Các tài xế xe tải Ba Lan ngày 6/11 đã xếp hàng dài tại trạm kiểm soát biên giới với Ukraine ở Dorohusk, khiến hầu hết hoạt động vận chuyển hàng hóa bị chặn lại. Những người biểu tình đổ lỗi cho các quy định của Liên minh châu Âu (EU) khiến doanh thu của họ sụt giảm.
Xe tải Ba Lan xếp hàng dài tại trạm kiểm soát biên giới ở Dorohusk. (Nguồn: AFP) |
Lưu lượng vận chuyển hàng hóa bên ngoài 3 trạm kiểm soát biên giới Ba Lan-Ukraine là “Korczowa – Krakovets”, “Grebenne – Rava Ruska” và “Dorohusk – Yahodyn” đã bị chặn đứng. Chủ sở hữu các công ty vận tải Ba Lan phản đối điều mà họ cho là sự cạnh tranh không công bằng từ các doanh nghiệp của nước láng giềng.
Các tài xế Ba Lan cũng phản đối điều mà họ coi là chính phủ đã không hành động trước việc cơ hội kinh doanh của họ rơi vào tay các đối thủ nước ngoài, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
“Họ đã đẩy giá xuống và lấy đi hàng hóa mà chúng tôi từng vận chuyển”, một tài xế Ba Lan chia sẻ.
Ông Rafal Mekler, người đồng tổ chức cuộc biểu tình, nói với truyền thông tại Dorohusk rằng: “Chúng tôi muốn các quy tắc cạnh tranh công bằng được khôi phục”.
Theo các nhà chức trách, hiện tại, vấn đề lớn khiến giới tài xế Ba Lan bất bình là việc các xe tải từ Ukraine được miễn giấy phép qua biên giới Ba Lan, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Do đó, đứng đầu danh sách yêu cầu là việc khôi phục giấy phép nhập cảnh đối với các “đối thủ cạnh tranh”.
Trong số các yêu cầu được người biểu tình đưa ra, có việc tái lập giấy phép cho các hãng vận tải Ukraine; tăng cường các quy định vận tải đối với các hãng vận tải nước ngoài theo ECMT (Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải châu Âu); lệnh cấm đăng ký công ty ở Ba Lan nếu hoạt động tài chính của họ diễn ra bên ngoài lãnh thổ EU; tạo một dòng riêng trong hàng đợi điện tử dành cho các phương tiện có biển số EU; tạo ra một đường riêng ở tất cả các biên giới dành cho xe tải rỗng, cũng như đạt được quyền tiếp cận hệ thống cửa khẩu biên giới Shlyakh của Ukraine.
Yêu cầu của các tài xế xe tải Ba Lan bao gồm việc áp dụng lại các hạn chế về số lượng xe đăng ký ở Ukraine vào Ba Lan, cũng như cấm các công ty vận tải có vốn từ bên ngoài EU.
“Chúng tôi buộc phải lên tiếng phản đối vì sự gián đoạn trong vận tải đường bộ đang xảy ra ở nội bộ các hãng vận tải Ba Lan… gây ra bởi dòng vốn đổ vào không kiểm soát từ các công ty Belarus, Nga và Ukraine – dòng vốn đến từ các doanh nghiệp đến từ biên giới phía Đông”, ông Karol Rychlik, chủ một công ty vận tải và cũng là người đứng đầu Hiệp hội tài xế xe tải cho biết, khi biểu tình gần ngã tư Dorohusk.
Các tài xế xe tải này cũng đã so sánh hoàn cảnh của họ hiện nay với các nông dân Ba Lan – những người đã giành được sự nhượng bộ từ chính phủ, sau khi quyết liệt phản đối về làn sóng nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ từ nước láng giềng.
Nhưng đối với một số tài xế Ba Lan, cuộc biểu tình của họ thậm chí là một khoảnh khắc quyết định. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng chiến đấu, nhưng nếu kéo dài tình trạng này đến khi mọi chuyện kết thúc – và nếu không có gì xảy ra, người Ukraine sẽ tiếp quản thị trường vận tải Ba Lan”, một tài xế lo lắng.
Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, theo Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan, Warsaw hiện không thể đáp ứng yêu cầu của các công ty vận tải là khôi phục hệ thống cấp phép cho các hãng vận tải Ukraine, do chiếu theo các quy định của EU.
Trong khi đó, trên thực tế, Dữ liệu từ Bộ Biên phòng Ba Lan cho thấy, trung bình có hàng trăm xe tải đi qua mỗi hướng mỗi ngày tại ba cửa khẩu ở biên giới Ba Lan-Ukraine.
Những người biểu tình yêu cầu chỉ được một xe tải đi qua mỗi giờ, ngoại trừ một số chuyến hàng chuyên chở trang thiết bị cho quân đội Ukraine, viện trợ nhân đạo, các chất dễ bay hơi và vật nuôi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov xác nhận, các cuộc phong tỏa của Ba Lan đã được triển khai và cho biết Kiev tin rằng, hành động này đang “gây tổn hại đến lợi ích và nền kinh tế của cả hai nước”, đồng thời cản trở xuất khẩu nông sản.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng, nhằm xem xét lợi ích của các hãng vận tải ở cả hai nước”, ông Kubrakov viết trên nền tảng xá hội X (trước đây là Twitter).
Bộ đội Biên phòng Ukraine, thông báo trên Telegram rằng, “Lưu ý, giao thông từ Ba Lan đang bị cản trở do cuộc đình công của các tài xế nước này”.
Số liệu của Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine xác nhận, trung bình có từ 40.000 đến 50.000 xe tải qua biên giới với Ba Lan mỗi tháng, thông qua 8 cửa khẩu, gấp đôi so với trước cuộc xung đột với Nga. Hầu hết hàng hóa được vận chuyển bởi đội xe vận tải của Ukraine. Họ cũng cho biết, Ukraine hiện đang xuất khẩu nhiều hàng hóa qua Ba Lan, bằng tổng số hàng hóa xuất khẩu qua tất cả các nước láng giềng khác cộng lại.
“Việc chặn các con đường dẫn đến cửa khẩu biên giới giữa Ba Lan và Ukraine… là một “vết thương đau đớn” vào lưng Kiev – quốc gia đang hứng chịu tổn thất lớn từ cuộc xung đột với Nga”, Đại sứ Ukraine tại Warsaw Vasyl Zvarych viết trên nền tảng mạng xã hội X.
Trước tình hình này, trên sóng truyền hình quốc gia, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cho người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine kêu gọi Ba Lan cần đàm phán để giải quyết bất đồng trong lĩnh vực vận tải hàng hóa dẫn đến việc phong tỏa biên giới. Ông này cũng lên tiếng khẳng định, “Ba Lan vẫn là đối tác quan trọng của Ukraine”.
“Bất chấp mọi khó khăn kinh tế, chúng ta nên bình tĩnh, tiến hành đàm phán’. Theo ông Mykhailo Podolyak cũng cho biết, Kiev cũng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng thị trường vận tải hàng hóa này.
Ông Podolyak nhấn mạnh rằng, đối với Ukraine, Ba Lan là “đối tác trung chuyển quan trọng” qua đó mọi thứ cần thiết đều được cung cấp.“Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng và tôi nghĩ chúng ta sẽ thành công”, ông Podolyak lên tiếng thuyết phục.