DNVN – Hơn 30 năm qua, từ một anh công nhân “chân ướt chân ráo” vào nghề, cho đến một doanh nhân, một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ông Hoàng Đức Thảo không ngày nào không ngừng phấn đấu, nỗ lực để cống hiến được nhiều hơn cho đất nước.
Từ một đam mê
Ông Hoàng Đức Thảo sinh ra và lớn lên ở mảnh đất hai lần anh hùng – Thái Bình. 17 tuổi, chàng trai Hoàng Đức Thảo đăng ký theo học Trường Đào tạo công nhân kỹ thuật – Bộ Xây dựng. Tháng 8/1979, sau khi tốt nghiệp, với nhiệt huyết tuổi trẻ, ông đã cùng hàng ngàn công nhân trẻ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đi xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên. Tại đây, ông được phân công làm việc tại Công ty xây dựng Số 10 – Bộ xây dựng. Nhờ “cái đầu biết nghĩ ra điều hay, cái tay khéo cầm bay, cầm búa” trong lao động hàng ngày, Hoàng Đức Thảo đã vượt trội so với đội ngũ công nhân cùng trang lứa.
Chỉ sau một tháng đầu “cọ xát” với thực tiễn công việc, anh luôn vượt kỷ lục về năng suất, chất lượng, thời gian. Chàng thanh niên trẻ này đã được đội trưởng bố trí làm tổ trưởng tổ thép hình thuộc xưởng cốt thép, xí nghiệp bê tông cốt thép.
Ông Hoàng Đức Thảo chia sẻ, tôi yêu nghề, niềm đam mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã ăn sâu vào máu, nó như một nhu cầu không thể thiếu của bản thân. Đặc biệt điều quan trọng nhất là phải kiên trì, nhẫn nại và có mục tiêu, sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn.
Trải qua nhiều chức vụ lớn nhỏ, hiện nay, ông Hoàng Đức Thảo đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco). Thuở đầu, Busadco chỉ là công ty với 32 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, công nghệ còn thô sơ, thủ công, dùng sức người là chính nên năng suất lao động thấp.
Thấy công nhân của mình phải trầm mình trong nước cống, nước bẩn, ông Hoàng Đức Thảo đã cùng các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của công ty lập đề tài nghiên cứu khoa học chế tạo cụm máy tời nạo vét hệ thống thoát nước. Sau thời gian dài nghiên cứu, hệ thống này đã ra đời, có thể thay thế năng suất hoạt động của khoảng 20 công nhân. Đây là công trình khoa học đầu tay của ông.
Ngay khi ra đời, cụm máy tời nạo vét hệ thống thoát nước đã được giới khoa học công nghệ môi trường, các công ty thoát nước đô thị trong cả nước đón nhận và đánh giá cao. Với công trình nghiên cứu này, năm 2004, ông Thảo đã được trao giải Ba – Giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ Việt Nam (Vifotec).
Cho đến nay, Busadco là tập thể đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (năm 2013). Ông Hoàng Đức Thảo cũng là người đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2011).
Đến biệt danh “Vua kỷ lục”, “Vua kè”
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, người Việt Nam đầu tiên lập 3 kỷ lục Việt Nam về khoa học công nghệ đó là: Người Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tiên đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học – công nghệ Việt Nam (Vifotec); Người Việt Nam có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo Vifotec nhất; và Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học – công nghệ trên thế giới.
Tại cuộc thi Sáng tạo Sáng chế Quốc tế lần thứ 7- iCAN 2022 diễn ra từ 26/6 đến 28/8 vừa qua, Công ty Busadco của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo “thắng đậm” với 4 giải Vàng, 4 giải Đặc biệt và 2 giải Bạc.
Cụ thể, 4 giải Vàng thuộc về các công trình: Kè bảo vệ bờ sông và bờ biển khu vực cửa sông Ray thuộc xã Phước Thuận huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Kè bảo vệ bờ Hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội; Hệ thống hố ga thu nước mưa, ngăn mùi kiểu mới và hố ga ngăn mùi hợp khối; Kênh, mương bê tông cốt thép và bê tông cốt sợi đúc sẵn thành mỏng Busadco.
Không những thế, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo đã biến các giải thưởng trong và ngoài nước thành “sân chơi” quen thuộc với những người đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học. 2.900 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng, nhiều sáng kiến, giải pháp, cải tiến kỹ thuật của ông được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đưa phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa.
Năm 2020, Liên minh Kỷ lục thế giới vinh danh ông là “Nhà khoa học nắm giữ số lượng Bằng sáng chế sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới trong việc nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu”.
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hóa hữu cơ của Việt Nam đã rất ấn tượng về tính sáng tạo đột phá, hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả kinh tế – xã hội – kỹ thuật và khả năng áp dụng rộng rãi (là điều không dễ dàng cho các công trình nghiên cứu) với cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu” của Tổng giám đốc Công ty CP Busadco.
Những đóng góp và cống hiến của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo không chỉ giúp cho đất nước phát triển mà còn đánh dấu những nhà khoa học Việt trên bản đồ khoa học – công nghệ thế giới.
Hoài Anh – Tiêu Huyền