(CLO) Do biến đổi khí hậu nên những năm gần đây, Bắc Cực ấm lên nhanh hơn bất cứ khu vực nào khác trên hành tinh. Nhưng cái nóng ở vùng đất băng giá này không chỉ nằm ở nhiệt độ. Bắc Cực cũng đang chứng kiến cuộc đua sôi động của các cường quốc nhằm khai thác nguồn tài nguyên vô cùng lớn nơi đây.
Băng tan nhanh và cuộc đua thêm sôi động
Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết nhiệt độ không khí bề mặt mùa Hè trong năm 2023 là ấm nhất ở Bắc Cực. 2023 là năm thứ 6 liên tiếp Bắc Cực ấm lên nhưng năm 2024 còn nóng hơn nữa khi tháng 8 vừa qua, khu vực này lại ghi nhận kỷ lục nhiệt độ mới: 35,9°C.
Nhiệt độ tăng lên, các chỏm băng tan chảy, cũng là lúc “cơn sốt vàng” trở nên nóng hơn với Vòng Bắc Cực. Hiện tại, 8 quốc gia có lãnh thổ ở Vòng Bắc Cực bao gồm Canada, Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.
Tất cả đều là thành viên của Hội đồng Bắc Cực, một tổ chức có vai trò quyết định hầu hết những vấn đề xung đột trong khu vực. Ngoài 8 nước thành viên, Hội đồng Bắc Cực còn có 13 quan sát viên, với những cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức…, nên ảnh hưởng của tổ chức này rộng hơn nhiều so với diện tích địa lý.
Vòng Bắc Cực là khu vực rất giàu tài nguyên. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 13% lượng dầu và 30% lượng khí đốt chưa được khám phá của thế giới có thể nằm ở nơi đây, với giá trị ước tính lên tới 35 nghìn tỷ USD. Đấy là chưa kể các khoáng sản quý khác và trữ lượng thực sự có thể còn lớn hơn nữa do phần lớn vùng nước sâu phủ băng của nơi đây chưa được khám phá.
Với sự “giàu có” như vậy, không ngạc nhiên khi cuộc đua khai thác tài nguyên tại Vòng Bắc Cực rất sôi động. Nga – quốc gia Bắc Cực lớn nhất về mặt địa lý – đã đầu tư vào nhiều dự án lớn, chẳng hạn như Yamal LNG tại Bán đảo Yamal, một trong những dự án khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Tạp chí High North News cho biết, Trung Quốc đã đầu tư 90 tỷ USD vào các dự án năng lượng và tài nguyên ở Bắc Cực trong thập kỷ qua, chủ yếu là tại Nga. Mỹ cũng được dự báo sẽ mở rộng hoạt động khai thác tại Alaska sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức. Ông Trump từ lâu đã khẳng định sự ủng hộ với việc mở rộng khoan thăm dò dầu khí tại Alaska.
Na Uy cũng là một quốc gia có nhiều hoạt động khai thác dầu khí tại Bắc Cực. Dự án lớn nhất của họ, Johan Castberg, nằm ngoài khơi Biển Barents gồm 3 mỏ dầu với trữ lượng ước tính từ 400 đến 650 tỷ thùng, được điều hành bởi Equinor, một công ty năng lượng nhà nước của Na Uy.
Những thách thức mới ở vùng đất lạnh
Với một khu vực địa chất vô cùng quan trọng như Bắc Cực, các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên sôi động khi cộng hưởng với tình trạng biến đổi khí hậu, đang tạo ra những thách thức rất lớn về môi trường, cho cả khu vực cũng như toàn cầu.
Khi các quốc gia mở rộng hoạt động khoan ở Vòng Bắc Cực, hậu quả có thể là xói mòn và gây hại cho các loài bản địa, đồng thời tiềm ẩn những thảm họa môi trường do khả năng xảy ra sự cố tràn dầu, dẫn tới tàn phá quần thể động vật hoang dã. Ngoài ra, các hoạt động khai thác tài nguyên quy mô lớn cũng sẽ làm gia tăng tình trạng băng tan. Một báo cáo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) gần đây ước tính Bắc Cực đã mất khoảng 12,2% băng biển mỗi thập kỷ trong vòng 30 năm qua. Và, việc này có tác động sâu rộng trên toàn thế giới.
Bắc Cực và Nam Cực là “tủ lạnh” của Trái Đất. Vì chúng được bao phủ bởi tuyết trắng và băng phản xạ nhiệt trở lại không gian, chúng giúp cân bằng với các khu vực hấp thụ nhiệt. Ít băng hơn có nghĩa là ít phản xạ nhiệt hơn, dẫn tới nhiều đợt nắng nóng dữ dội hơn trên toàn thế giới. Sự tan chảy ở Greenland là một yếu tố dự báo chính về mực nước biển dâng trong tương lai: Nếu nó tan chảy hoàn toàn, mực nước biển toàn cầu có thể dâng thêm 6 mét.
Băng tan cũng mở ra nhiều diện tích có thể khai thác tài nguyên tại những khu vực chưa được công bố chủ quyền. Và đó là tiền đề cho những yêu sách về lãnh thổ, gia tăng tranh chấp, đồng thời thúc đẩy các hoạt động quân sự nhằm khẳng định sức mạnh, chẳng hạn như tuần tra, tập trận hoặc xây dựng những tiền đồn tại Bắc Cực.
Trong khi đó, các quốc gia có liên quan trong vai trò quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực cũng quan tâm sát sao đến những biến đổi môi trường ở vùng cực này và đưa ra những chiến lược Bắc Cực của riêng mình. Chẳng hạn như Ấn Độ cho biết, Bắc Cực có ảnh hưởng trực tiếp đến các kiểu gió mùa tại nước này, vốn rất quan trọng đối với nông nghiệp và an ninh lương thực của một quốc gia hơn 1 tỷ dân. Do đó, Ấn Độ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với lời kêu gọi của Nga về việc BRICS+ cần can dự nhiều hơn vào các vấn đề của Bắc Cực.
Tất cả những diễn biến kể trên khiến vùng đất lạnh giá ở cực Bắc của hành tinh tiếp tục nóng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bắc Cực đang phát triển thành một khu vực quan trọng trong thế kỷ 21 và sẽ đóng vai trò lớn trong nền kinh tế thế giới nhờ nguồn tài nguyên khổng lồ cũng như khả năng mở ra những tuyến đường hàng hải mới khi băng tan.
Nguồn: https://www.congluan.vn/bac-cuc-dang-nong-len-theo-bat-cu-nghia-nao-post332715.html