Anh và Pháp được cho là đang lên kế hoạch thành lập một ‘lực lượng trấn an’ của châu Âu để đảm bảo Nga sẽ không tấn công Ukraine một lần nữa nếu đạt được một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kyiv.
Tuy nhiên, Bloomberg ngày 20.2 dẫn lời các quan chức phương Tây nhận định kế hoạch trên phụ thuộc nhiều vào việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có đồng ý cung cấp cho lực lượng sự quân sự của nước này, bao gồm máy bay và tình báo, để giám sát không phận Ukraine và biển Đen hay không.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Giới chức phương Tây cho hay kế hoạch trên sẽ liên quan gần 30.000 binh sĩ và có khả năng sẽ tập trung vào phòng thủ trên không và trên biển. Lực lượng mặt đất sẽ ở mức tối thiểu và không được triển khai gần tiền tuyến ở phía đông Ukraine. Anh và Pháp hiện cố gắng thuyết phục các quốc gia châu Âu khác cung cấp nhân sự và khí tài cho lực lượng này. Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ đến Mỹ để gặp Tổng thống Trump vào tuần tới để bàn luận về cuộc xung đột Ukraine.
Bình luận về ý tưởng trên, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18.2 cho biết nước này sẽ không chấp nhận quân đội châu Âu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine.
Hiện chưa rõ liệu phía Ukraine có ủng hộ lực lượng gìn giữ hòa bình theo ý tưởng của Anh và Pháp hay không. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thành lập một lực lượng răn đe gồm 100.000 – 150.000 quân, có sự tham gia của Mỹ.
Nhiều thách thức
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 12.2 tuyên bố Washington sẽ không cử quân tới Ukraine theo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga. Theo The Kyiv Independent, Mỹ loại trừ khả năng gửi quân đội cho Ukraine và cho biết châu Âu cần phải chịu trách nhiệm về an ninh trên lục địa này, đồng thời nhấn mạnh lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu sẽ không được bảo vệ bởi các thỏa thuận phòng thủ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu họ bị tấn công.

Quân nhân Đức tham gia cuộc tập trận quân sự Quadriga 2024 tại Pabrade, Litva ngày 29.5.2024
Bên cạnh đó, kể từ sau cuộc đối thoại giữa giới chức Mỹ – Nga về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine tại Ả Rập Xê Út ngày 18.2, chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Moscow, loại trừ các cường quốc châu Âu khỏi các cuộc đàm phán và gây áp lực lên ông Zelensky.
Reuters dẫn một bài viết được đăng trên mạng xã hội ngày 19.2, ông Trump gọi ông Zelensky là “nhà độc tài không được bầu”, cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine ép Mỹ chi hàng trăm tỉ USD viện trợ “để tham gia vào một cuộc chiến không thể thắng”. “Ông Zelensky tốt nhất nên hành động nhanh chóng, nếu không ông ấy sẽ không còn đất nước nữa”, ông Trump viết.
Theo một số nhà quan sát, chuỗi động thái trên cho thấy Mỹ có thể sẵn sàng nhượng bộ đáng kể cho Điện Kremlin trong đàm phán kết thúc xung đột ở Ukraine, đồng thời gây thêm sự quan ngại cho các nước châu Âu khi có rất ít điều ngăn cản Nga phá vỡ lệnh ngừng bắn sau khi nước này tái vũ trang.
Ngoài thách thức về chấp thuận của Mỹ, việc thuyết phục tất cả các nước châu Âu tham gia vào “lực lượng trấn an” cũng gây nhiều khó khăn cho Anh và Pháp. Hiện nay, Bulgaria, Slovakia, Croatia và Ba Lan đều loại trừ khả năng gửi quân sang Ukraine. Giới chức Ý bày tỏ sự hoài nghi, trong khi đó chính phủ Đức cho biết còn quá sớm để cam kết việc gửi quân sang Ukraine.
Phỏng vấn với Đài phát thanh Deutschlandfunk ngày 19.2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nêu rõ: “Tôi hơi khó chịu khi tất cả những người châu Âu này đã giơ tay đầu hàng và nói về những gì họ chuẩn bị làm. Ai được lợi khi thảo luận về phương án triển khai quân tới Ukraine vào thời điểm này, khi còn chưa rõ phương thức đạt được hòa bình sẽ như thế nào? Việc bàn luận về điều đó ngay bây giờ chỉ giúp ích cho vị thế đàm phán của Tổng thống Vladimir Putin”.
“Cái thiếu ở đây không phải là xe tăng và pháo binh, mà là ý chí chính trị”, ông Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy của quân đội Mỹ tại châu Âu, nhấn mạnh. Ông Hodges và nhiều nhà phân tích khác lập luận rằng trước khi đưa ra bất kỳ chiến lược tác chiến nào, châu Âu cần phải trả lời một câu hỏi cơ bản: “Liệu bạn có sẵn sàng tham chiến với Nga không”.
Ông Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI-Anh), nhận định việc Anh triển khai chỉ 5.000 binh sĩ tới Ukraine sẽ phụ thuộc vào năng lực hỗ trợ và kỹ thuật của quân đội. Tuy nhiên, điều này sẽ ngốn nhiều nguồn lực của quân đội Anh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/anh-phap-muon-lap-luc-luong-bao-ve-ukraine-se-nhieu-thach-thuc-185250220172150481.htm