Ai có nguy cơ trượt thị thực?
Vào nửa cuối năm 2023, Úc ban hành loạt chính sách mới nhằm ngăn cản những sinh viên quốc tế không chân chính lợi dụng kẽ hở trong hệ thống nhập cư để vào nước này làm việc dưới “vỏ bọc” du học. Động thái trên ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng du học Úc trong 6 tháng cuối năm 2023. Dữ liệu thống kê từ Bộ Nội vụ Úc hôm 24.1 cho thấy có đến 19% ứng viên bị từ chối cấp thị thực du học, cao nhất trong 15 năm qua.
Điều này đồng nghĩa, cứ 5 người xin thị thực du học Úc thì 1 người bị từ chối trong nửa cuối năm 2023. Và nếu tỷ lệ từ chối này tiếp diễn, số sinh viên quốc tế được cấp thị thực du học Úc trong năm học 2023-2024 dự kiến giảm khoảng 15% so với 2022-2023, ở mức 91.715 người, trang ICEF Monitor đưa tin. Trước đó, tỷ lệ từ chối dừng ở mức 10% vào năm học 2018-2019, 8,5% trong giai đoạn 2021-2022 khi Úc mở cửa lại biên giới và 14% năm học 2022-2023.
Đối tượng có khả năng trượt thị thực du học cao nhất là những sinh viên theo đuổi trình độ bằng cấp thấp hơn. Ông Phil Honeywood, Giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục quốc tế Úc (IEAA), lý giải các quyết định cắt giảm nhắm vào số lượng lớn sinh viên quốc tế học nghề ở các khóa như kỹ năng lãnh đạo. “Bởi, chúng tôi đặt trọng tâm thu hút những du học sinh có thể đóng góp kỹ năng cho nền kinh tế”, ông nhấn mạnh.
Tương quan vấn đề này, dữ liệu từ Bộ Nội vụ Úc cũng cho thấy, tỷ lệ đậu thị thực lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, hay thường biết đến với tên gọi chương trình học nghề, đã giảm xuống 60% vào tháng 12.2023, kém xa mức 95,3% trong cùng tháng vào năm 2022.
Nhóm đối tượng khác có nguy cơ trượt thị thực du học là những sinh viên quốc tế không thể đáp ứng hay chứng minh được các yêu cầu ngày càng cao của chính phủ Úc về trình độ ngoại ngữ, khả năng tài chính, sự trung thực… Chẳng hạn, từ đầu năm 2024, Úc tăng yêu cầu về tiếng Anh và quyết định này được cho là sẽ “cản bước” hàng chục nghìn người trên hành trình xin thị thực, theo đài SBS.
Bên cạnh đó, việc Úc thắt chặt quy định liên quan đến các cơ sở giáo dục và bộ phận xét duyệt cũng khiến tỷ lệ từ chối cấp thị thực cao hơn trước. “Chúng tôi nhận thấy các tài liệu giả mạo, gian lận liên quan đến khảo thí tiếng Anh, tuyên bố thiếu trung thực… xuất hiện ngày càng tinh vi hơn trong đơn đăng ký xin thị thực du học”, người phát ngôn Bộ Nội vụ Úc nhận định.
Một số quốc gia vào “danh sách đen”
Quy định mới của chính phủ Úc cũng bao gồm sự “giám sát chặt chẽ hơn” với các đơn xin thị thực du học có rủi ro cao.
Trả lời tờ Australian Financial Review, ông Craig Mackey, Giám đốc phát triển doanh nghiệp tại IDP Education Australia, thông tin rằng chỉ trong 4 tháng từ tháng 6 đến tháng 9.2023, tỷ lệ đậu thị thực du học của sinh viên từ một số quốc gia châu Á và châu Phi chứng kiến mức giảm sâu. Chẳng hạn, Ấn Độ giảm từ 73% xuống 42%, Pakistan từ 64% xuống 30%, Philippines từ 81% xuống 36% và Nigeria từ 71% xuống 29%.
Trái ngược, tỷ lệ đậu thị thực ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan đạt mức 90% hoặc cao hơn do năng lực tài chính và tính chân thành trong ý định du học, theo ông Mackey. Đồng tình, một công ty du học tại Indonesia trả lời tờ The PIE News rằng một thị trường tương đối “sạch” sẽ không gặp nhiều trường hợp bị từ chối cấp thị thực. Như ở Indonesia, tỷ lệ đậu thị thực lĩnh vực giáo dục ĐH là 98,2%.
Tỷ lệ từ chối cấp thị thực du học tăng cao cũng tạo ra các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục ĐH. Cụ thể, vào tuần trước, có thông tin cho rằng ĐH Wollongong và một số ĐH Úc khác yêu cầu sinh viên quốc tế rút đơn đăng ký nhập học vì cho rằng họ sẽ khó có thể đáp ứng các tiêu chí mới của thị thực du học, dẫn đến việc bị từ chối và ảnh hưởng đến mức độ rủi ro của trường Úc mà người đó ứng tuyển.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, có 768.113 sinh viên quốc tế theo học các khóa tại Úc tính đến tháng 10.2023. Trong đó, Việt Nam có hơn 31.000 du học sinh, xếp thứ 6 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines. Để sinh sống tại Úc trong thời điểm hiện tại, Bộ Nội vụ Úc khuyên sinh viên quốc tế đảm bảo tài chính ở mức khoảng 25.000 USD (600 triệu đồng) mỗi năm.