Konaka Yuichiro bén duyên với Việt Nam vào năm 2018 sau 1 khoá thực tập khi cậu đang là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Tokyo, Nhật Bản. Vì yêu thích, nên chàng trai này đã rời xa gia đình, quê hương để chuyển sang học tại Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.
“Tôi có nhiều bạn ở Việt Nam, rất thích Việt Nam nên đã quyết định học tiếng Việt để có thể nói chuyện với bạn bè. Học tại đây tôi không những có thể học tiếng mà còn là văn hoá, lịch sử, địa lý của Việt Nam. Tôi thích đi du lịch nên muốn khám phá mọi điều về Việt Nam”, Konaka Yuichiro nói.

Sang Việt Nam học tập, chàng sinh viên Nhật Bản ấp ủ mong muốn sau khi tốt nghiệp đại học có thể giúp những người Việt Nam đang sinh sống tại xứ sở hoa anh đào.
“Tại Nhật Bản có nhiều người Việt Nam sinh sống và việc làm, không ít người gặp khó khăn về thủ tục, tiền và tôi muốn giúp đỡ họ”, Konaka Yuichiro chia sẻ.
Dù mới chỉ ở Việt Nam 3 năm nhưng chàng sinh viên người Nhật Bản đã đi đến 23 tỉnh, thành phố từ Bắc, Trung, Nam hay xuống miền Tây, tham dự nhiều lễ hội văn hoá, ẩm thực của người Việt, học gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán.

Đang theo học năm 2 tại Trường Đại học Hà Nội, Lee Yeong Woong – đến từ Hàn Quốc cảm nhận Việt Nam thực sự là một đất nước tươi đẹp đối với những lưu học sinh.
“Ngoài ngôn ngữ, tôi không khó khăn gì quá lớn trong suốt quãng thời gian ở đây vì nhà trường có hỗ trợ đăng ký ký túc xá cho sinh viên, rất khang trang và thuận tiện. Tôi cũng ấn tượng về thư viện của trường, rộng, hiện đại, mỗi khi cần thông tin, tài liệu gì tôi đều có thể dễ dàng tìm được. Mặc dù khuôn viên trường không quá lớn như các trường đại học ở Hàn Quốc nhưng bù lại không khí lại rất trong lành, nhiều cây xanh. Các bạn học rất thân thiện nên từ những ngày đầu tiên nhập học, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô trong trường cũng như bạn bè cùng lớp”, Lee Yeong Woong chia sẻ.
2 năm nữa Lee Yeong Woong sẽ tốt nghiệp và thật sự mong muốn được ở lại Việt Nam làm việc.

Đến từ Nga, Danila Lopatchenko là một trong những gương mặt nổi bật của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU). Đầu năm 2022, Danila Lopatchenko cùng nhiều sinh viên đến từ Ấn Độ, Nigeria, Honduras… đến Việt Nam nhập học ngành Y khoa của HIU.
Đây là một cột mốc quan trọng của ngành Giáo dục Việt Nam nói chung và nhà trường nói riêng, từng bước trở thành điểm đến cho du học sinh các nước; hướng mục tiêu xuất khẩu giáo dục; đồng thời đánh dấu bước trưởng thành về uy tín và trình độ đào tạo Y khoa tại Việt Nam.
Danila Lopatchenko chọn Việt Nam sau khi tốt nghiệp xuất sắc toàn khóa với điểm GPA tuyệt đối 5.0 tại Trường Nushy Penaty, Cộng hòa Liên Bang Nga. Chàng trai này có thể nói 4 thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc và là tuyển thủ game tham gia thi đấu quốc tế.
Danila chia sẻ đã có ước mơ du học từ nhỏ, vì vậy bạn luôn nỗ lực học tập không ngừng để đạt được kết quả cao nhất, và đã nhận được chấp nhận của các trường đại học đến từ Đức, Ba Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên, Danila quyết định chọn Việt Nam để học tập.

Với nam sinh người Nga, môi trường học tập tại HIU giúp bạn thoải mái và dễ kết nối với mọi người bởi một phần chương trình học bằng tiếng Anh và các bạn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh cùng nhau.
“Nhiều người nói tiếng Anh nên tôi có thể tìm được bạn bè ngay lập tức, nhưng cũng dự định sẽ học tiếng Việt. Dù mới sang Việt Nam nhưng tôi đã giới thiệu môi trường học tập này cho bạn bè của mình. Tôi cũng đã chụp hình những kỷ niệm ở HIU và ở Việt Nam gửi cho mọi người. Ở trường học, tôi có thể là chính mình. Trường có nhiều liên kết quốc tế, lễ hội văn hoá đa quốc gia, đa sắc tộc để sinh viên có thể tự tìm hiểu văn hoá nước khác, thậm chí là tìm văn hoá của chính nước mình”, Danila Lopatchenko bày tỏ.
Nam sinh người Nga còn tiết lộ: “Khi nghe tin tôi sẽ sang Việt Nam học tập, bạn bè hỏi tại sao chọn Việt Nam vì nghĩ rằng đây là một đất nước chưa thực sự phát triển, các trường lớp chưa đạt chuẩn, lỗi thời. Mọi người đều lo ngại cho tôi. Nhưng khi tôi đến Việt Nam và bắt đầu trải nghiệm cuộc sống ở đây và chụp hình gửi cho người thân thì ai cũng bất ngờ về sự phát triển của Việt Nam” – Danila Lopatchenko kể.

Đến học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một cơ duyên tuyệt vời với Mayomi Withanage, đến từ Srilanka. Hiện Mayomi Withanage đang là sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật điện.
“Tôi thật sự ấn tượng với Việt Nam về lối sống, ẩm thực đường phố và nhiều điều khác nữa. Khi đã quyết định sẽ săn học bổng ở Việt Nam, tôi đã tìm kiếm cụm từ “Trường đại học đào tạo ngành kỹ thuật tốt nhất Việt Nam” và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là kết quả tìm kiếm hàng đầu.
Để chắc chắn hơn, tôi đã đi hỏi thêm một số người có kinh nghiệm về việc săn học bổng tại Việt Nam và thật thú vị khi họ đều thích thú và nói rằng: “Đây là một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam. Ngôi trường này rất xuất sắc nhưng cũng rất khó để vào. Thứ hạng của trường cũng không kém gì so với các trường đại học khác trên thế giới”. Đó là lý do tại sao tôi đã chọn học tại trường đại học này”, Mayomi Withanage chia sẻ.
Theo học ở Việt Nam, Mayomi Withanage vẫn có thể gặp gỡ rất nhiều bạn bè cả Việt Nam và quốc tế.


Không chỉ dừng ở đào tạo bậc đại học, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam cũng là lựa chọn của nhiều sinh viên đến học sau đại học.
Eva Luong đến từ Canada hiện tôi đang theo học Thạc sĩ ngành Tài chính Ngân hàng và Công nghệ tài chính tại Viện quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học quốc gia Hà Nội.
“Khi tôi còn học tại Singapore, tôi đã rất hứng thú với chuyên ngành Công nghệ tài chính. Khi tôi lên Google tìm kiếm xem ngôi trường nào phù hợp nhất, tôi đã tìm ra Viện Quốc tế Pháp ngữ có lịch học phù hợp với thời gian của tôi. Tôi đã học tại Việt Nam đến nay hơn 1 tháng nhưng vẫn khá bỡ ngỡ, đây là một trải nghiệm khá mới mẻ. Tôi phải đối mặt với những “cú sốc văn hoá” nhưng đó lại là những điều thú vị và tôi trân trọng từng khoảnh khắc đó”, Eva Luong chia sẻ.

Vì học theo diện tự túc nên học viên đến từ Canada phải tự chi trả học phí tại IFI nhưng bù lại cũng được nhận lương thực tập tại IFI khoảng 1500 USD/tháng. Với Eva Luong, mức chi phí này khá ổn để theo học thạc sĩ. Việc học cũng cơ bản thuận lợi vì với Eva Luong có thể tiếp thu được nhiều kiến thức khi được các thầy cô giáo người Việt và người Pháp giảng dạy.
“Tôi được học hỏi những điều mới từ cả 2 nền văn hoá, điều đó khiến tôi cảm thấy như được “nhân đôi kiến thức”. Điều tôi thích nhất là được làm quen với các bạn cùng lớp và các thầy cô giáo – những người có kiến thức chuyên sâu trong công tác giảng dạy. Họ đã đi nhiều nước trên thế giới và biết cách làm thế nào để giảng bài một cách tốt nhất” – học viên của IFI chia sẻ.

Sau khi kết thúc thời gian học cử nhân ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Cửu Long, Phomvongsa Nisa đến từ tỉnh Champasak, Lào tiếp tục đăng ký học lên cao học ngành Quản trị Kinh doanh.
“Lúc học đại học tôi được các thầy cô dạy rất tận tình nên quyết định học lên thạc sĩ luôn. Trước khi qua đây, tôi không nghĩ mình sẽ có những tình cảm gắn bó như vậy. Người Việt Nam rất hiền và tận tình, luôn giúp đỡ chúng tôi như người nhà. Các thầy cô trên lớp là giảng viên nhưng ngoài giờ học thì thân thiết như anh chị em trong nhà”, Nisa chia sẻ.

Với Nisa, Việt Nam trở thành một quê hương thứ hai của cô. Chính vì thế, dù một mình sang Việt Nam học tập lâu ngày nhưng cô học viên người Lào vẫn không cảm thấy thiếu vắng tình thân.
“Việt Nam là một đất nước rất thú vị, có nhiều cảnh đẹp nên khi có cơ hội sẽ đi tham quan, học hỏi nhiều hơn. Sang đây học tập, cha mẹ tôi cũng rất yên tâm và tôi tự tin có thể làm việc thật tốt sau khi trở lại quê nhà”, Phomvongsa Nisa chia sẻ.
Laodong.vn