Giá vàng tăng 1,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào
Những ngày cuối năm 2023 là chuỗi thời gian đáng nhớ của thị trường vàng trong nước. Trong khi giá vàng thế giới khá bình lặng trên mốc 2.000 USD/ounce, giá vàng SJC “loạn cào cào” khi tăng “bay thẳng đứng”, lúc “rơi tự do”.
Bước sang ngày giao dịch đầu tiên của năm mới 2024, giá vàng SJC tiếp tục “đại náo” thị trường kim loại quý khi đồng loạt tăng rất mạnh.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ đang giao dịch vàng SJC ở mức giá: 71,60 triệu đồng/lượng – 74,60 triệu đồng/lượng, tăng 1,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Tập đoàn Doji điều chỉnh giá vàng SJC tại Hà Nội tăng 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra lên 69,50 triệu đồng/lượng – 74,50 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường TP.HCM, giá vàng SJC của Doji tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên giá bán ra ở mức: 71 triệu đồng/lượng – 75 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, giá vàng SJC được niêm yết ở mức: 71,50 triệu đồng/lượng – 74,50 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối năm 2023.
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được giao dịch ở mức: 71 triệu đồng/lượng – 74,50 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Có thể thấy, đa số các “nhà vàng” đều điều chỉnh tăng mạnh chiều bán ra và tăng rất mạnh chiều mua vào khiến khoảng cách giữa giá bán ra và mua vào giảm khá nhiều so với cuối năm 2023.
Cụ thể, trên thị trường, mức chênh lớn nhất đang thuộc về Tập đoàn Doji với 5 triệu đồng, giảm mạnh so với 6 triệu đồng hồi cuối năm ngoái. Đứng sau là Bảo Tín Minh Châu với 3,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh tại SJC và PNJ cùng là 3 triệu đồng/lượng. Dù đã giảm nhưng đây vẫn là khoảng cách rất lớn, có nguy cơ mang lại nhiều rủi ro cho người mua vào vàng.
Giá vàng phi SJC tăng nhẹ
Trong khi giá vàng SJC tiếp tục “đại náo” thị trường kim loại quý, giá vàng phi SJC chỉ tăng rất nhẹ.
Cụ thể, tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long đang giao dịch ở mức: 62,23 triệu đồng/lượng – 63,43 triệu đồng/lượng, tăng 170.000 đồng/lượng so với cuối năm 2023.
Giá vàng PNJ tại Công ty PNJ đang được niêm yết ở mức: 61,90 triệu đồng/lượng – 63 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng.
Có thể thấy, cả vàng rồng Thăng Long và vàng PNJ đều có tốc độ tăng rất khiêm tốn so với giá vàng thế giới dù trong năm 2023, khả năng sinh lời của kim loại quý này cao vượt trội so với vàng SJC.
Năm 2023, trong khi khả năng sinh lời của vàng SJC và vàng thế giới chỉ là 5,7% và 13,45% thì lợi ích mà vàng phi SJC lên đến 15,2%. Dù vậy, rủi ro mà kim loại quý này mang lại vẫn không hề nhỏ khi mà vàng phi SJC đang đắt hơn vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao hơn giá mua vào 1,2 triệu đồng/lượng.
Nhà đầu tư “cân não”
Hiện tại, giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng phi SJC khoảng 11 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh rất lớn nên nhà đầu tư băn khoăn không biết nên mua loại vàng nào để cất giữ.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công Luận, chị Thu Hoài (Minh Khai, Hà Nội) cho biết trong năm 2023, vợ chồng chị đã tích lũy được khoảng 300 triệu đồng. Do lãi suất xuống quá thấp nên anh chị quyết định mua vàng nhưng mua loại vàng nào lại là câu hỏi khó.
“Vàng SJC là vàng được Nhà nước công nhận nhưng hiện tại, giá vàng SJC đã quá cao rồi, cao hơn thế giới gần 15 triệu đồng/lượng. Và giá bán ra cao hơn giá mua vào từ 3 triệu đồng tới 5 triệu đồng mỗi lượng. Tôi đọc báo thấy chuyên gia khuyến cáo đây là mức chênh rất lớn, mang lại nhiều rủi ro. Và rủi ro đã hiện rõ trong những ngày cuối năm 2023. Vì vậy, tôi thấy hơi liều khi mua vào vàng SJC lúc này”, chị Thu Hoài chia sẻ.
Chị có lựa chọn khác là mua vàng phi SJC. Tuy nhiên, theo chị, đây lại là những loại vàng Nhà nước không công nhận nên nó lại có rủi ro khác. Kết quả là gia đình chị đã mất cả Tết Dương lịch để cân nhắc mua loại vàng nào nhưng vẫn chưa “chốt”.