Nhờ trồng lúa ST25 tại xã Quảng Ngãi (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) theo hướng hữu cơ, anh Võ Thanh Tùng đã nhận được kết quả khả quan khi lúa cho năng suất, chất lượng tốt, giá bán cao.
Ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, khi người dân vẫn đang vui xuân thì anh Võ Thanh Tùng lại tìm thấy niềm vui của mình trên cánh đồng lúa ST25 trĩu hạt tại xã Quảng Ngãi. Anh Tùng chọn ngày mùng 5 Tết để đưa máy xuống ruộng gặt lúa vì đủ ngày, đảm bảo chất lượng gạo được ngon nhất có thể khi đưa ra thị trường.
Đặc biệt hơn, anh Võ Thanh Tùng hiện đang là phóng viên của Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trường trú tại tỉnh Lâm Đồng. “Trồng lúa ST25 đã giúp tôi có thêm thu nhập hàng tháng bằng khoảng 1 tháng lương đi làm phóng viên”, anh Tùng cười nói.
Trao đổi với phóng viên, anh Tùng cho biết, hiện tại ở huyện Đạ Huoai, anh cũng đang trồng sầu riêng. Đầu năm 2023, quá trình tìm hiểu, anh Tùng nhận thấy vùng đất Đạ Huoai trồng lúa khá tốt, mang lại năng suất, chất lượng cao nên anh đã lên mạng tìm hiểu về loại gạo này.
“Sau khi tìm hiểu trên mạng, tôi đã thử lấy mẫu đất tại ruộng của mình đi kiểm tra. Kết quả nhận được hoàn toàn phù hợp để trồng loại lúa ST25, vì vậy, tôi đã quyết định trồng thử nghiệm loại lúa này tại xã Quảng Ngãi.
Năm 2023, tôi trồng khoảng 2,6ha lúa ST25 theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Chính vì vậy, chi phí trồng lúa ST25 hữu cơ cao hơn chi phí trồng lúa thông thường của người dân địa phương”, anh Tùng chia sẻ.
Anh Tùng cũng cho biết, thời điểm ban đầu việc mua giống lúa ST25 gặp khó khăn do chủ nhân của giống lúa này khá khắt khe vì sợ lúa trồng ở những tỉnh khác ngoài Sóc Trăng sẽ khiến chất lượng gạo không tốt, ảnh hưởng đến năng suất.
Bằng mối quan hệ của mình, anh Tùng đã mua được 1 tấn thóc giống chuẩn ST25 về để trồng thử nghiệm tại xã Quảng Ngãi. Hiệu quả ngoài sức mong đợi, anh Tùng thu hoạch được sản lượng lúa tốt với khoảng 15 tấn.
“Sau khi thu hoạch lúa, tôi đã xát lúa và gửi gạo cho một người bạn chuyên bán gạo đặc sản ăn thử để đánh giá gạo ST25 ở Lâm Đồng so với gạo được trồng tại Sóc Trăng. Người bạn này cho biết, gạo được trồng ở Lâm Đồng có chất lượng tốt, hạt gạo dài, thơm, ăn có vị ngọt hậu.
Sau khi nhận được đánh giá tích cực của người bạn, tôi đã bắt đầu bán gạo và bán hết sạch số lượng gạo thu được trong hơn 2 tháng với giá 40.000 đồng/kg”, anh Tùng chia sẻ.
Nói về kỹ thuật trồng lúa ST25 tại Lâm Đồng, anh Tùng cho biết, một năm anh trồng 2 vụ nhưng phải giãn khoảng cách ra để đất nghỉ. Trước khi xuống giống, anh Tùng cho máy xới đánh tơi đất trong ruộng rồi phơi. Sau đó, đất ruộng được xả nước vào đánh tơi thêm 1 lần nữa trước khi xuống giống.
Trong khi đó, nước trồng lúa được anh Tùng dẫn về hồ lắng để khử phèn trước khi xả vào ruộng. “Lúa được trồng hữu cơ nên thời gian tôi trồng hết khoảng 105 ngày, trong khi giống lúa khác của người dân thì trồng chỉ hết 90 ngày là được thu hoạch rồi”, anh Tùng nói.
Năm 2024, với diện tích trên, anh Tùng cũng gieo giống ST25 và thu hoạch được khoảng 15 tấn lúa. Dự kiến, sau khi xát lúa, anh Tùng sẽ thu được khoảng 7 tấn gạo thành phẩm, bán với giá 40.000 đồng/kg. Đồng thời, anh Tùng còn bán được hơn 1 tấn cám, hơn 1 tấn tấm, số tiền bán được sẽ đủ chi phí bốc vác, sấy, xay xát thóc.
Cầm nắm gạo trong tay, anh Tùng chia sẻ với phóng viên: “Sau khi thu hoạch lúa từ ngoài đồng về, tôi sẽ đưa về nhà máy để sấy thóc, không phơi thóc dưới đất để giữ chất lượng hạt gạo. Sau khi sấy xong thì lúa sẽ được nghỉ khoảng 24 tiếng để lại hạt gạo, tránh bị vỡ, gãy khi xát. Sau đó, gạo được đóng bao rồi tôi đưa về Biên Hòa (Đồng Nai) để chia túi, ép chân không trước khi đưa ra thị trường”.
Hiện, anh Tùng đã bán được 3,5 tấn gạo ST25. Anh Tùng hy vọng, trong thời gian tới, thời tiết sẽ thuận lợi để anh tiếp tục trồng lúa ST25 tại Lâm Đồng.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện đang có khoảng 170ha diện tích trồng lúa ST25. Trong đó tập trung ở thị trấn Cát Tiên với 60 ha, xã Quảng Ngãi, Nam Ninh, Gia Viễn với 50 ha và thị trấn Đạ Tẻh trên 60 ha.
“Trong những năm qua, nhiều người dân đã trồng được lúa ST25 tại địa phương vì là loại gạo ngon, chất lượng. Thế nhưng, tỷ lệ lên gạo thấp, nên nông dân không mặn mà nên diện tích trồng đã giảm xuống. Đồng thời, việc tìm giống lúa chuẩn rất khó, nông dân cũng ngại mua phải giống lúa không chuẩn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo”, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai thông tin.
Nguồn: https://danviet.vn/anh-phong-vien-trong-lua-ngon-nhat-the-gioi-tai-lam-dong-ban-gia-40000-dong-kg-20250205202304906.htm