Trước đây, việc đi học của học sinh ở Yên Bái gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân xuất phát từ nhận thức đến điều kiện sinh sống của người dân. Từ năm học 2021-2022, ngành giáo dục của tỉnh triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, nhiều đơn vị đã thực hiện các giải pháp, hướng đến mục tiêu “100% học sinh đều thích được đến lớp”.
Các em học sinh Trường tiểu học Phúc Sơn, Yên Bái. Ảnh: baodantoc.vn
Yên Bái là tỉnh miền núi khó khăn, không có nhiều lợi thế phát triển. Vì vậy, tỉnh đã tìm một triết lý phát triển riêng, đó là hướng đến sự hài lòng và hạnh phúc của người dân.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, một chủ trương mang tính sáng tạo, đột phá, thể hiện khát vọng lớn đã được đưa ra và nhận được sự đồng lòng, thống nhất là đưa chỉ số “hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội.
Để đo lường chỉ số hạnh phúc trong trường học, ngày 10/11/2020, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành quyết định, bộ tiêu chí tạm thời về “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh.
Bộ Tiêu chí gồm ba nhóm tiêu chí: Môi trường nhà trường, tổ chức dạy học, hoạt động dạy học và các mối quan hệ trong nhà trường.
Trên cơ sở này, các trường xây dựng theo tiêu chí “Trường học hạnh phúc” sẽ có sự thay đổi về tư duy giáo dục. Đó là, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực, bảo đảm mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện. Tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp năng lực vì sự tiến bộ của học sinh; không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc kiến thức và hạn chế được tình trạng học thụ động, bệnh thành tích…
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Yên Bái có 168 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông đăng ký xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”; đến năm học 2022-2023, có 288 trường đăng ký thực hiện.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Yên Bái có 168 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông đăng ký xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”; đến năm học 2022-2023, có 288 trường đăng ký thực hiện. Trong đó, việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa được các trường quan tâm thực hiện.
Đặc biệt, có chín trường trung học phổ thông đăng ký thực hiện dự án và đề tài nghiên cứu về văn hóa địa phương. Tăng cường áp dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh. Cách quản lý và tương tác mang tính áp đặt đều được các trường cố gắng khắc phục triệt để, tạo nhiều cơ hội để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được phát triển tối đa năng lực, sở trường…
Là cơ sở giáo dục tiên phong đăng ký thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (huyện Yên Bình) Đặng Thị Lan Hương cho biết, “Trường học hạnh phúc” là nơi mà giáo viên và học sinh khi đến trường thật sự là một ngày vui và ý nghĩa; là nơi không có bạo lực học đường, không có sự xúc phạm về danh dự, nhân phẩm của giáo viên và học sinh; không có áp lực về điểm số. Nhà trường đã nỗ lực thay đổi, từ tư duy của cán bộ quản lý đến tư duy của đội ngũ giáo viên.
Sau hơn một năm thực hiện, tuy thời gian chưa nhiều, nhưng nhà trường đã thấy được hiệu quả rất rõ rệt trong phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, cũng như phát triển chất lượng giáo dục. Cách quản lý và tương tác mang tính áp đặt đều được cố gắng khắc phục triệt để; tạo nhiều cơ hội để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh phát triển được tối đa năng lực, sở trường.
“Trường học hạnh phúc” là nơi mà giáo viên và học sinh khi đến trường thật sự là một ngày vui và ý nghĩa; là nơi không có bạo lực học đường, không có sự xúc phạm về danh dự, nhân phẩm của giáo viên và học sinh; không có áp lực về điểm số. Bà Đặng Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân
Trực tiếp triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, thầy giáo Trần Quang Thành, Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: “Để thực hiện hiệu quả mô hình này, người thầy cũng phải thân thiện với học sinh, không tạo ra áp lực cho các em. Khi gọi học sinh giải quyết một vấn đề bài học hoặc nói một từ đơn giản nhưng các em không nói được thì mình không vội chê mà mình phải gợi mở giúp các em tự tin chia sẻ được điều muốn nói. Cứ như vậy, ở các lần tiếp theo, các em đều hứng thú trả lời. Ngược lại, mỗi khi các em muốn hỏi thầy, cô giáo về vấn đề nào đó thì sẽ không rụt rè, không cảm thấy ngượng ngùng.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Đào Anh Tuấn, để việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” đi vào thực chất, hiệu quả, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể về đánh giá “Trường học hạnh phúc”. Trong đó, quy định cụ thể quy trình đánh giá, mức độ đánh giá và tổ chức khảo sát bằng phiếu đối với cán bộ quản lý, giáo viên; phụ huynh học sinh; học sinh. Việc khảo sát, đánh giá sẽ được thực hiện trong tháng 4/2023, có thể kết hợp các đợt kiểm tra chuyên môn để làm cơ sở cho việc đánh giá công nhận “Trường học hạnh phúc” sau khi kết thúc năm học 2022-2023.
Việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” đã trở thành một phong trào lớn, thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành giáo dục, góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục Yên Bái cả về chất lượng giáo dục và các hoạt động xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Từ phong trào này, cơ sở vật chất, môi trường, cảnh quan khuôn viên nhà trường có nhiều sự thay đổi theo hướng thân thiện, thoáng mát, có nhiều không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm hứng cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh khi tham gia giảng dạy, học tập. Các phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học được triển khai đồng bộ, rõ nét hơn; cách ứng xử của thầy, cô giáo, học sinh có nhiều thay đổi tích cực; khoảng cách giữa cán bộ quản lý với giáo viên, thầy, cô giáo với học sinh, gia đình với nhà trường ngày càng được rút ngắn lại, gần gũi hơn, thân thiện hơn…
Nhandan.vn