(BLC) – Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức đan xen: dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội; giá cả nguyên vật liệu tăng cao; thời tiết diễn biến bất thường… Với việc cập nhật, bổ sung những nhiệm vụ mới phù hợp thực tiễn của huyện; sự đoàn kết nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân các dân tộc, qua 2,5 năm triển khai thực hiện, nghị quyết của Đảng từng bước bén rễ vào cuộc sống, tạo kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
QUYẾT TÂM CAO, HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT
Đảm bảo thống nhất lãnh, chỉ đạo điều hành, Đảng bộ huyện xác định 8 giải pháp cốt yếu tập trung triển khai thực hiện. Đó là giữ vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19; phục hồi sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các thành phần kinh tế.
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Lãnh đạo tỉnh, huyện Than Uyên thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Bản Chát.
Song song với đó, dồn lực thực hiện 2 chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá chiến lược đã xác định. UBND huyện ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp; mạnh dạn đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với chuỗi liên kết, nhất là trong triển khai vụ đông. Thi đua “Dân vận khéo”, “Đồng hành cùng Nhân dân mỗi tháng một việc”… đã trở thành điểm nhấn cũng như dấu ấn quan trọng cuả ngành Nông nghiệp Than Uyên khi cán bộ, đảng viên tiên phong đi trước, miệng nói tay làm, cầm tay chỉ việc.
Thực hiện Nghị quyết số 02 – NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025” và Kế hoạch số 39-KH/HU ngày 26/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Phòng Văn hóa – Thông tin phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, Phòng Dân tộc huyện, các địa phương khảo sát, đánh giá, sưu tầm tư liệu và tổ chức phục dựng thành công các lễ hội: Kin Pang của dân tộc Thái Đen; Mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú; Hạn Khuống của dân tộc Thái; Gầu Tào của dân tộc Mông. Tiếp tục duy trì tổ chức Lễ hội Xòe Chiêng và Lùng Tùng.
UBND huyện cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và huyện. Phục dựng và duy trì 4 không gian văn hóa của 4 dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú phục vụ sinh hoạt văn hóa và quảng bá hình ảnh văn hóa các dân tộc và con người Than Uyên đến với du khách. 29 trường học trong toàn huyện xây dựng không gian bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Thành lập Ban Vận động Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mông và nhân rộng 8 Ban Vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới vùng đồng bào dộc tộc Mông/8 xã có đồng bào Mông…
Câu lạc bộ Đàn tính – Hát then xã Mường Cang luyện tập, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Thái.
Thông qua khảo sát, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch mang nhiều dấu ấn với du khách. Có thể kể đến bản du lịch cộng đồng Thẳm Phé (xã Mường Kim), Huổi Bắc (xã Pha Mu), khu 9 thị trấn Than Uyên, khu nghỉ dưỡng Love Hill… Chỉ tính riêng năm 2022, toàn huyện đón tổng 94.322 lượt khách du lịch, trong đó khách lưu trú đạt trên 123% kế hoạch năm.
Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa, lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh – quốc phòng cũng được quan tâm với sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị thông qua triển khai đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
KHI “Ý ĐẢNG” THUẬN “LÒNG DÂN”
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ xã Mường Kim đề ra 11 chỉ tiêu chủ yếu, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 2 chương trình trọng điểm và 7 giải pháp thực hiện. Trong đó, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; thu ngân sách địa bàn hằng năm tăng 10%; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 6.250 tấn; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 dưới 5%; hằng năm trên 80% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên, kết nạp mới 40 đảng viên…
Trường THCS Ta Gia xây dựng không gian văn hóa nhằm lưu giữ các nét đẹp văn hóa của các dân tộc.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương, trong mọi phong trào, nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu làm trước, làm tròn phần việc được giao để quần chúng noi theo. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có sự khởi sắc nhờ cụ thể hóa phương châm “Đồng hành cùng Nhân dân mỗi tháng một việc” của huyện thành “Đồng hành cùng Nhân dân ngày cuối tuần”. Định hướng đúng, cầm tay chỉ việc, sâu sát cơ sở, đồng hành cùng nông dân triển khai các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất của tập thể cán bộ, công chức đã giúp Mường Kim trở thành một trong những xã điển hình của huyện “không để đất trống” trong sản xuất vụ 3.
Đột phá cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi giúp Than Uyên khai thác tối đa lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như sự cần cù, dám nghĩ dám làm và nhiệt tình hưởng ứng của nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 70ha chanh leo liên kết với Công ty Đồng Giao; thực hiện 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả với tổng diện tích 32,7ha. Triển khai một số loại cây có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như: ngô đường, cây chia, ớt; mô hình khảo nghiệm giống nho hạ đen, hỗ trợ nuôi ong.
Mô hình trồng bí xanh theo hướng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp đang giúp bà con xã Mường Than có đầu ra ổn định, đem lại thu nhập cao.
Chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh phát triển chuồng trại chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản. Đã hình thành vùng sản xuất với trên 1.500ha lúa hàng hóa tập trung; 1.706,52ha chè; 300ha cây ăn quả; 1.395,48ha cây mắc-ca. Toàn huyện có 66 cơ sở chăn nuôi tập trung; 825 lồng cá; 26 sản phẩm OCOP… Hàng năm, hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đều đạt khá và tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đến hết năm 2022, sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt trên 33.625 tấn (đạt 101,9% nghị quyết); hình thành vùng sản xuất tập trung đối với ăn quả, chăn nuôi đại gia súc; lúa chất lượng cao với tốc độ tăng trưởng đàn gia súc 7,7% (đạt 154% nghị quyết). Thu nhập bình quân đầu người 43 triệu đồng/năm (đạt 86% nghị quyết).
Lãnh đạo xã Phúc Than hướng dẫn bà con chăm sóc chè.
Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,66% (vượt nghị quyết giao)… Điều này thêm khẳng định Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 6/10/2020 “Về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025” của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thực sự đi vào cuộc sống và tạo những dấu ấn đặc biệt trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện.
Khi “ý Đảng” đã thuận “lòng dân” thì “khó trăm lần dân liệu cũng xong”… Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, 2/9 nhóm chỉ tiêu cụ thể, 21/37 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Trong đó, 14 chỉ tiêu thành phần vượt như: thu ngân sách, 5 chỉ tiêu thành phần nhóm y tế, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo; giải quyết việc làm mới cho lao động; tỷ lệ hộ gia đình, thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, kết nạp đảng viên mới…
(Còn nữa)