Doanh nghiệp cảm nhận rõ nhất về lãi suất giảm
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải với hơn 100 đầu phương tiện, Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước (tỉnh Đắk Lắk) cảm nhận rõ nhất về những khó khăn của nền kinh tế khi nhu cầu vận tải hàng hoá sụt giảm mạnh từ sau đại dịch Covid-19.
Ông Phạm Đông Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk – cho biết, điều may mắn với doanh nghiệp của ông là hoạt động tại địa bàn Tây Nguyên, khu vực có nhiều hàng hoá cần lưu chuyển như cà phê, sầu riêng, tiêu, mắc ca,… Nhờ đó, doanh nghiệp của ông không rơi vào tình trạng kiệt quệ như các đơn vị vận tải ở nơi khác.
Mặc dù vậy, ông Thanh thừa nhận doanh thu của công ty đã giảm 20-30% từ sau đại dịch Covid-19.
Ông Thanh nhận thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó có An Phước, đã có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn nhiều so với đầu năm 2023. Lãi suất vay vốn trung hạn công ty ông vay hiện dưới 10%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 7%/năm. Theo ông, mức lãi suất này đang hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.
“Thời điểm đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng lên đến 13%, thậm chí 15%/năm, nhưng hiện xuống dưới 10%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn; như vậy đã đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Đối với các khoản vay ngắn hạn, trước đây lãi suất từ 10% trở lên nhưng nay chỉ còn khoảng 7%, mức lãi suất này là phù hợp”, vị giám đốc nói.
Tuy nhiên, ông Thanh kiến nghị cần có chính sách linh hoạt trong việc xác định giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay của doanh nghiệp. Cụ thể như đất đai được doanh nghiệp thuê lâu dài để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng hiện không được ngân hàng công nhận là tài sản đảm bảo.
“Đất thuê trả tiền hàng năm không được ngân hàng công nhận là tài sản đảm bảo. Muốn được công nhận, doanh nghiệp buộc phải bỏ ra chi phí rất lớn để sở hữu tài sản đó”, ông cho hay.
Vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay, theo ông Thanh, là tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, dẫn đến không có nhu cầu vay vốn.
“Doanh nghiệp giờ đang không có nhu cầu vay vốn, họ không biết vay để làm gì. Hầu hết các doanh nghiệp bị giảm sút đơn hàng khi nhu cầu của khách hàng giảm mạnh. Cho nên, điều quan trọng là làm sao để kích cầu, thêm nguồn hàng cho doanh nghiệp phát triển”, ông nói.
Ngân hàng lo doanh nghiệp không vay vốn
Tại hội nghị của ngành ngân hàng diễn ra ở Đắk Lắk cuối tuần qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng thừa nhận thực trạng doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không đủ điều kiện vay, trong khi doanh nghiệp đủ điều kiện lại không có nhu cầu vay vốn.
“Vay mà chưa bán được hàng, vay mà sản xuất chậm thì vay để làm gì khi phải trả lãi? Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là cách để người dân có công ăn việc làm, phát triển kinh tế”, Phó Thống đốc lưu ý.
Theo ông Đào Đức Hùng, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Đắk Lắk, 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của BIDV chi nhánh Đắk Lắk đạt hơn 10%, cao hơn nhiều so với mức chung của toàn ngành.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là dù nhà băng sẵn sàng đáp ứng vốn, nhưng nhu cầu về vốn vay của khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân, đang suy giảm mạnh.
“Lý do là việc mở rộng sản xuất của doanh nghiệp không bằng những năm trước; nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng không được duy trì như trước, làm giảm nhu cầu vốn của doanh nghiệp sản xuất hàng hoá cũng như doanh nghiệp thương mại”, ông Đào Đức Hùng nói.
Giải pháp hiện nay, theo ông Hùng, chỉ có thể kích cầu tiêu dùng, qua đó kích thích nhu cầu vốn của khách hàng.
Phó Giám đốc BIDV Đắk Lắk cho biết, lãi suất cho vay tại chi nhánh này thấp nhất từ 6%/năm đối với cho vay kỳ hạn dưới 6 tháng và 7,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Với những dự án khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ thì ngân hàng sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng cũng không thể đáp ứng vốn cho các khách hàng mới mà không có tài sản đảm bảo.