- Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em truyền thông về phòng chống xâm hại trẻ em
- TP Mỹ Tho (Tiền Giang) phát động Tháng hành động vì trẻ em
Trẻ em Việt Nam đang sử dụng Internet quá mức
Theo số liệu khảo sát của UNICEF năm 2022, có 87% trẻ em từ 12 – 17 tuổi sử dụng Internet ít nhất 1 lần/ngày, 74% các em sử dụng Internet tại trường học, thời lượng sử dụng Internet từ 5-7h ngày. (UNICEF, 2022). Trong khi đó, các khuyến cáo trước đại dịch COVID, trẻ chỉ nên sử dụng Internet từ 2-3 giờ/ngày.
“Trẻ em có quyền sử dụng Internet nhưng cân đối dung lượng sử dụng Internet phù hợp để đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ, tối ưu hoá sự phát triển của các em là rất quan trọng. Chúng ta phải rất lưu tâm khi mùa hè, không phải đi học, ít sự quản lý của cha mẹ, trẻ có thể gia tăng hơn nữa thời lượng sử dụng Internet, khiến các em dễ gặp các bệnh về mắt, đặc biệt là cận thị, ít vận động, ít giao tiếp với bên ngoài”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng: “Trẻ sử dụng Internet quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nghiện Internet và trở thành bệnh rất khó chữa. Ngoài ra, khi lên mạng, bên cạnh các lợi ích, các con rất dễ gặp các rủi ro như xem các hình ảnh, thông tin nội dung độc hại, không phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, lộ bí mật đời sống riêng tư, bắt nạt trên mạn , bị lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo tham gia các hành vi không phù hợp, vi phạm pháp luật,…”
Chia sẻ bí kíp để kiểm soát thời gian sử dụng Internet với bé Sâu 8 tuổi, anh Đức – bố Sâu cho biết, ngoài thời gian dành cho học tập, bố con Sâu đã thoả thuận con có nửa tiếng một ngày để xem các chương trình giải trí, và con sẽ được xem các chương trình này sau khi hoàn thành xong các nhiệm vụ học tập và công việc trong ngày. “Cả nhà cùng phải tuân thủ các kỷ luật và nguyên tắc thì Sâu cũng sẽ học được nề nếp để sử dụng Internet phù hợp” – anh Đức chia sẻ.
Đồng quan điểm của bố Sâu, bà Nga và bà Linh cho chia sẻ: Trẻ em có quyền tham gia và cùng thảo luận, quyết định thời gian, dung lượng sử dụng Internet, bố mẹ nên cùng con thảo luận về thời gian biểu sử dụng Internet cùng con, và cùng con nói chuyện phân tích và tuân thủ lịch trình sử dụng Internet. Chính cha mẹ cũng cần tuân thủ các nguyên tắc này, ví dụ theo thoả thuận thời gian ăn tối không ai sử dụng Internet thì bố mẹ cũng cần tuân thủ chứ không chỉ yêu cầu một chiều từ con cái. Trẻ con học bằng cách bắt chước nên rất cần bố mẹ làm gương cho con”.
Bí kíp đồng hành cùng con trên môi trường mạng
Thảo luận về một số các rủi ro trẻ em hay gặp trên môi trường mạng, nhiều phụ huynh lo lắng nhất về việc con có thể xem các nội dung thông tin độc hại hoặc tham gia các thử thách nguy hiểm trên mạng, gây nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng thể chất tinh thần của trẻ.
Bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ: “ Thường thì chúng ta nhìn những thử thách ở trên mạng đa phần là tiêu cực, tuy nhiên, với nỗ lực của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp nền tảng, thực tế 90% thử thách trên mạng là vô hại, còn có các thử thách rất tích cực như: bảo vệ môi trường; sống tích cực, vui vẻ… Tuy nhiên, chỉ với 10% thử thách nguy hiểm có thể còn xuất hiện, các bạn nhỏ khi chưa có kiến thức kỹ năng số, có tư duy phản biện, không biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là cái phù hợp, hay nguy hiểm với bản thân mình thì các bạn cũng rất dễ bắt chước theo”.
Bà Linh phân tích một số nguyên nhân trẻ có thể bắt chước hoặc tham gia các thử thách như sự tò mò của trẻ, muốn trải nghiệm, áp lực cùng trang lứa (vì các bạn hay thần tượng thực hiện), muốn nổi tiếng, tăng view, tăng like,… mà chưa có sự cân nhắc suy nghĩ. Chính vì thể, việc trang bị cho trẻ em các kiến thức về tư duy phản biện rất quan trọng. Bà Linh khuyên cha mẹ cần cho con xem các kênh phù hợp lứa tuổi, cùng con thảo luận các tình huống thử thách trên mạng và cùng con xem bản thân có nên tham gia hay không, sẽ tăng tư duy phản biện và phản xạ tình huống cho các con “suy nghĩ trước khi hành động”.
Các diễn giả đã cùng chia sẻ các giải pháp để đồng hành và bảo vệ con an toàn trên môi trường mạng. Theo bà Linh, không bao giờ là quá sớm để đồng hành cùng con trên môi trường mạng, và cũng không bảo giờ là quá muộn. Bố mẹ nên đồng hành cùng con càng sớm càng tốt, ngay từ khi con bắt đầu tiếp cận Internet nhưng nếu đã trót bỏ qua giai đoạn vàng để đồng hành cùng con ngay từ đầu thì bố mẹ cũng có thể bắt đầu ngay hôm nay. Cha mẹ hãy tiếp cận với con theo phương pháp đồng hành, tức là không phải tìm cách dạy dỗ con, bắt ép con, kiểm soát con, mà bằng tình yêu thương, hỏi han và tìm hiểu các trải nghiệm của con trên môi trường mạng, học tập từ con, cùng nói chuyện, tâm sự và tìm ra các giải pháp cho các tình huống, các vấn đề con có thể gặp phải trên môi trường mạng.
Bà Linh mách bố mẹ trong dịp hè có thể tranh thủ con rảnh rỗi cùng giao bài tập gia đình như tìm kiếm và trình bày, phản biện với nhau về các rủi ro trên môi trường mạng, giúp cả gia đình vừa học tập, vừa tăng kiến thức kỹ năng số. Bố mẹ và con cái nên lập một thoả thuận gia đình cùng nhau bảo vệ cả gia đình an toàn trên mạng, trong đó cả bố mẹ và con cái đều có trách nhiệm. Ngoài ra, hãy cho con biết là dù con có rắc rối hay trải nghiệm gì không hay trên mạng, con cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bố mẹ “Hãy cho con biết rằng con an toàn, cha mẹ ở ngay đây”.