Hôm qua (30.11), tại Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm (sau đây gọi chung là mạng lưới ĐH) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo phiên bản dự thảo Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để hoàn thiện, bộ này đề xuất những định hướng sắp xếp cơ cấu phân bố mạng lưới, nhằm đạt được mục tiêu VN được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống ĐH tiên tiến trong khu vực.
SẼ CÓ 30 CƠ SỞ ĐH trọng điểm quốc gia
Về định hướng sắp xếp cơ cấu và phân bố mạng lưới, Bộ GD-ĐT đưa quan điểm cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở ĐH. Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở ĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở ĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng, trong đó: khoảng 30 cơ sở ĐH trọng điểm quốc gia (5 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng, 18 – 20 cơ sở ĐH trọng điểm ngành quốc gia); khoảng 100 cơ sở ĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương; ít nhất 70 cơ sở ĐH tư thục (cả phi lợi nhuận, cả cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài).
TÁI CẤU TRÚC, SÁP NHẬP, GIẢI THỂ TRƯỜNG KHÔNG ĐẠT CHUẨN
Với các trường ĐH công lập (trong giai đoạn tới năm 2030), những trường không đạt chuẩn cơ sở ĐH sẽ được sắp xếp theo các định hướng sau: tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 – 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở ĐH có uy tín; đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030. Về cơ bản không thành lập trường ĐH công lập mới, trừ các trường hợp cần thiết (như thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận ĐH thấp…). Với các phân hiệu thì sẽ đình chỉ hoạt động đào tạo nếu không đạt chuẩn hoặc chưa hoàn thành xác lập vị trí pháp lý trước năm 2028; sáp nhập hoặc giải thể các phân hiệu không đạt chuẩn trước năm 2030. Việc thành lập mới các phân hiệu cũng được giới hạn trong một số trường hợp.
NÂNG CẤP CÁC ĐH QUỐC GIA THUỘC NHÓM HÀNG ĐẦU CHÂU Á
Kèm theo định hướng sắp xếp trên là đề xuất của Bộ GD-ĐT về các chương trình, dự án quan trọng cần ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhóm được ưu tiên hàng đầu là phát triển, nâng cấp các ĐH quốc gia đạt trình độ tiên tiến thế giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, thuộc nhóm hàng đầu khu vực châu Á; phát triển, nâng cấp các ĐH vùng đạt trình độ tiên tiến, có uy tín trong khu vực về các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên của vùng; phát triển, nâng cấp các cơ sở ĐH trọng điểm các ngành sư phạm, y tế và các ngành khác…
Trong đó, ĐH quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. ĐH vùng nằm trong trung tâm của vùng, tiểu vùng, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng.
TRÁNH VIỆC TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM CHẠY THEO CHỈ TIÊU TUYỂN SINH ĐH
Đại diện các trường ĐH phát biểu tại tọa đàm đều bày tỏ sự đồng tình với quan điểm soạn thảo dự thảo quy hoạch của Bộ GD-ĐT. Theo các đại biểu, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, việc tập trung đầu tư vào các ĐH quốc gia, ĐH vùng, cơ sở ĐH trọng điểm là một giải pháp đúng đắn thay vì đầu tư dàn trải.
Các tiêu chí Bộ GD-ĐT căn cứ để xác định cơ sở nào là trọng điểm quốc gia là khá hợp lý (năng lực, uy tín đào tạo và nghiên cứu khoa học như số lượng GS, PGS, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, quy mô giảng viên; quy mô đào tạo sau ĐH và kết quả nghiên cứu khoa học…). Tuy nhiên, từ góc độ quyền lợi của đơn vị mình, một số đại biểu cho rằng Bộ GD-ĐT cần xem xét, mở rộng danh sách 18 trường ĐH trọng điểm ngành.
Theo GS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội, cần lưu ý tính “dẫn dắt” của cơ sở ĐH, trong đó chú trọng tỷ lệ đào tạo sau ĐH (chẳng hạn phải đạt tỷ lệ tối thiểu 20% trong tổng quy mô đào tạo). Cần tránh việc ĐH trọng điểm tuy được đầu tư nhiều hơn nhưng lại chạy theo việc mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, trong khi đào tạo sau ĐH mới là yếu tố tạo nên sự “dẫn dắt”.
GS Nam cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nên xem xét để đưa Trường ĐH Dược Hà Nội vào danh sách trường ĐH trọng điểm ngành quốc gia. “Cả nước hiện chỉ có duy nhất trường ĐH chuyên đào tạo ngành dược. Trường ĐH Y Hà Nội không có ngành dược, Trường ĐH Y Dược TP.HCM thì dược chỉ là một ngành (hai trường có tên trong danh sách 18 trường ĐH trọng điểm ngành mà Bộ GD-ĐT đề xuất – PV). Trường ĐH Dược Hà Nội hiện nay là cơ sở đào tạo giảng viên cho hầu hết ngành dược trong các trường ĐH y dược. Thực chất Trường ĐH Dược Hà Nội hiện là trường mang tính “dẫn dắt” trong đào tạo ngành dược”, GS Nam giải thích.
CẦN ĐẢM BẢO NGUYÊN TẮC BÌNH ĐẲNG TRONG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC
PGS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cũng bày tỏ sự đồng tình về định hướng sắp xếp mạng lưới ĐH như Bộ GD-ĐT đã đề xuất, nhưng cần có những nội dung thể hiện sự quan tâm tới những đơn vị đào tạo mà hiệu quả đã được chứng minh trong thực tiễn. Quy hoạch cần thể hiện được nguyên tắc không tạo nên sự bất bình đẳng trong phát triển ĐH. Cần căn cứ vào chất lượng đầu ra, khả năng huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực quốc tế của các trường ĐH. “Hiện nay chúng ta có một nhóm trường ĐH đào tạo đơn ngành, trong đó có một số trường ĐH hạn chế về diện tích nhưng chất lượng đầu ra và đầu vào rất tốt, nên chăng có phương án cơ cấu lại, sáp nhập các trường này để tạo nên các ĐH lớn, phát triển thành ĐH đẳng cấp quốc tế, chứ không chỉ phát triển ĐH quốc gia hay ĐH vùng”, bà Hương đề xuất.
“Chúng ta nên phân định ra hai nhóm. Nhóm điều kiện đảm bảo chất lượng; nhóm chất lượng đầu ra. Nên mở cơ hội dành cho các trường thuộc các tốp hằng năm trong quá trình phát triển cũng như các chuẩn đầu ra của các trường, thậm chí có chuẩn đầu ra cao hơn khung quốc gia, đáp ứng được chuẩn đầu ra theo các chương trình quốc tế”, PGS Hương đề xuất và cho biết thêm: “Chúng ta cần đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong phát triển giáo dục. Chúng tôi mong muốn có cơ chế công bằng để các trường ĐH có thể có cơ hội, mặc dù không nằm trong các trường trọng điểm nhưng chúng tôi không bị mất đi lợi thế cạnh tranh trong quá trình phát triển”.
Dự kiến định hướng phát triển 5 ĐH quốc gia: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế.
Dự kiến định hướng phát triển ĐH vùng: ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Nha Trang, ĐH Tây Nguyên, ĐH Cần Thơ.
Dự kiến định hướng ĐH trọng điểm ngành: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (giáo dục và sư phạm), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (giáo dục và sư phạm), Trường ĐH Y Hà Nội (y dược), Trường ĐH Y Dược TP.HCM (y dược), Trường ĐH Luật Hà Nội (pháp luật), Trường ĐH Luật TP.HCM (pháp luật), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (kinh tế và tài chính), ĐH Kinh tế TP.HCM (kinh tế và tài chính), Trường ĐH Hàng hải VN (giao thông – vận tải, kinh tế biển), Trường ĐH Giao thông vận tải (giao thông – vận tải), Trường ĐH Xây dựng Hà Nội (xây dựng và kiến trúc), Học viện Nông nghiệp VN (nông nghiệp), Học viện Báo chí tuyên truyền (báo chí, truyền thông), Học viện Bưu chính viễn thông (thông tin và truyền thông), Học viện Hành chính quốc gia (hành chính công), Học viện Tài chính (tài chính), Học viện Âm nhạc quốc gia VN (nghệ thuật), Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (nghệ thuật).