Theo con sóng bạc, chúng tôi tiếp tục đến với Hòn Hải nằm cách đảo Phú Quý khoảng 65km, thoạt nhìn tưởng như “cô đơn” giữa biển khơi nhưng lại có vị trí quốc phòng trọng yếu và cũng cực kỳ đặc biệt vì hình dáng. Hòn Hải trông ngang như một chiếc hài còn nhìn từ trên xuống y như chú cá nhà táng có đầu vuông khổng lồ và đuôi đang quẫy nước.
Bờ đá dốc thẳng đứng, sóng vỗ tung bọt trắng xóa, nước biển màu lam sẫm, đàn chim nhạn và mòng biển chao lượn đầy trời, Hòn Hải cho người ta cảm giác choáng ngợp trước kỳ thú của tự nhiên. Từ ngọn hải đăng Hòn Hải và cũng là điểm cao nhất của mặt đảo, phóng tầm mắt ra xa sẽ thu vào những mênh mang trong ngần của biển Đông nước Việt.
Tầm hiệu lực địa lý của ngọn hải đăng này khoảng hơn 26 hải lý (tương đương gần 50km) vào ban ngày và khoảng hơn 20 hải lý (tương đương hơn 35km) vào ban đêm; đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho việc định hướng và xác định vị trí của các tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận.
Thắp một ngọn đèn là thắp lên một hy vọng, nhưng thắp một ngọn đèn trên biển mới thực sự là gian truân. Trong số đó, ngọn hải đăng Hòn Hải là một thử thách đặc biệt mà hơn 20 năm qua người ta còn nhắc mãi. Việc dựng được ngọn hải đăng trước tiên cần phải có đường đi lên vị trí cao nhất của đảo. Với sự khốc liệt của thời tiết, địa hình phức tạp trong điều kiện sóng gió thất thường, phương án ban đầu là làm đường lộ thiên ven đảo đã được thay thế bởi thiết kế sáng tạo và độc nhất.
Đó là đào đường hầm xuyên chéo 30 độ đi từ dưới lên mặt đảo. Đường hầm chỉ rộng 1.5m và cao 2.4m với hàng trăm bậc đá đã được thi công trong điều kiện không gian chật hẹp, khó khăn nhưng cực kỳ chính xác và khoa học. Bất chấp những gian nan và bất lợi về địa chất, thủy văn; từng mét từng mét đường hầm được lực lượng công binh hoàn thiện và sau nhiều năm đã trở thành tiền đề mở lối cho việc xây dựng ngọn hải đăng Hòn Hải.
Đặc thù biển sâu sóng lớn, có những cơn sóng cao hung dữ xô đập rung lắc cả đảo dẫn đến việc xây âu tàu –những vùng nước được che chắn như dạng khoang chứa, nhằm tạo ra khu vực an toàn về dòng chảy cho tàu thuyền tránh trú thời tiết xấu – cũng bất khả thi! Bởi thế chinh phục được “hòn đá khổng lồ” không nước ngọt, không cây cối giữa trùng khơi, đặt nơi đây thành điểm cơ sở A6 để tính lãnh hải Việt Nam, cũng là điểm xa nhất của đường viền nội thủy nước ta trên biển Đông đã trở thành câu chuyện của niềm tự hào và lòng kiên trung ái quốc.
Tạp chí Heritage