Trong bối cảnh giá dầu, khí đốt, than giảm, dự trữ khí đốt tại các quốc gia châu Âu tăng “kịch trần”, có ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu lục này đã qua. Tuy nhiên, cũng có nhận định trái chiều.
Sau hơn 1 năm khó khăn, nhiều người cho rằng, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã kết thúc. Ảnh: Một trạm nén của đường ống dẫn khí đốt Balticconnector ở Inga, Inkoo, Phần Lan. (Nguồn: Getty Images) |
Trong bài viết xuất bản ngày 28/11, nhà phân tích thị trường của hãng tin Reuters (Anh) John Kemp khẳng định, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã kết thúc.
Theo bài viết, từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2022, châu Âu và một số khu vực ở châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi giá dầu, khí đốt, than và điện tăng cao, thậm chí, có lúc đã đạt mức cao kỷ lục. Thực tế này buộc các hộ gia đình và doanh nghiệp phải nhanh chóng cắt giảm mức sử dụng.
Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine (từ tháng 2/2022) và các lệnh trừng phạt do Mỹ và đồng minh áp đặt để trả đũa Moscow đã làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng vốn đã bị kéo căng do sự phục hồi của sản xuất công nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Nhưng 18-24 tháng sau, giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ đã hoàn tất, với tồn kho năng lượng ở mức thoải mái và giá cả quay trở lại mức trung bình trong nhiều năm (đã được điều chỉnh theo lạm phát).
Chắc chắn sẽ có nhiều cú sốc hơn trong tương lai, nhưng sự gián đoạn năng lượng liên quan đến việc kết thúc đại dịch và xung đột Nga-Ukraine đã kết thúc. Thị trường đã thích nghi.
Vấn đề còn lại của châu Âu là họ đã thay thế khí đốt tương đối rẻ qua đường ống của Nga lấy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền, khiến khả năng cạnh tranh công nghiệp của lục địa này gặp rủi ro. Tuy nhiên, đó là một vấn đề kinh niên chứ không phải một cuộc khủng hoảng.
Nguồn cung dầu dồi dào
Trên thị trường dầu mỏ, sản lượng dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng và vượt mức đỉnh trước đại dịch vào tháng 8/2023. Các nguồn sản xuất khác ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đang tăng trưởng đều đặn.
Dữ liệu từ Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại cao hơn 12 triệu thùng so với mức trung bình theo mùa vào giữa tháng 11 trong 10 năm trước đó. Đây là một dấu hiệu khẳng định nguồn cung cho thị trường rất dồi dào.
Giá dầu thô Brent đạt trung bình 82 USD/thùng từ đầu tháng 11 đến nay, ngang bằng với mức trung bình kể từ đầu thế kỷ sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, những lo ngại về việc sản xuất quá mức và khả năng dự trữ tồn kho dầu đã thay thế những lo ngại về nguồn cung không đủ và lượng dự trữ cạn kiệt nhanh chóng.
Đáp lại, Saudi Arabia và các đối tác OPEC+ đã cắt giảm sản lượng nhiều lần để ngăn chặn lượng hàng tồn kho tăng, trái ngược hoàn toàn với áp lực đối với họ một năm trước, khi phải tăng sản lượng để giải quyết tình trạng thiếu hụt dự kiến.
Giá khí đốt giảm
Sự điều chỉnh nhanh chóng cũng được thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực khí đốt, nơi tồn kho của Mỹ luôn cao hơn mức trung bình theo mùa 10 năm trước đó kể từ tháng 2/2023 và xuất khẩu đã tăng lên mức kỷ lục.
Giá khí đốt tương lai của Mỹ trong tháng trước giao dịch gần mức thấp nhất trong 30 năm, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, xác nhận thị trường đang phản ứng với tình trạng dư thừa nguồn cung.
Ở châu Âu, trữ lượng khí đốt liên tục ở mức kỷ lục theo mùa kể từ cuối quý I/2023 sau mùa Đông ấm áp bất thường vào năm 2022/23 và mức tiêu thụ khí đốt công nghiệp giảm mạnh.
Sản lượng của các ngành công nghiệp của Đức, vốn sử dụng nhiều năng lượng, đã giảm khoảng 17% kể từ đầu năm 2022 và không có dấu hiệu phục hồi.
Tổng lượng khí đốt sử dụng ở 7 quốc gia tiêu thụ hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức, Italy, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan đã giảm 13% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với mức trung bình 10 năm (2012-2021), thời điểm trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.
Giá tương lai được điều chỉnh theo lạm phát cho năm tới đạt trung bình 48 Euro/megawatt giờ tính đến tháng 11/2023, giảm từ mức 223 Euro vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng vào tháng 8/2022.
Trên thực tế, giá cả trung bình là 53 Euro cho năm 2023 so với 23 Euro trong 5 năm từ 2015-2019 và 32 Euro từ 2010-2014. Mặc dù giá vẫn cao nhưng không còn ở mức khủng hoảng và có khả năng giảm sâu hơn vào năm 2024.
Nhu cầu than giảm mạnh
Một sự điều chỉnh thậm chí còn sâu sắc hơn đã xảy ra đối với than, với nhu cầu giảm mạnh do nguồn cung cấp khí đốt trở nên dồi dào hơn trong khi sản lượng khai thác tăng mạnh.
Giá thực tế trong năm tới của than giao đến Tây Bắc Âu đạt trung bình chỉ 112 USD/tấn vào tháng 11/2023 từ mức kỷ lục gần 300 USD/tấn vào tháng 9/2022.
Về mặt sản xuất, Trung Quốc – quốc gia khai thác than lớn nhất thế giới, đã tăng sản lượng thêm 425 triệu tấn (10%) vào năm 2022 và tăng thêm 144 triệu tấn (4%) trong 10 tháng đầu năm 2023.
Điều chỉnh linh hoạt
Mỗi thị trường đều trải qua quá trình điều chỉnh không hoàn toàn giống nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là tăng trưởng sản xuất nhanh hơn và tốc độ tiêu thụ tăng chậm hơn.
Về dầu mỏ, tiêu thụ tăng chậm hơn do chu kỳ kinh doanh chậm lại, trong khi sản lượng khai thác ở các quốc gia ngoài OPEC+ tăng nhanh hơn, đẩy thị trường tiến tới tình trạng dư thừa. Xuất khẩu của Nga vẫn ở mức cao bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Về khí đốt, châu Âu đã trải qua một mùa Đông ấm áp bất thường vào năm 2022/23 khiến mức tiêu thụ bị cắt giảm và cũng chứng kiến sự sụt giảm lớn về nhu cầu công nghiệp từ những nước sử dụng nhiều năng lượng nhất do các nhà máy tạm ngừng sản xuất.
Châu lục này đã có thể thay thế khí đốt qua đường ống từ Nga bằng nhập khẩu LNG nhiều hơn, trả giá cao hơn các khách hàng khác ở Nam và Đông Á vào mùa Đông 2022/23. Điều này đã đặt một số gánh nặng điều chỉnh lên các nước nghèo hơn.
Về than, sản lượng khai thác ngày càng tăng của Trung Quốc cộng với sự gia tăng theo cấp số nhân của năng lượng tái tạo từ gió mặt trời đã làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt và cho phép các máy phát điện tăng lượng tồn kho nhiên liệu.
Các yếu tố khác góp phần điều chỉnh bao gồm mức sản xuất thủy điện cao ở Brazil làm giảm nhu cầu nhập khẩu LNG và mùa Thu ôn hòa bất thường ở Tây Bắc Âu vào năm 2023. Nhưng yếu tố chung là quy mô tăng giá khổng lồ vào năm 2021 và 2022 đã đẩy nhanh và kéo quá trình điều chỉnh vào một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Kết quả là, sau một đợt điều chỉnh “đau đớn” vào năm 2021 và 2022, hoạt động sản xuất, tiêu dùng và tồn kho đã trở nên thoải mái hơn nhiều vào cuối năm 2023 và sang năm 2024, giai đoạn khủng hoảng đã kết thúc.
Trong khi đó, khác với bài phân tích trên Reuters của John Kemp, hãng Bloomberg (Mỹ) cùng ngày 28/11 đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các nhà lập pháp nước này rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng của Đức “chắc chắn chưa kết thúc”, với giá khí đốt tự nhiên cao vẫn gây căng thẳng cho nền kinh tế.
Đức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi Nga hạn chế cấp khí đốt qua đường ống tới châu Âu vào năm ngoái, đẩy chi phí năng lượng tăng cao và buộc Berlin phải chi hàng tỷ Euro để giảm bớt gánh nặng do hóa đơn điện và khí đốt tăng vọt. Đức là quốc gia duy nhất thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) bị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán sẽ suy thoái kinh tế trong năm nay.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Scholz, mặc dù giá khí đốt vẫn ở trên mức trước khủng hoảng, nhưng hầu hết đều thấp hơn mức trần giá do chính phủ đặt ra và Berlin sẽ cho phép loại bỏ dần trợ cấp năng lượng vào năm tới.
Đã có ý kiến cho rằng, châu Âu đang vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng nhờ sản lượng công nghiệp giảm. Trên khắp châu Âu, các công ty sử dụng nhiều năng lượng đã cắt giảm, hoặc ngừng sản xuất hoàn toàn vì họ không thể đối phó với giá nhiên liệu tăng cao. Đây thực sự là một yếu tố bất ngờ mà có lẽ không nơi nào mong muốn.