Áp dụng công nghệ trong “ăn ong”
Khoảng giữa tháng 6/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ công bố Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với “Nghề gác kèo ong” (còn gọi là “ăn ong”) của huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.
Trải qua bao thế hệ, đến nay, nghề gác kèo ong ở Cà Mau được thế hệ trẻ gắn bó không chỉ mang tính gìn giữ “nghề truyền thống” mà còn ứng dụng công nghệ vào để hành nghề, phát triển nghề, mang lại hiệu quả cao.
Nghề gác kèo ông là ở Cà Mau được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Có thâm niên gần 10 năm theo đuổi nghề ăn ong, anh Phạm Duy Thái (ngụ xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) chia sẻ, ban đầu khi bước vào nghề gác kèo ong, mỗi tháng lấy được khoảng 20 lít mật ong.
Thông qua kênh Youtube “Săn bắt rừng tràm” của mình, việc kinh doanh mật ong của anh trở nên thuận lợi hơn.
“Mỗi khi đi bắt ong, tôi đội trên đầu một camera để cho người xem biết đến cách ăn ong cũng như giới thiệu sản phẩm của mình đến với người xem”, anh Thái nói.
Với khoảng 40 ha diện tích đất của gia đình và đất thuê, vào mùa “ăn ong”, anh Thái thu được khoảng 100 lít mỗi tháng, lượng người mua mật ong cũng tăng lên.
Để tạo đột phá trong nghề “ăn ong”, từ cái quạt thổi khí mini hỗ trợ bếp nhanh bén lửa, anh Thái đã chế tạo ra bình phun khói bắt ong vào năm 2019, giúp việc việc bắt ong thuận lợi hơn thay vì bắt ong theo cách truyền thống bằng đuốc, hoặc bùi nhùi dễ làm rơi rớt tàn lửa, gây cháy rừng.
“Tôi bỏ lá chuối vô bình này đốt trước, bật quạt lên thì nó thổi khói ra tầm 3 – 4m, đặc biệt mùa hạn dùng bình phun khói rất hiệu quả, giúp giảm thiểu nguy cơ gây ra cháy rừng”, anh Thái nói.
Vị ngọt của mật ong rừng U Minh Hạ (Cà Mau) mang nét đặc trưng riêng, khiến du khách khi dùng một lần rồi sẽ nhớ mãi.
Theo anh Thái, để tạo ra bình phun khói, anh đã tận dụng các vỏ lon sữa để chế tạo cánh quạt, tận dụng lá dừa, lá chuối khô sẵn có làm nguyên liệu tạo khói.
“Bình phun khói có nhiều tiện ích như: không dùng pin mà dùng sạc điện, phun ra khói nhiều và xa hơn; đặc biệt là phát huy rất tốt việc bảo vệ rừng khi không làm rơi rớt tàn lửa”, anh Thái chia sẻ thêm.
Anh Trần Chí Hiếu (ngụ huyện U Minh) chia sẻ: “Bình phun khói anh Thái tạo ra cũng rất dễ sử dụng, chỉ cần kiếm vật liệu đốt làm khó để vô rồi đốt lên cho nó cháy. Có cái công tắc mình bật lên thì mô tơ chạy thổi gió, thổi khói ra”.
Nhờ ứng dụng công nghệ trong việc “ăn ong”, và đam mê công nghệ, từ người gác 10 kèo ong chỉ được 1 tổ đến nay anh Thái gác 10 kèo đạt đến 7 – 8 tổ ong. Một người không biết gì về Youtube đã phát triển kênh có hơn 12.000 lượt theo dõi.
Du khách thích thú thu về được chiến lợi phẩm là một tổ ong “khổng lồ”.
Từ nghề di sản đến phát triển du lịch
Từ nhiều năm qua, nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ đã mang lại nguồn thu hoạch rất lớn lượng mật so với lấy mật từ thiên nhiên.
Chính vì thế, gác kèo ong không chỉ là nghề truyền thống mà còn mang lại một phần kinh tế không nhỏ cho người dân địa phương.
Mỗi kèo trung bình 4 – 5 lít mật, nếu bán tại chỗ khoảng 250.000 đồng/lít thì cũng được cả triệu đồng.
Có người gác nhiều kèo, trúng mánh thì mỗi kèo có khi kiếm cả chục lít, thậm chí nhiều hơn nữa.
Từ nghề gác kèo ong, vùng đất Cà Mau có mật ong rừng tràm chất lượng tốt, nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã công nhận sản phẩm mật ong U Minh Hạ là nhãn hiệu tập thể.
Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, việc công nhận “Nghề gác kèo ong” là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã tạo thêm động lực cho những người dân gắn bó với nghề có điều kiện phát triển kinh tế bền vững và góp phần cho công tác bảo vệ rừng, công tác giảm nghèo của địa phương đạt kết quả cao.
“Đây cũng là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch”, ông Hùng nói.