Trang chủNewsThế giớiNga cảnh báo Israel các hậu quả nghiêm trọng, "đêm tồi tệ"...

Nga cảnh báo Israel các hậu quả nghiêm trọng, “đêm tồi tệ” của ông Biden, Philippines mong điều tốt đẹp cùng Trung Quốc

Thủ tướng Hungary lần đầu thăm Kiev sau hơn 2 năm xung đột ở Ukraine, tình hình Biển Đông, Trung Đông và bán đảo Triều Tiên, phe Dân chủ lo lắng vị thế của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau trận tranh luận trực tiếp đầu tiên… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.

Tin thế giới 2/7: Nga cảnh báo Israel các hậu quả nghiêm trọng, 'đêm tồi tệ' của ông Biden, Philippines mong điều tốt đẹp cùng Trung Quốc
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán (trái) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, ngày 2/7. (Nguồn: AP)

Châu Âu

* Israel phải sẵn sàng đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này tiếp tục thực hiện kế hoạch cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất, theo lời Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzia.

Ông Nebenzia cho rằng, động thái này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ giữa Israel và Nga, đặc biệt trong bối cảnh Moscow đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Tôi tin rằng quyết định này tất nhiên sẽ gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Vũ khí, bất kể do ai gửi đến Ukraine, cuối cùng sẽ bị phá hủy, giống như các loại vũ khí khác của phương Tây và Mỹ. Đó là điều hiển nhiên”. (RT)

* Thủ tướng Hungary Viktor Orban thăm Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng phía Đông của Hungary hồi tháng 2/2022.

Chuyến thăm diễn ra sáng 2/7, chỉ một ngày sau khi Hungary chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU).

Tại Kiev, Thủ tướng Orban gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao nước chủ nhà nhằm thảo luận về cơ hội đạt được hòa bình cho Ukraine và các vấn đề hiện tại trong quan hệ song phương. (AP)

* Hà Lan xúc tiến chuyển giao lô máy bay F-16 đầu tiên cho Ukraine: Trong thư gửi Quốc hội Hà Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Kaisa Ollongren cho biết, các giấy phép cung cấp máy bay cho Kiev đã được cấp.

Tuy nhiên, vì lý do an ninh, bà từ chối nêu rõ số lượng máy bay trong lô đầu tiên và thời gian máy bay được chuyển đến Ukraine. (Reuters)

* Mỹ phân bổ khoản tín dụng trị giá 2 tỷ USD cho Ba Lan mua vũ khí phòng thủ tên lửa và phòng không của Washington, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Ba Lan.

Đây đã là khoản vay thứ hai mà chính phủ Mỹ cấp cho Warsaw trong thời gian gần đây. Quân đội Ba Lan không tiết lộ các chi tiết của khoản vay mà chỉ nói rằng nó được ký kết dựa trên “những điều khoản tài chính rất thuận lợi”. (PAP)

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Hungary bất ngờ thăm Kiev sau gần 2,5 năm xung đột ở Ukraine, nhắc nhở châu Âu nên tự hỏi ‘vị trí của mình’

Châu Mỹ

* Mỹ trấn an các đồng minh sau màn tranh luận của Tổng thống Biden: Phát biểu tại Viện Brookings ngày 1/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bảo vệ vị thế của Tổng thống Joe Biden trên trường quốc tế sau màn trình diễn không thuyết phục của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc tranh luận trực tiếp với cựu Tổng thống Donald Trump hôm 28/6.

Ông Blinken nói rõ: “Đó chỉ là một đêm tồi tệ. Nếu nhìn vào các cuộc khảo sát trên toàn thế giới, bạn sẽ thấy hết lần này đến lần khác rằng, sự tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của Mỹ đã tăng lên đáng kể trong ba năm rưỡi qua. Đó là kết quả của những lựa chọn, các chính sách và cách chơi của chúng ta”.

Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cho rằng, các khảo sát đều chỉ ra vai trò lãnh đạo của Tổng thống Biden trong tất cả các lĩnh vực. (Politico)

* Ông Donald Trump được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối khỏi việc bị truy tố hình sự đối với các hành động công vụ thuộc phạm vi chức trách của mình khi còn tại vị, song không áp dụng đối với những hành động theo tư cách cá nhân.

Phán quyết trên được đưa ra trong ngày 1/7, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi thành lập đất nước vào thế kỷ XVIII, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố rằng các cựu tổng thống có thể được bảo vệ khỏi các cáo buộc hình sự trong mọi trường hợp.

Tổng thống Joe Biden cảnh báo, phán quyết trên đặt ra một “tiền lệ nguy hiểm” mà ông Trump sẽ khai thác nếu đắc cử vào tháng 11 tới, khi quyết định này “gần như chắc chắn có nghĩa là không có giới hạn nào đối với những gì tổng thống có thể làm”. (AFP)

* Nguy cơ đảo chính ở Bolivia vẫn tiềm ẩn bởi trữ lượng lithium khổng lồ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, theo lời Ngoại trưởng nước này Celinda Sosa.

Lưu ý Bolivia là “một quốc gia có nhiều của cải, nên việc nỗ lực cướp chính quyền bằng vũ lực để đạt được lợi ích là có thực”, bà Sosa nhấn mạnh cần phải “hết sức cảnh giác”.

Bên cạnh đó, theo Ngoại trưởng Sosa, người dân Bolivia “rất có ý thức” trong việc không cho phép cuộc đảo chính do Tổng tư lệnh quân đội bị sa thải, Tướng Juan José Zúñiga, âm mưu thực hiện ngày 26/6 vừa qua. (EFE)

* Venezuela chấp nhận tái khởi động đàm phán trực tiếp với Mỹ, theo thông báo của Tổng thống quốc gia Nam Mỹ Nicolas Maduro.

Phát biểu trong chương trình phát sóng vào thứ Hai hằng tuần trên đài truyền hình chính thức Venezolana de Television, ông Maduro cho biết: “Ngày 10/7 tới, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu lại với chính phủ Mỹ để họ tuân thủ các thỏa thuận đã ký ở Qatar”.

TIN LIÊN QUAN
Nhận phán quyết chưa từng có trong lịch sử Mỹ, ông Trump hân hoan ‘thắng lợi lớn’, Tổng thống Joe Biden nói ‘tiền lệ nguy hiểm’

Châu Á-Thái Bình Dương

* Philippines hy vọng vào cuộc gặp với Trung Quốc: Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đang “hy vọng điều tốt đẹp nhất” khi các nhà ngoại giao từ Trung Quốc tới Manila để tham dự cuộc họp trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn song phương (BCM) trong ngày hôm nay, 2/7.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh có những tranh cãi xung quanh vấn đề Biển Đông. Ông Manalo mô tả mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh là “không ổn định”, trong khi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, hai nước đang ở “ngã ba đường” của quan hệ song phương.

Trước đó, phát biểu trước một ủy ban thuộc Thượng viện Philippines, ông Manalo tuyên bố: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán nhằm giải quyết những khác biệt”. (Rappler)

* Nhật Bản muốn thiết lập “quân đội kết nghĩa” với Philippines: Bộ Tư lệnh Hạm đội phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đang nghiên cứu cơ chế thiết lập “quân đội kết nghĩa” với Hải quân Philippines.

Trong bài phát biểu ngày 1/7, Tư lệnh Hạm đội Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản Satoshi Saito cho hay, Philippines đã nêu đề xuất trên khi tham gia với tư cách quan sát viên tại cuộc họp giữa các chỉ huy hạm đội Nhật Bản, Mỹ, Australia và Hàn Quốc vào ngày 10/5 vừa qua.

Ông Satoshi nhấn mạnh: “Điều này rất hiệu quả trong việc tăng cường mối quan hệ với Hải quân Philippines và hy vọng mối quan hệ này sẽ được thiết lập càng sớm càng tốt”. (Global Times)

* Triều Tiên phóng tên lửa, Hàn Quốc khôi phục tập trận pháo binh ở biên giới trên bộ: Ngày 2/7, truyền thông Triều Tiên đưa tin, nước này đã phóng thử một tên lửa đạn đạo chiến thuật mới Hwasong-11Da-4.5 có khả năng mang đầu đạn siêu lớn trước đó một ngày.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành với một tên lửa có gắn đầu đạn hạng nặng mô phỏng để xác minh độ ổn định khi bay và độ chính xác khi bắn trúng mục tiêu ở tầm bắn tối đa 500 km và tầm bắn tối thiểu 90 km. Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa nữa trong tháng này.

Cùng ngày, Hàn Quốc đã nối lại các cuộc tập trận bắn đạn thật tại các bãi pháo gần biên giới với Triều Tiên, lần đầu tiên sau 6 năm. Cuộc tập trận có sự tham gia của pháo tự hành K9 và K105A1, diễn ra ở các tuyến đầu thuộc các tỉnh Kyunggi và Gangwon. (Yonhap, KCNA)

* Malaysia sẵn sàng hợp tác với Indonesia trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình do LHQ ủy quyền, theo chia sẻ của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trên trang Facebook cá nhân, sau cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto.

Ông Anwar cho biết, Kuala Lumpur sẵn sàng hợp tác với Jakartar để điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến Gaza nếu được LHQ ủy quyền, đồng thời đề cập khả năng mở rộng hợp tác này lên cấp khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về vai trò của ông Prabowo trong việc đại diện cho Indonesia trên trường quốc tế gần đây, cũng như những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy tầm nhìn, hợp tác và hòa bình khu vực và toàn cầu. (CNA)

* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Kazakhstan ngày 2/7 để tham dự hội nghị lần thứ 24 Hội đồng Nguyên thủ quốc gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thăm cấp nhà nước tới quốc gia Trung Á này.

Trong bài viết do truyền thông đăng tải, Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay, Trung Quốc “sẵn sàng chung tay với Kazakhstan trước những thay đổi có ý nghĩa lịch sử đang diễn ra trên thế giới và thời đại chúng ta”.

Ông khẳng định, Trung Quốc sẽ hợp tác với Kazakhstan để duy trì hệ thống quốc tế với LHQ là cốt lõi và trật tự quốc tế được luật pháp quốc tế củng cố cũng như hành động theo chủ nghĩa đa phương thực sự.

Theo nhà lãnh đạo, Bắc Kinh và Astana sẽ chung tay “để xây dựng một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế toàn diện và có lợi cho toàn cầu, đồng thời mang lại sự tích cực và chắc chắn hơn cho hòa bình và ổn định thế giới”. (Kazinform)

* Thủ tướng Australia từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO: Thủ tướng Australia Anthony Albanese quyết định không có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp tới ở Washington, thay vào đó, cử một phái đoàn do Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles dẫn đầu.

Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Albanese chưa nhận được xác nhận về cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước Hội nghị thượng đỉnh. Văn phòng thủ tướng khuyến cáo ông không nên đi để tránh tranh cãi. (Sydney Morning Herald)

TIN LIÊN QUAN
Nhà ngoại giao kỳ cựu Indonesia phân tích ‘chìa khóa’ cho căng thẳng ở Biển Đông

Trung Đông

* Iran đe dọa tiếp tục tấn công Israel, cam kết hỗ trợ Hezbollah: Tư lệnh Lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Amir Ali Hajizadeh cho biết, Tehran sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công lớn khác nhằm vào Israel khi “điều kiện chín muồi”.

Tướng Hajizadeh cho biết, Iran mong muốn có cơ hội thực hiện phiên bản 2 của Chiến dịch True Promise – mật danh do Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và lãnh đạo IRGC đặt cho cuộc tấn công Israel ngày 13/4 nhằm đáp trả cuộc không kích vào lãnh sự quán Iran ở Syria. Cuộc tấn công có sự tham gia của ít nhất 300 tên lửa và thiết bị bay không người lái.

Trong khi đó, Cố vấn Kamal Kharrazi của Lãnh đạo tối cao Khamenei tuyên bố, tất cả các thành viên của “trục kháng chiến” sẽ hỗ trợ phong trào Hezbollah ở Lebanon bằng mọi cách trong trường hợp xảy ra xung đột với Israel.

Ông đồng thời nhấn mạnh, Tehran kêu gọi Mỹ gây áp lực lên Israel để ngăn chặn leo thang thêm, lưu ý rằng, chiến tranh không có lợi cho bất kỳ ai – kể cả Iran hay Mỹ. (Tasnim)

* Nga tố liên quân Mỹ xâm phạm không phận Syria: Ngày 1/7, Phó Giám đốc Trung tâm hòa giải các bên tham chiến ở Syria thuộc Bộ Quốc phòng Nga Yuri Popov cho biết, một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiếp cận “một cách nguy hiểm” máy bay chiến đấu An-30 của Nga trên không phận tỉnh Homs, Syria.

Theo ông, phi công Nga đã thể hiện sự chuyên nghiệp cao và kịp thời xử lý tình huống để tránh va chạm. (TASS)

TIN LIÊN QUAN
Chảo lửa Trung Đông: Loạt nước cảnh báo nguy cơ xung đột ở Lebanon, Mỹ nói ‘Israel không muốn chiến tranh’, Hamas sắp mất năng lực quân sự?

Châu Phi

* Ethiopia-Somalia tìm cách giảm bớt căng thẳng ngoại giao: Ngày 1/7, truyền thông Somalia đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Ahmed Moallim Fiqi và người đồng cấp Ethiopia Taye Atske Selassie đã có mặt tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết và tìm khả năng giảm bớt căng thẳng ngoại giao đang diễn ra.

Cuộc họp giữa hai bên được tiến hành sau khi Biên bản ghi nhớ (MoU) được ký vào ngày 1/1/2024 giữa Ethiopia và Somaliland gây ra nhiều tranh cãi và quan hệ căng thẳng giữa Ethiopia và Somalia.

Theo MoU này, Ethiopia được tiếp quản một căn cứ hải quân lớn trong 50 năm để đổi lấy sự công nhận về mặt ngoại giao đối với Somaliland, nguồn gốc gây tranh cãi, đặc biệt đối với Somalia, nước không công nhận Somaliland là một quốc gia độc lập.

Thỏa thuận này đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng, đòi hỏi phải can thiệp ngoại giao.

Các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ cung cấp một nền tảng để cả hai bên bày tỏ mối quan ngại của mình, khám phá điểm chung và hướng tới một giải pháp cùng có lợi. Kết quả cuộc gặp này được đánh giá có thể có ý nghĩa sâu rộng đối với sự ổn định và hợp tác ở vùng Sừng châu Phi. (Daily Sabah)





Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-27-nga-canh-bao-israel-cac-hau-qua-nghiem-trong-dem-toi-te-cua-ong-biden-philippines-mong-dieu-tot-dep-cung-trung-quoc-277174.html

Cùng chủ đề

Tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc đang ở đâu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương?

Tạp chí Newsweek công bố bản đồ vị trí các tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương ngày 7.2, theo đó một tàu Mỹ rời Biển Đông tiến vào Thái Bình Dương, trong khi 3 tàu Trung Quốc...

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Singapore phải thích nghi với “thực tế mới” khi Mỹ không còn sẵn sàng bảo trợ trật tự toàn cầu

Bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh điều đó tại buổi tiệc mừng Tết Nguyên đán ở Câu lạc bộ Cộng đồng Teck Ghee hôm 8/2.

Thái Nguyên: Khai mạc Lễ hội Hương sắc trà xuân

Ngày 8/2, tại Không gian văn hóa trà Tân Cương, UBND TP. Thái Nguyên đã tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống “Hương sắc trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” năm 2025.

Thị trường nội địa phấn khởi bước vào vụ thu hoạch, dự báo giá tiếp tục tăng

Giá tiêu hôm nay 10/2/2025 tại thị trường trong nước đồng loạt tăng ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 155.500 – 159.000 đồng/kg.

Giá vàng củng cố đà bứt phá, trong nước không “rớt thảm” như lịch sử, mua thời điểm nào để sinh lợi tốt nhất?

Giá vàng hôm nay 10/2/2025 ghi nhận xu hướng trong thời gian tới vẫn là đi lên, tuy nhiên, trong ngắn hạn khả năng sẽ có những đợt điều chỉnh.

Bản chất của Vàng Chỉnh Mình và cái gọi là ‘Liên minh người Mông vì công lý’

Là người dân tộc Mông được sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, thời gian qua, được sự hậu thuẫn của những cá nhân, tổ chức phản động, thiếu thiện chí, Vàng Chỉnh Mình đã lập ra cái gọi là “Liên minh người Mông vì công lý” để tiến hành các hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài đọc nhiều

Lần đầu tiên sau 10 năm, Nga cung cấp trực thăng cho đồng minh của Mỹ

Dữ liệu của cơ quan thống kê Hàn Quốc cho thấy, Nga đã bàn giao nhiều máy bay trực thăng cho nước đồng minh Mỹ này trong năm 2024 sau 10 năm.

Lung lay vận mệnh gia tộc Duterte

Là đại diện của gia tộc cựu Tổng thống Duterte quyền lực trong chính trường Philippines, Phó Tổng thống Sara Duterte đang chịu bủa vây từ hàng loạt cáo buộc và đứng trước nguy cơ chấm dứt sự nghiệp chính trị.

Nga bắt 4 nữ đặc vụ Ukraine, Iran nói không nên đàm phán với Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan ký nhiều thoả thuận

Tổng thống Brazil nói ông Trump không được bầu để "cai trị thế giới", Moscow đề cập đến hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, Panama rút khỏi Vành đai và Con đường, Nga mở rộng quyền tịch thu tài sản nước ngoài… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tên lửa Triều Tiên tăng độ chính xác nhờ được sử dụng tại Ukraine

Reuters dẫn nguồn tin quan chức Ukraine nói rằng tên lửa từ CHDCND Triều Tiên được Nga sử dụng tại Ukraine đã dần cải thiện độ chính xác. ...

Ông Trump tuyên bố Gaza ‘sẽ được Israel trao cho Mỹ’

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6.2 nói rằng Dải Gaza sẽ được Israel ‘trao cho Mỹ’ khi chiến sự chấm dứt. ...

Cùng chuyên mục

Singapore phải thích nghi với “thực tế mới” khi Mỹ không còn sẵn sàng bảo trợ trật tự toàn cầu

Bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh điều đó tại buổi tiệc mừng Tết Nguyên đán ở Câu lạc bộ Cộng đồng Teck Ghee hôm 8/2.

Cả nước Sri Lanka mất điện chỉ vì một con khỉ

Một con khỉ xâm nhập một trạm biến áp ở Sri Lanka, gây ra tình trạng mất điện trên toàn nước này vào ngày 9.2, theo giới chức. ...

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị thăm 3 nước châu Á

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ có chuyến thăm chính thức tới Malaysia, Indonesia và Pakistan vào tuần tới.

Ông Trump hé lộ cuộc điện đàm với Tổng thống Putin về tương lai xung đột ở Ukraine

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hé lộ về cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.

“Cha đẻ” của Namibia, cựu Tổng thống Sam Nujoma qua đời

Cựu Tổng thống Sam Nujoma, người được tôn kính vì đã lãnh đạo Namibia giành độc lập từ Nam Phi vào năm 1990, đã qua đời ở tuổi 95 vào ngày 8/2.

Mới nhất

Bộ Quốc phòng tổ chức lễ giao nhận quân trên cả nước từ ngày 13 đến 15-2

Năm 2025, việc tiến hành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện trong một đợt. Theo kế hoạch, lễ giao nhận quân năm 2025 tại các địa phương diễn ra trong 3 ngày: từ 13 đến hết 15-2. ...

Thị trường nội địa phấn khởi bước vào vụ thu hoạch, dự báo giá tiếp tục tăng

Giá tiêu hôm nay 10/2/2025 tại thị trường trong nước đồng loạt tăng ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 155.500 – 159.000 đồng/kg.

Giá vàng củng cố đà bứt phá, trong nước không “rớt thảm” như lịch sử, mua thời điểm nào để sinh lợi tốt nhất?

Giá vàng hôm nay 10/2/2025 ghi nhận xu hướng trong thời gian tới vẫn là đi lên, tuy nhiên, trong ngắn hạn khả năng sẽ có những đợt điều chỉnh.

Dự báo thời tiết 10/2/2025: Rét đậm ‘bủa vây’ miền Bắc, Hà Nội lạnh 10 độ C

Dự báo thời tiết 10/2/2025: Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng mạnh, miền Bắc chìm trong rét đậm, rét hại, nhiệt độ nhiều nơi xuống rất thấp, Hà Nội rét đậm 10 độ C. Thời tiết Hà Nội ngày 10/2 tiếp tục đón nhận một ngày rét đậm, trời nhiều mây, không mưa, gió đông đến đông nam cấp...

Phong Phú Hà Nam thắng trận ra quân giải U19 nữ Quốc gia 2025

Trận đấu đầu tiên của giải là cuộc đọ sức giữa Phong Phú Hà Nam và Zantino Vĩnh Phúc. Là nhà đương kim vô địch, Phong Phú Hà Nam quyết tâm giành chiến thắng nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ ngôi hậu. Tuy nhiên, cô trò HLV Trần Lệ Thủy vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ...

Mới nhất