Theo số liệu công ty, thu nhập ròng trong quý kết thúc vào tháng 9 đã giảm 80% so với một năm trước, lớn hơn mức giảm 64% kỷ lục trong quý II năm 2019.
Cụ thể, SMIC đạt doanh thu 1,62 tỷ USD trong ba tháng gần nhất, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ròng công ty chỉ đạt 93,98 triệu USD, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 165,1 triệu USD.
SMIC đang là xưởng đúc lớn nhất của Trung Quốc, chuyên sản xuất chip bán dẫn hợp đồng do các hãng khác thiết kế. Công ty cũng là niềm hi vọng chính cho tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa và bắt kịp những “ông lớn” của thế giới như TSMC hay Samsung.
Đại diện SMIC cho biết: “Hàng tồn kho của các khách hàng Mỹ và châu Âu của chúng tôi vẫn ở mức cao kỷ lục”. Đây cũng chính là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của họ.
Dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết, doanh số bán dẫn toàn cầu trong tháng 9 đã tăng 1,9% so với một tháng trước, cho thấy dấu hiệu phục hồi của chip. Trên toàn cầu, doanh số tháng 9 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
“Doanh số bán dẫn toàn cầu đã có tháng thứ 7 tăng liên tiếp, củng cố động lực tích cực cho toàn thị trường”, John Neuffer, Chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội bán dẫn nói. “Triển vọng dài hạn về nhu cầu bán dẫn vẫn còn mạnh mẽ, với việc chip là thành phần không thể thiếu trong vô số hàng hoá thế giới, cũng như là tương lai của đổi mới sáng tạo”.
Cũng trong tháng 9, SMIC bất ngờ gây chú ý với chip 5G “đột phá” trên mẫu smartphone mới nhất đến từ “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc, Huawei.
Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen kể từ năm 2019. Trong khi đó, SMIC cũng vào danh sách này một năm sau đó.
Trong bối cảnh Mỹ siết chặt các lệnh xuất khẩu công nghệ và thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc, con chip Kirin 9000 bên trong điện thoại Mate 60 Pro của Huawei, được đánh giá là đòn giáng mạnh vào Washington. Bộ xử lý do SMIC sản xuất trên tiến trình 7nm báo hiệu Bắc Kinh có thể sớm đạt được tiến bộ trong việc xây dựng khả năng tự chủ công nghệ, mặc dù vẫn đi sau vài thế hệ so với những con chip tiên tiến do TSMC hay Samsung chế tạo.
(Theo CNBC)
‘Đòn đánh’ mới nhất từ Mỹ khiến bán dẫn Trung Quốc lộ điểm yếu
Mỹ tăng cường kiểm soát nhằm vào các hệ thống in thạch bản kém tiên tiến hơn, làm bộc lộ sự thiếu hụt thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc, bất chấp những tiến bộ gần đây hướng tới mục tiêu chung của Bắc Kinh là tự cung cấp chất bán dẫn.
Mỹ cần 5 năm để ‘bóc tách’ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn
Những lo ngại về việc biện pháp hạn chế xuất khẩu có thể gây gián đoạn đáng kể ngành công nghiệp bán dẫn khiến Washington phải đưa ra lộ trình dài hạn hơn trong kế hoạch cắt đứt Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn.
Tương lai bán dẫn Trung Quốc thêm bất ổn trước ‘cơn bão’ cấm vận sắp tới
Các nhà sản xuất bán dẫn Trung Quốc đang sốt sắng tìm mua thiết bị đúc chip của ASML trước khi các quy tắc hạn chế xuất khẩu mới có thể có hiệu lực vào thời gian tới, song tương lai bất ổn vẫn đang ở phía trước ngành công nghiệp của đại lục