữa, gắn kết chặt hơn, toàn diện hơn. Bởi báo chí, truyền thông là “sức mạnh mềm”, có thể có lúc mạnh hơn gấp bội lần, không đong đếm được. Sức mạnh mềm cần được triển khai thực hiện thường xuyên và tùy lúc cần phải có chiến lược thật mạnh mẽ để cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia, quốc phòng, trật tự xã hội, đảm bảo kinh tế vĩ mô, lạm phát, phát triển và tiến bộ xã hội được diễn ra một cách bình ổn nhất.
Về phía chúng tôi là Đại biểu Quốc hội và là lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội của các địa phương, chúng tôi cũng quan tâm nhiều hơn. Và chắc chắn chúng tôi cũng sẽ rất chú ý những giải pháp cần kết hợp chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên giữa cơ quan giám sát, cơ quan lập pháp, cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương với cơ quan báo chí.
Không chỉ riêng tôi, tôi nghĩ rằng, các Đại biểu Quốc hội khác cũng có những nhìn nhận này. Từ góc nhìn của Đại biểu Quốc hội và các lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ lan tỏa đến lực lượng phục vụ, tham mưu công tác Quốc hội, đồng thời lan tỏa đến cả hệ thống chính trị, lan tỏa đến người dân. Như tôi nói, “sức mạnh mềm” của báo chí là sức mạnh nội sinh; không chỉ văn hóa mới là sức mạnh nội sinh mà báo chí cũng là văn hóa. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, hơn các tổ chức nào khác, báo chí của Việt Nam phải là báo chí cách mạng, báo chí của Việt Nam cũng phải mang đậm chất văn hóa Việt Nam.
+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu về những chia sẻ vừa rồi!
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội:
Khơi dậy niềm tin vào tương lai của đất nước
Trên bước đường gần trăm năm lịch sử, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã trở thành một tinh thần vững mạnh, truyền cảm hứng và niềm tin cho nhân dân. Với sứ mệnh tạo ra thông tin chính xác, cung cấp kiến thức và chia sẻ quan điểm, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã chứng minh được vai trò không thể thay thế của mình trong việc hình thành ý thức cộng đồng và đem lại sự phát triển cho đất nước. Từng trang báo, từng tiêu đề, và từng câu chữ đã trở thành công cụ mạnh mẽ để khơi dậy niềm tin và kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Với công nghệ ngày càng phát triển, báo chí có thể sử dụng các công cụ và nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận mọi lúc, mọi nơi và mọi người.
Ngày nay, trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và đa dạng, Báo chí Cách mạng Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Tuy nhiên, nhờ sự sáng tạo, linh hoạt và tận tâm với nhiệm vụ, chúng ta tin rằng, trong tương lai, Báo chí Cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng công việc của mình.
Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng, tôi cho rằng, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là một yếu tố quan trọng và cần thiết để bảo vệ uy tín, chất lượng của báo chí. Người làm báo phải có phẩm chất cao, tinh tường và phân biệt được sự thật từ thông tin giả. Trong thời đại thông tin đa chiều và phức tạp như hiện nay, người làm báo phải có khả năng phân biệt và truyền tải thông tin chính xác, khách quan. Người làm báo phải luôn đặt lợi ích của dân tộc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Với sứ mệnh là người kết nối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, người làm báo phải có ý thức về trách nhiệm của mình, đóng góp vào xây dựng nền văn hóa và niềm tin của nhân dân đối với lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Người làm báo cần phải hiểu và đại diện cho nền văn hóa của dân tộc, từ đó phát huy năng lực, trí tuệ và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời, họ cần dám phản bác và đấu tranh với các luận điệu trái với mục tiêu và giá trị mà nền văn hóa Việt Nam đã đặt ra.
Trong việc phòng, chống tham nhũng, người làm báo có vai trò quan trọng trong việc khui ra các vụ án tham nhũng và xây dựng sức mạnh của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, cần cảnh giác với việc một số nhà báo lợi dụng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để tống tiền, đe dọa hoặc lợi dụng danh nghĩa báo chí để làm những việc sai trái.
Ngoài ra, cần phải xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp và minh bạch trong các cơ quan báo chí. Lãnh đạo cần tạo điều kiện thuận lợi để những người làm báo có thể hoạt động độc lập, trung thực và không bị áp lực từ bên ngoài. Các quy trình kiểm duyệt nội dung cũng cần được tăng cường để đảm bảo thông tin được đưa ra công chúng là chính xác và trung thực. Nếu phát hiện các trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền, đe dọa doanh nghiệp, cơ quan quản lý báo chí cần tiến hành điều tra, thu thập bằng chứng và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cần tăng cường công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Đào tạo và huấn luyện chuyên sâu về quy tắc đạo đức, nguyên tắc trung thực, trách nhiệm xã hội cần được thực hiện đều đặn. Đây là một yếu tố quan trọng để nâng cao phẩm chất của người làm báo, đồng thời tạo ra một đội ngũ nhà báo chất lượng, có trách nhiệm và đáng tin cậy.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội:
Báo chí tạo sự gắn kết, đồng thuận lớn trong xã hội
Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong công tác tuyên truyền. Đối với Quốc hội, báo chí đồng hành cùng các Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, để cung cấp thông tin, đưa đến những bài viết sắc sảo, đi sâu vào phản ánh những vấn đề đang xảy ra trong thực tiễn, những bức xúc của cử tri. Đây là một kênh quan trọng để Đại biểu Quốc hội tiếp cận các thông tin, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân, những vấn đề đang đặt ra trong xã hội… Từ đó, Đại biểu lựa chọn vấn đề “nóng” đưa lên diễn đàn nghị trường để thảo luận, xem xét, quyết định.
Báo chí có vai trò dẫn dắt, tạo đồng thuận rất lớn. Chẳng hạn như thông qua báo chí, truyền thông, việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án luật lớn được ví như đợt sinh hoạt chính trị pháp lý, xã hội hết sức sâu rộng và có ý nghĩa trong các tầng lớp nhân dân. Báo chí truyền tải nội dung mang tính chất tuyên truyền những chính sách pháp luật, những vấn đề mới, kịp thời đến nhân dân để thực thi pháp luật. Qua vai trò của báo chí đã tạo sự gắn kết, đồng thuận lớn trong xã hội.
Đã nói đến báo chí cách mạng thì mỗi người cầm bút, mỗi người viết báo đều là một chiến sĩ cách mạng, luôn luôn phải được đào tạo, bồi dưỡng, thấm nhuần điều đó. Người làm báo vừa tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật đến đại bộ phận công chúng, vừa dùng ngòi bút làm tấm gương phản chiếu thực tiễn về hiệu quả của chính sách. Báo chí phải đồng hành với nhân dân, với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ một cách toàn diện, đầy đủ, kịp thời, để xứng đáng với niềm tin mà công chúng đã dành cho Báo chí Cách mạng Việt Nam trong suốt gần 100 năm qua.
Nguyễn Hường (Thực hiện)