Từ mùa tuyển sinh 2025, các trường ĐH sẽ thực hiện quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức nhằm bảo đảm công bằng cho thí sinh
Thông tin về tuyển sinh ĐH 2025, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho hay các cơ sở đào tạo phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển.
Quy đổi nhưng không có thang điểm chung
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh việc các cơ sở đào tạo có cách thức quy đổi tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển nhằm giúp các trường không cần thiết phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển. Việc xét tuyển sẽ thực hiện lấy thí sinh từ cao xuống thấp, công bằng hơn cho các em.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP HCM .Ảnh: HUẾ XUÂN
Theo đánh giá của một chuyên gia tuyển sinh, các trường ĐH đang sử dụng nhiều phương thức khác nhau để xét tuyển. Việc có thang điểm chung sẽ tạo ra một mặt bằng xét tuyển giữa các trường, các phương thức, giúp tránh tình trạng các trường sử dụng nhiều cách quy đổi điểm không đồng nhất, dẫn đến mất công bằng.
Quy định các trường quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức là hợp lý, giúp bảo đảm công bằng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, đến giờ Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quy định cụ thể về thang điểm chung, các trường vẫn đang phải tự quy đổi theo cách riêng của mình.
“Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần xây dựng sẵn một thang điểm chuẩn chung, thang điểm 30 chẳng hạn, để các trường căn cứ vào đó xây dựng công thức quy đổi điểm. Quy định rõ ràng sẽ giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cách thức tính điểm cũng như cảm thấy yên tâm hơn khi xét tuyển” – chuyên gia này nêu trên nhìn nhận.
Chung quan điểm này, một giảng viên ĐHQG Hà Nội cho rằng Bộ GD-ĐT có thể xây dựng thang điểm tối đa là 30. Điều này sẽ tránh tình trạng mỗi trường tự đưa ra cách quy đổi khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất cũng như tổng điểm xét tuyển sau khi cộng lại vượt quá 30.
Giảng viên này nêu quan điểm: “Trước đây, từng có hiện tượng không ít thí sinh đạt điểm tối đa vẫn không đỗ vì không có thêm điểm cộng ưu tiên. Vì thế, quy định mới cần chấm dứt tình trạng này”.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo – Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết việc Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu các trường ĐH phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển không phải là làm khó các trường mà trước tiên là bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Theo ông, khi quy về một thang điểm tương đương thì các phương thức xét tuyển sẽ có sự ràng buộc về điểm chuẩn.
Những năm qua, khi chưa có quy định này, các phương thức đều xét tuyển độc lập. Đôi khi các trường ưu tiên dành chỉ tiêu cho phương thức này hơn phương thức kia nên mới có chuyện thí sinh có điểm gần 30 vẫn không trúng tuyển do không còn chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu còn quá ít. Năm nay, với quy định phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, quyền lợi thí sinh được bảo đảm hơn khi điểm chuẩn các phương thức sẽ phụ thuộc nhau.
Thiệt thòi cho một nhóm thí sinh
Nhiều trường ĐH cho biết vẫn chưa hiểu việc quy đổi điểm để các phương thức có cùng mức điểm trúng tuyển cho một ngành cụ thể hoặc như thế nào…, nên vẫn đang chờ thông tin cụ thể từ Bộ GD-ĐT. Không ít người cũng bày tỏ băn khoăn với quy định này.
Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH đóng tại Hà Nội lo lắng việc quy đổi cơ học về cùng thang điểm có nguy cơ dẫn đến sự thiệt thòi cho một nhóm thí sinh, ví dụ các em xét tuyển theo phương thức đánh giá năng lực. Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực có tính chất khác nhau; độ khó dễ, mức độ phân loại cũng khác nhau. Nếu quy đổi tương đương điểm trúng tuyển – chẳng hạn với thang điểm 30, thí sinh xét tuyển theo phương thức thi đánh giá năng lực hay tư duy sẽ thiệt thòi so với các em dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Rõ ràng mức độ phân loại của đề thi tốt nghiệp không cao, thí sinh dễ đạt điểm xuất sắc.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết hiện chưa rõ định hướng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển của Bộ GD-ĐT là như thế nào. Việc quy đổi điểm với các phương thức không khó. Nếu quy điểm chuẩn của 1 ngành cụ thể là một mức giữa các phương thức là có vấn đề, bởi mức độ khó dễ giữa các phương thức là khác nhau.
Chẳng hạn, phương thức xét học bạ vẫn được xem là dễ có điểm cao hơn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hay đánh giá năng lực. Ngoài ra, xét học bạ là không có bộ lọc chung nên có thể trường này cho điểm dễ hơn trường kia, đây cũng là vấn đề cần giải quyết.
Nếu chỉ quy về cùng thang điểm (ví dụ 30) nhưng điểm chuẩn các phương thức khác nhau và phụ thuộc nhau thì về cơ bản không khác nhiều so với các năm trước. Bởi lẽ, cùng một ngành cũng có nhiều mức điểm khác nhau.
Phải rõ ràng để thí sinh nắm
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông – Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho rằng việc quy đổi điểm không còn sự khác biệt lớn giữa các phương thức xét tuyển. Mọi cách xét tuyển đều tương đương nhau về mặt điểm số.
Thứ nhất, tạo sự công bằng giữa các thí sinh. Không còn tình trạng phương thức dễ hơn hoặc khó hơn so với phương thức khác. Thứ hai, thí sinh có thể chọn phương thức phù hợp nhất với thế mạnh của mình mà không lo lắng về việc phương thức này có lợi hơn phương thức kia.
Thứ ba, giúp các trường ĐH có tiêu chí xét tuyển rõ ràng, dễ so sánh giữa các thí sinh từ nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, bản chất của điểm có thay đổi nên phải làm sao cho thí sinh hiểu rõ hơn về các kỳ thi khác so với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ví dụ, kỳ thi đánh giá năng lực có thang điểm 1.200, giờ quy về thang điểm 30 như thi tốt nghiệp THPT. Phải làm sao để thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực hiểu rõ hơn về kỳ thi này, nếu không sẽ lầm lẫn với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-khoan-ve-quy-doi-diem-xet-tuyen-dai-hoc-196250220202648802.htm