Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, đầu tư công. Thủ tướng đã thông tin tới các đại biểu về định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – cho rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nổi trội. Nghị quyết 13 Bộ Chính trị được ban hành đã khẳng định quyết tâm xây dựng đây là vùng kinh tế trọng điểm khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu Thanh đề nghị Chính phủ và Thủ tướng có định hướng rõ hơn về phát triển bền vững, giúp vùng chủ động ứng phó với sụt lún, hạn mặn.
Thực tế, tình trạng ngập lụt, sụt lún và hạn mặn diễn ra nghiêm trọng khó lường, ảnh hưởng tới sản xuất và nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân, cản trở sự phát triển.
Huy động nguồn lực làm các dự án lớn, hiệu quả
“Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập lụt nên cần sớm có ứng phó, nếu không tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn” – bà Thanh nói và cho biết Thủ tướng đã trực tiếp đến khảo sát các điểm sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long, nên người dân rất mong muốn có các chính sách cụ thể được triển khai.
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để giải quyết các vấn đề trước mắt cho Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã quyết định chi theo đề xuất ban đầu là 4.000 tỉ đồng. Qua thực tế khảo sát, vùng có tình trạng sạt lở, sụn lún, hạn hán và ngập mặn, đặc biệt là ở các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau…
Tuy nhiên, không chỉ biến đổi khí hậu cực đoan, Việt Nam còn có trách nhiệm cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc xử lý những vấn đề trước mắt, Đồng bằng sông Cửu Long phải huy động nguồn lực để làm những dự án lớn, hiệu quả.
Dẫn chứng, ông nói đang chỉ đạo để thực hiện đề án phát triển 1 triệu ha lúa sạch, nông nghiệp xanh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, vừa xuất khẩu bền vững.
Mới đây Thủ tướng đã gặp tổng thống Philippines, Indonesia để đặt vấn đề ký hợp đồng Chính phủ về lúa gạo, thúc đẩy xuất khẩu gạo cho người nông dân hiệu quả, bền vững.
Thêm nữa, Chính phủ cũng đang làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để triển khai các thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long liên quan tới chống biến đổi khí hậu, với tư duy và cách làm mới nhằm giải quyết các vấn đề căn cơ hơn.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai. Đơn cử như dự án tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận kết nối Cần Thơ – TP.HCM; xây dựng trục Bắc – Nam đi từ TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau; trục Đông Tây gồm Sóc Trăng – Cần Thơ – Hậu Giang – An Giang; nghiên cứu xây dựng hệ thống cầu cạn, đầu tư đường hàng không, đường sắt như nâng cấp sân bay Cà Mau; nghiên cứu làm tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam…
Trung ương và địa phương cùng quyết tâm làm, tháo gỡ vướng mắc
Thủ tướng mong muốn Quốc hội, các đại biểu và các địa phương cùng chung tay, tập trung chỉ đạo dành nguồn lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực của cả trung ương và địa phương, quyết tâm để thực hiện. Tuyên truyền cho nhân dân đầu tư, nghiên cứu sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường…
“Đi vay mà làm lặt vặt, dàn trải, manh mún thì không hiệu quả mà thủ tục nhiều. Nếu cứ tư duy cái gì cũng muốn làm thì sẽ dở dang, đã đi vay thì phải xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không thể làm lặt vặt. Cần xác định làm có trọng tâm trọng điểm, phải có phối hợp công tư, trung ương, địa phương và Nhà nước, làm đến đâu dứt điểm đến đó, quyết tâm thực hiện” – ông nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng với sân bay Điện Biên, Thủ tướng nói rất trăn trở với dự án này từ những năm trước. Vì vậy đến nay với sự phối hợp và quyết tâm thực hiện của trung ương và địa phương, sân bay Điện Biên được xây dựng và sắp đi vào vận hành.
“Vào Cà Mau tôi nói các đồng chí phải cố gắng, không cố gắng thì sẽ phải chờ mãi. Như sân bay Điện Biên, suốt 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được Pháp xây dựng thế nào vẫn còn nguyên. Vì vậy phải mạnh dạn tháo gỡ vướng mắc, trung ương phối hợp với địa phương thì nay mới triển khai được” – ông nói.
Giám sát thực hiện 4.000 tỉ đồng hiệu quả
Trao đổi thêm bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng cho biết 4.000 tỉ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt. Quyết định này đưa ra sau khi Thủ tướng trực tiếp khảo sát vùng và đã giao cho các bộ ngành đề xuất, quyết định chi cho các tỉnh.
“4.000 tỉ đồng này sẽ tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến sạt lở, ngập mặn” – ông nói và cho biết thực tế khi đi khảo sát ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sụt lún là có thật.
Vì vậy nguồn vốn được phân bổ này cần khi sử dụng phải được kiểm tra, đánh giá, giám sát sao cho có hiệu quả, đúng và trúng, từ đó rút kinh nghiệm cho những việc làm tiếp theo. Về lâu dài cần có các dự án căn cơ để chống sạt lở, sụt lún.
Tuoitre.vn