Tròn 3 năm ngày bùng phát xung đột ở Ukraine, thế giới vẫn ngổn ngang các cuộc đấu trên nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy sự phức tạp, hệ lụy, tranh cãi, chia rẽ của thế giới và ngay giữa các đồng minh, đối tác về cuộc xung đột có nhiều điểm đặc biệt này.
![]() |
Du khách tại nơi tưởng niệm tưởng nhớ các binh sĩ Ukraine và nước ngoài tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev ngày 23/2. (Nguồn: Getty Images) |
Tranh cãi và chia rẽ
Đây là một trong những cuộc xung đột gây tranh cãi, chia rẽ sâu sắc, nhất là về nguyên nhân, bản chất đối đầu. Nga khẳng định không còn con đường nào khác, thậm chí là hơi muộn, buộc phải chiến đấu vì an ninh, sự tồn vong quốc gia. Moscow cáo buộc ý đồ Đông tiến của NATO thông qua Kiev là nguyên nhân sâu xa dẫn đến xung đột.
Kiev tuyên bố chiến đấu vì chủ quyền quốc gia và an ninh của châu Âu, nên phương Tây, NATO có trách nhiệm hỗ trợ và bảo đảm an ninh cho mình. Ukraine, phương Tây và NATO cáo buộc Nga vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Thế giới chia 3. Một, ủng hộ Ukraine, lên án, tham gia cấm vận, trừng phạt kinh tế, ngoại giao, chính trị Nga. Hai, đồng cảm, tiếp tục hợp tác chia sẻ với Moscow. Ba, không ngả về bên nào, không tán đồng giải quyết tranh chấp bằng vũ lực, không tham gia trừng phạt, kêu gọi, ủng hộ chấm dứt xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Tranh cãi phức tạp, gay gắt, kéo dài theo xung đột, trên diễn đàn Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và thể hiện qua hành động. Xu hướng thứ ba ngày càng nổi trội. Qua tuyên bố và hành động của các bên liên quan, có thể thấy xung đột ở Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm phức hợp, toàn diện giữa Nga và Ukraine với sự chống lưng mạnh mẽ của Mỹ, phương Tây và NATO.
Hé lộ nhiều vấn đề
Khái quát xung đột theo 3 giai đoạn. Một, Nga bất ngờ tiến công, chiếm giữ nhiều mục tiêu quân sự quan trọng, bao vây Kiev. Trước dư luận quốc tế và để tạo thuận lợi cho đàm phán, Nga rút quân khỏi Kiev và một số khu vực. Hai, Ukraine được hỗ trợ mạnh mẽ về vũ khí, cố vấn, tình báo quân sự và tài chính, củng cố thế phòng thủ, phản công, tiến công hỏa lực sâu trong lãnh thổ Nga, chiếm giữ phần lớn tỉnh Kursk trong thời gian dài.
Ba, Nga dần chiếm ưu thế chiến trường, tiến công hỏa lực số lượng lớn vào nhiều mục tiêu quân sự, lưỡng dụng trên lãnh thổ Ukraine, chiếm giữ nhiều khu vực trên chiến tuyến hơn 1.000 km và khôi phục phần lớn tỉnh Kursk. Có thể thấy cả Kiev và Moscow đều mắc sai lầm và có những điều chỉnh cả chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Tiến công hỏa lực tầm xa bằng nhiều loại vũ khí tiên tiến ngày càng phổ biến, phát huy uy lực. Sử dụng số lượng lớn UAV hiệu quả cao về quân sự, tính bất ngờ và kinh tế. Hệ thống Starlink trở thành xương sống của hệ thống tích hợp chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR), làm cho chiến trường “trở nên trong suốt”, kết nối chặt chẽ, gần như theo thời gian thực, có thể thay đổi kết quả tác chiến.
Không quân, tên lửa, tác chiến từ xa ngày càng quan trọng, nhưng vẫn không thay thế được vai trò của lục quân và nhân tố con người có trình độ chiến kỹ thuật và ý chí quyết tâm cao. Xung đột Nga-Ukraine là cuộc đối đầu giữa các lực lượng chuyên nghiệp, không có yếu tố chiến tranh nhân dân, không có phòng thủ tại chỗ của 3 thứ quân, không tạo được thế trận liên hoàn, rộng khắp, dễ bộc lộ sơ hở, bị động, bất ngờ. Chiến tranh thông tin trở thành một lực lượng, mặt trận có vai trò to lớn, tác động mạnh vào tâm lý tinh thần binh sĩ; nghi binh, khiến đối phương quyết định sai lầm; gây hoang mang dư luận về bản chất xung đột, kết cục chiến trường.
Thiệt hại không chỉ riêng ai
Ukraine bị tàn phá nặng nề, hàng triệu người thương vong, phải tha phương, tổn thất đến 150 tỷ USD (chưa kể món nợ viện trợ nhiều trăm tỷ USD trong xung đột và tái thiết). Kiev đau đầu với sức ép thỏa thuận trao đổi tài nguyên quý cho viện trợ và bảo đảm an ninh. Tổn thất lớn nhất là Kiev trở thành quân cờ trong cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, không còn đầy đủ quyền tự quyết vận mệnh, tương lại của mình.
Nga cũng chịu tổn thất lớn về sinh lực, đặt đất nước vào tình thế xung đột, phải huy động phần lớn tiềm lực cho cuộc chiến. Đặc biệt là chịu hơn 20.000 lệnh trừng phạt chưa từng thấy, bị cô lập về ngoại giao, chính trị, khiến quan hệ giữa Moscow với châu Âu, phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh. Khôi phục quan hệ quốc tế để phát triển không hề đơn giản.
Hệ lụy xung đột vượt ra ngoài phạm vi 2 đối thủ trực tiếp. Cuộc chiến là một trong những lý do khiến thế giới bị chia rẽ sâu sắc nhiều mặt. Chuỗi cung ứng, sản xuất, thương mại bị đứt gãy, tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch suy giảm, lạm phát toàn cầu tăng (lên 8-10%).
Châu Âu nảy sinh nhiều vấn đề. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp (năm 2024 chỉ 0,8%); nội bộ EU chia rẽ; các đảng cánh hữu, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân túy gia tăng ảnh hưởng. Năm 2024, Pháp đã 3 lần thay thủ tướng, vẫn đứng trước nguy cơ bỏ phiếu bất tín nhiệm, trước khi tổ chức bầu cử Quốc hội mới tháng 7/2025. Trong cuộc bầu Quốc hội Đức ngày 23/2, không một đảng nào giành chiến thắng áp đảo, phải gian nan tìm liên minh để thành lập chính phủ mới. Bất ổn của 2 đầu tàu để lại khoảng trống quyền lực ở EU.
Đặc biệt là sự rạn nứt giữa Mỹ và đồng minh EU. EU buộc phải gánh vác nhiều hơn trong bảo đảm an ninh cho chính mình và Ukraine, trong khi khả năng tự chủ chiến lược còn xa vời, cả về tiềm năng và sự thống nhất ý chí, hành động. Những trục trặc trên ít nhiều liên quan đến vấn đề Ukraine và quan hệ giữa Mỹ với EU và Nga.
Việc đối phó với thách thức an ninh toàn cầu và nhiều mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nước bị lôi kéo, phải tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang. Ngoài những nhà “lái súng”, kẻ trục lợi từ xung đột, thì không ai hưởng lợi. Đó là lý do thế giới cần thay đổi.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cuộc xung đột Nga- Ukraine là “thảm họa không nên xảy ra”. (Nguồn: Telegraph) |
Thế giới thay đổi sâu sắc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thay đổi bước ngoặt trong vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga. Mỹ chuyển từ cô lập, đối đầu Moscow, cùng đồng minh ủng hộ Kiev đến cùng sang cải thiện quan hệ với Nga và tìm cách chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuyên bố của một số quan chức Mỹ về Ukraine, EU và Nga có điểm không thống nhất, là thủ đoạn vừa trấn an đồng minh, vừa gây sức ép để các bên theo kịch bản đạo diễn.
Đáng chú ý, Mỹ cho rằng NATO là nguyên nhân sâu xa của xung đột và Kiev đã không làm gì để ngăn chặn cuộc chiến. Dự thảo nghị quyết do Washington đề xuất không đề cập bên phát động xung đột, không đặt ra yêu cầu cụ thể nào với Moscow mà tập trung vào giải pháp chấm dứt xung đột.
Ông chủ Nhà Trắng thứ 47 tránh sa lầy vào một cuộc chiến nhiều bất lợi, thu lại chi phí đã bỏ ra cho Kiev và đồng minh; tìm cách thu lợi trong công cuộc tái thiết Ukraine. Mỹ không còn coi châu Âu là địa bàn ưu tiên hàng đầu mà đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi đối thủ số một gia tăng ảnh hưởng và Mỹ còn nhiều khoảng trống lợi ích chiến lược.
Hứa hẹn cải thiện quan hệ đổi lấy thỏa hiệp từ Nga, Mỹ vừa củng cố hình ảnh người gìn giữ hòa bình số một, vừa không để Moscow và Bắc Kinh dựa lưng vào nhau, để rảnh tay đối phó với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng toàn cầu. Sự “quay xe” của Mỹ thêm một lần khẳng định “lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.
Trong khi đó, EU vừa đối đầu với Moscow, muốn giảm cạnh tranh kinh tế với Bắc Kinh, vừa tìm cách hàn gắn quan hệ với Wasington để giải quyết vấn đề nội bộ, tạo đối trọng, duy trì vị thế trong quan hệ quốc tế. Khó khăn vậy, nhưng EU vẫn muốn thực hiện tự chủ chiến lược, vươn lên trở thành một cực. Tam giác Mỹ – Trung – Nga có thể xê dịch chút ít ở các cạnh.
Theo thời gian, cộng đồng quốc tế ngày càng thấy rõ chia rẽ về xung đột, can dự bằng cách viện trợ một bên nào đó, không mang lại lợi ích thiết thực. Tối ưu là nỗ lực ủng hộ, tham gia tiến trình chấm dứt xung đột. Cuộc xung đột ở Ukraine và toan tính của Mỹ, vô hình trung thúc đẩy xu hướng thế giới đa cực, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Xu hướng cần có thời gian để hiện thực hóa, nhưng đó sẽ là một sự thay đổi sâu sắc.
![]() |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio trong cuộc gặp tại Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2 để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Saudi Arabia) |
Cánh cửa hòa bình dần hé mở
Nga là một bên của xung đột, Mỹ là nhà viện trợ hàng đầu cho Ukraine, nên vai trò quyết định hướng giải quyết đối đầu. Sau cuộc gặp ngày 18/2 giữa Nga và Mỹ tại Riyadh, Saudi Arabia, dự kiến đợt đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tuần tới. Tốc độ tiến triển nhanh, có tình tiết mới, cho thấy thiện chí của 2 bên. Tuy còn cản trở từ Ukraine và một số nước EU, NATO, nhưng cánh cửa hòa bình đang dần hé mở.
Sau cuộc đàm phán giữa đại diện 2 bên, nhất là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Nga (có thể cuối tháng 2 hoặc tháng 3), định hình khung đường hướng cơ bản, Ukraine có thể tham gia cuộc đàm phán 3, 4 bên. Con đường giải quyết xung đột còn xa và nhiều trắc trở, nhưng có thể dự báo 3 kịch bản.
Một, đạt được một thỏa thuận, Nga quản lý các vùng đang kiểm soát trên thực tế; hình thành một khu vực đóng băng, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đảm bảo an ninh; Kiev từ bỏ gia nhập NATO, đổi lại được kết nạp vào EU, được quốc tế tái thiết, trong đó Nga tham gia từ số tiền bị phương Tây đóng băng… Kịch bản này có lợi cho Nga, nhưng dễ bị Kiev và EU, NATO phản đối.
Hai, đóng băng xung đột, tạm treo vấn đề lãnh thổ do Nga kiểm soát, thiết lập khu an ninh toàn diện cho Ukraine. EU nâng cao sức mạnh quốc phòng, các thành viên EU cam kết song phương với Kiev, hỗ trợ Ukraine củng cố năng lực mọi mặt và thúc đẩy tiến trình gia nhập EU; sẵn sàng phản ứng nếu Moscow tiếp tục xung đột. Kịch bản này có lợi cho Ukraine, dễ bị Nga phản đối và xung đột tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.
Ba, Mỹ rút khỏi xung đột, EU vật lộn trong việc hỗ trợ, bảo đảm an ninh cho Kiev; Ukraine tiếp tục chiến đấu chống lại Nga. Moscow có lợi thế quân sự, nên xung đột khó kéo dài thêm 1, 2 năm nữa. Các bên sẽ phải ngồi lại vào bàn đàm phán. Kịch bản này không thể loại trừ.
Xung đột ở Ukraine nổi lên nhiều vấn đề. Sự tranh giành lợi ích chiến lược giữa các nước lớn là nguyên nhân chính. Các nước, nhất là nước vừa, nhỏ, có vị trí địa chiến lược, liền kề nước lớn, có thể bị cuốn vào vòng xoáy xung đột. Để tránh thảm họa, phải giữ vững độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn, không đi với nước này chống nước kia, giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi.
Ngoại giao là con đường tốt nhất. Đây là bài học đắt giá cho tất cả.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ba-nam-xung-dot-o-ukraine-nhin-lai-va-nhin-toi-305443.html