Đã không ít lần dư luận đề cập đến việc nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) có tính ứng dụng kém, thậm chí có những đề tài nghiên cứu xong cất luôn vào ngăn kéo, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến giải thích độ trễ và rủi ro là một phần của NCKH. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về vấn đề này.
Thế nào là độ trễ trong nghiên cứu khoa học?
Phóng viên (PV): Thời gian gần đây có nhiều ý kiến lo ngại về việc người NCKH sẽ lấy lý do độ trễ, sự rủi ro để bào chữa cho đề tài nghiên cứu xong cất vào ngăn kéo, không có tính ứng dụng, làm lãng phí ngân sách nhà nước. Bà có thể giải thích rõ hơn về khái niệm độ trễ, sự rủi ro trong NCKH?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Độ trễ trong NCKH là thời gian từ khi có kết quả nghiên cứu đến khi nghiên cứu phát huy tác dụng, được ứng dụng trong đời sống và sản xuất. Như vậy, thời gian triển khai nghiên cứu đề tài không tính vào thời gian của độ trễ. Độ trễ ứng dụng là do người sử dụng kết quả nghiên cứu, nhà sản xuất sử dụng công nghệ đã nghiên cứu, không phải do nhà nghiên cứu.
Sự rủi ro trong NCKH thường được hiểu là không thành công, tuy nhiên thực chất chỉ là không đạt được sản phẩm nghiên cứu như dự kiến. Các loại nghiên cứu đều ít nhiều có sự rủi ro, tức là không đạt được sản phẩm như dự kiến, do nhiều nguyên nhân. Có thể thấy, rủi ro tăng dần từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai. Rủi ro trong NCKH không nên hiểu đơn thuần là thất bại, bởi lẽ sự không thành công trong quá trình nghiên cứu cũng có giá trị tham khảo lớn. Độ trễ và rủi ro là bản chất của NCKH, cần được chấp nhận trong hoạt động nghiên cứu.
PV: Bà có thể lấy một số ví dụ về độ trễ trong NCKH?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Ví như để có giải pháp phục hồi một rạn san hô, các nhà khoa học phải sử dụng những kết quả nghiên cứu cơ bản đã được tích lũy rất nhiều năm về đặc tính, cấu trúc của san hô và kết quả nghiên cứu về môi trường biển tại khu vực đó. Hay như để tạo ra một vật liệu mới, các nhà khoa học cũng phải sử dụng những kết quả nghiên cứu cơ bản đã được tích lũy rất nhiều năm về đặc tính, cấu trúc của các nguyên liệu cơ bản và hàng loạt kiến thức khác mới có thể có được giải pháp tạo ra vật liệu mới với những đặc tính cần có.
Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được một số loại vaccine và trở thành nước thứ tư trên thế giới tự sản xuất được vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota. Để đạt được thành tựu đó, bắt đầu từ năm 1998, Việt Nam đã triển khai những nghiên cứu thăm dò và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Đến cuối năm 2017, Việt Nam mới làm chủ hoàn toàn công nghệ và tự sản xuất được vaccine phòng bệnh tiêu chảy đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Như vậy, phải mất gần 20 năm nghiên cứu, Việt Nam mới sản xuất được vaccine phòng bệnh tiêu chảy.
Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: KIM NGỌC |
Cần cơ chế thưởng – phạt phù hợp
PV: Vậy Bộ KHCN có giải pháp gì để các kết quả nghiên cứu được nhanh chóng ứng dụng vào cuộc sống?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền: Đặc thù của khoa học là có độ trễ, có rủi ro. Có những nhiệm vụ sau khi nghiên cứu phải chờ một thời gian để hoàn thiện và chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng mới có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Để các kết quả nghiên cứu được nhanh chóng ứng dụng vào cuộc sống, Bộ KHCN đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu KHCN gắn với nghiên cứu cơ bản. Cơ chế, chính sách KHCN trong thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực. Bộ KHCN sẽ xây dựng và bổ sung các tiêu chí về ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển vào các cơ chế quản lý nhà nước về KHCN hiện hành. Đặc biệt là hoàn thiện hệ thống quản lý các chương trình, nhiệm vụ KHCN bảo đảm công khai, minh bạch tất cả quy trình, thủ tục. Điều tra, công bố công khai kết quả ứng dụng và có cơ chế thưởng-phạt phù hợp.
Bên cạnh đó, nguồn lực ngân sách nhà nước cần tiếp tục duy trì và tăng dần tỷ lệ kinh phí dành cho thực hiện nhiệm vụ KHCN. Các nhiệm vụ KHCN tập trung ưu tiên để phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và sản phẩm quốc gia theo chuỗi giá trị và buộc phải gắn với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Xây dựng tỷ lệ hợp lý chi cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển thực nghiệm và thương mại hóa; đầu tư đủ, tới ngưỡng cho các nhiệm vụ KHCN đủ điều kiện thương mại hóa. Tăng tỷ lệ đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo từ xã hội hóa đạt mức cao hơn so với đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Bộ KHCN sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy hình thành và phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KHCN, tăng cường các dự án theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), góp phần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KHCN. Ngoài ra, Bộ KHCN sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao; chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các nhóm nghiên cứu mạnh. Đồng thời, Bộ KHCN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia KHCN trong nước và ngoài nước; tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
LA DUY (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.