NgaCác loại virus ngủ đông dưới lớp băng vĩnh cửu có thể trỗi dậy, gây nhiều dịch bệnh nguy hiểm, nếu tình trạng biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn.
Hai tuần cắm trại trên bờ sông Kolyma đầy bùn và muỗi ở Nga không phải chuyến công tác thú vị. Nhưng nhà virus học Jean-Michel Claverie sẵn sàng thực hiện để khám phá bí ẩn về loại virus “thây ma” sinh ra từ tình trạng biến đổi khí hậu.
Những khám phá của ông làm sáng tỏ thực tế nghiệt ngã về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khi băng tan, các loại virus khổng lồ, đôi khi ngủ đông gần 50.000 năm trong lòng Siberia, sẽ trỗi dậy.
Nghiên cứu của Claverie chỉ ra rằng lớp băng vĩnh cửu, vùng đất từng là nơi sinh sống của động vật, cung cấp điều kiện hoàn hảo để bảo tồn chất hữu cơ: tự nhiên, tối, không có oxy và ít hoạt động về hóa học. Ở Siberia, lớp băng này có thể trải dài tới 1 km – nơi duy nhất trên thế giới có tầng đất đóng băng vĩnh cửu sâu đến vậy.
Khi hành tinh ấm hơn khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các nhà khoa học lo ngại những mầm bệnh không hoạt động sẽ được kích hoạt trở lại. Đợt nắng nóng ở Siberia vào mùa hè năm 2016 đã giải phóng bào tử bệnh than, dẫn đến hàng chục ca nhiễm, một ca tử vong ở trẻ em, hàng nghìn con tuần lộc bị chết.
Tháng 7, nhóm các nhà khoa học khác cũng công bố phát hiện cho thấy ngay cả sinh vật đa bào cũng có thể sống sót trong điều kiện đóng băng vĩnh cửu, ở trạng thái trao đổi chất không hoạt động. Chúng được gọi là cryptobiosis. Những chuyên gia này đã hồi sinh thành công một con giun tròn 46.000 năm tuổi từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia chỉ bằng cách bù nước.
Nhiều năm liền, các cơ quan y tế toàn cầu và chính phủ đã theo dõi bệnh truyền nhiễm chưa được biết đến, con người không có khả năng miễn dịch và phương pháp điều trị. Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bổ sung “Bệnh X” vào danh sách các bệnh ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu là xây dựng lộ trình ngăn chặn. Nỗ lực này được chú ý nhiều hơn sau đợt bùng phát đại dịch Covid-19.
“WHO làm việc với hơn 300 nhà khoa học để xem xét bằng chứng về tất cả các họ virus và vi khuẩn có thể gây ra dịch bệnh và đại dịch, gồm những mầm bệnh có khả năng bùng phát khi lớp băng vĩnh cửu tan ra”, tiến sĩ Margaret Harris, người phát ngôn của WHO, giải thích.
Tuy nhiên, vấn đề nội tại, nan giải của nghiên cứu là việc săn lùng mối đe dọa có thể vô tình khiến mầm bệnh truyền xa hơn. Khả năng lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu là rất cao. Do đó, nhiều nhà khoa học bắt đầu ủng hộ những cách tiếp cận ít chủ động, tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn.
“Sẽ thật tốt nếu chúng ta thiết lập một phương pháp chuyên biệt để theo dõi bộ tộc Inuit (bộ tộc cổ xưa sinh sống tại các vùng băng tuyết), xem họ mắc phải loại bệnh nào. Nếu có mầm bệnh đến từ lớp băng vĩnh cửu, chúng ta sẽ nắm bắt nó nhanh hơn nhiều”, Claverie nói.
Claverie không phải nhà nghiên cứu duy nhất cảnh báo rủi ro từ virus thây ma. Năm ngoái, một nhóm nhà khoa học công bố nghiên cứu mẫu vật đất và trầm tích lấy từ Hazen, hồ nước ngọt ở Canada nằm trong Vòng cực Bắc. Sử dụng phân tích mô hình vi tính, nhóm nghiên cứu chỉ ra nguy cơ virus lây lan sang vật chủ mới cao hơn ở một số địa điểm gần nơi nước sông băng tan chảy đổ vào hồ.
Thục Linh (Theo CNN, Science Alert, Bloomberg)