Bị ong đốt khi dừng đèn đỏ, nhiều người phải nhập viện
Theo thông tin ban đầu, vào trưa 22-5, một khách sạn trên đường Lê Hồng Phong thuộc phường Đông Khê có tổ chức phá tổ ong ở một góc trần bên ngoài khách sạn nhưng để rơi xuống đất. Thời điểm đó, nhiều người đang đứng chờ đèn đỏ bên dưới nên đã bị hàng ngàn con ong bay loạn xạ ra xung quanh và châm đốt.
Khách sạn The Shine thuê một đơn vị phá tổ ong. Ảnh: NDCC.
Sau vụ việc, một phòng khám ở gần đó đã tiếp nhận sơ cứu cho 4 trường hợp bị ong đốt trước khi tiếp tục chuyển tiếp vào bệnh viện để theo dõi.
Theo phòng khám, đơn vị này tiếp nhận một bé gái khoảng 12-13 tuổi và người mẹ, mỗi người bị ong đốt gần 100 nốt ở khắp vùng đầu, mặt, bên trong tai và thân người.
Một cụ bà hơn 80 tuổi cũng bị ong đốt tập trung ở vùng đầu và mặt với hơn 20 nốt. Ngoài ra, còn có bé trai 1 tuổi được người dân che áo kịp thời nên tình trạng nhẹ nhất với chỉ vài nốt ong đốt, trong đó có một nốt ở sát mắt.
Các bác sĩ đã cho các bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, đặt đường truyền, gắp ong từ bên trong tai bé gái, gắp hết toàn bộ nọc ong trên cơ thể và sát khuẩn vết thương. Trong quá trình sơ cấp cứu, các bệnh nhân cũng được theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, sẵn sàng xử trí khi có sốc phản vệ. Sau đó, các bệnh nhân đã được chuyển viện cấp cứu.
Bé gái bị ong đốt khắp cơ thể. Ảnh: Phòng khám cung cấp.
Nọc độc của ong sau khi được lấy ra khỏi cơ thể. Ảnh: Phòng khám cung cấp.
Bị ong đốt xử lý thế nào?
Theo các bác sĩ, tùy từng loại ong sẽ có nọc độc nguy hiểm khác nhau. Ong đốt nhiều thường gây tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng… Nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Khuyến cáo về cách xử trí khi bị ong đốt:
– Nhanh chóng di chuyển tới khu vực an toàn tránh bị bị đốt nhiều hơn.
– Loại bỏ ngòi độc: nếu ong mật đốt, bạn sẽ thấy ngòi độc ở giữa vết đốt, cần lấy nó ra bằng cách dùng thẻ nhựa cứng hoặc sống dao gạt ngang qua vết đốt có ngòi độc. Nếu dùng móng tay hoặc nhíp, tránh bóp nặn ép ngòi ong, nếu không nó sẽ tiết nọc độc vào sâu bên trong da.
– Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 20 phút, lặp lại nếu tiếp tục đau.
– Nâng vùng tay hoặc chân có vết đốt lên cao hơn tim sẽ giảm sưng nề và đau.
– Bôi thuốc kháng histamin nếu vết đốt ngứa. Luôn chú ý với các triệu chứng dị ứng.
– Sau khi xử trí như trên, nạn nhân bị ong đốt cần được chăm sóc, theo dõi cẩn thận và đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: Có nhiều vết đốt; Bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh; có các dấu hiệu toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt.
Việc bôi vôi lên vết ong đốt không có tác dụng vì bản chất nọc ong tiêm vào trong da. Bôi mật ong lên vết đốt chỉ có tính kháng khuẩn không có tác dụng giảm đau. Trong một số trường hợp bôi kem đánh răng có dịu đi vì trong kem đánh răng có thành phần bạc hà. Không xoa bóp vết đốt, hạn chế gãi nếu không tình trạng sưng nề sẽ tiến triển nhanh.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/ong-dot-nguoi-di-duong-phai-cap-cuu-tai-hai-phong-bac-si-huong-dan-cach-xu-ly-tranh-nguy-hiem-d198889.html