Trồng lúa kiểu gì để nông dân ĐBSCL có lãi tốt hơn, khỏe người, giải phát thải khí nhà kính?

0
0
#image_title

Ngày 28/3, tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, chủ đề “Giải pháp thúc đầy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và hơn 100 đại biểu là nông dân, thành viên Hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Ngoài ra còn có các đơn vị đối tác cung cấp vật tư, thiết bị cơ giới và giải pháp canh tác lúa giải phát thải gắn với tăng trưởng xanh.

Bàn giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Các đại biểu tham mô hình thực tế thí điểm đề án tại huyện hòn Đất tỉnh Kiên Giang. Ảnh: HC

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Văn phòng thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nhằm giải quyết đồng thời bài toán phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Đề án được triển khai nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người dân trồng lúa, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Qua quá trình triển khai, các mô hình thí điểm trong Đề án đã mang lại những chuyển biến tích cực, nhiều hộ nông dân đã chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ (AWD), sử dụng phân bón cân đối, cơ giới hóa sản xuất và quản lý rơm rạ. 

Những thay đổi này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, mà còn góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững.

Bàn giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL - Ảnh 2.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: HC

Cụ thể tại Kiên Giang, mô hình thí điểm trong vụ Đông Xuân 2024-2025 được thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Theo ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, kết quả mô hình cho thấy, với giống lúa ĐS1 năng suất trung bình đạt 10,3 tấn/ha (lúa tươi), tổng thu nhập đạt 82,2 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận lên đến 55,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 6,7 triệu đồng/ha. Khí phát thải nhà kính giảm trung bình 13.05 tấn CO2 tương đương/ha so với mô hình canh tác truyền thống.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Tại vùng ĐBSCL, sản xuất lúa vẫn chủ yếu dựa vào phương thức canh tác truyền thống, với các tập quán canh tác lâu đời nhưng chưa được tối ưu hóa theo hướng bền vững. Chính điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Việc sử dụng giống lúa với mật độ quá cao cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm, việc quản lý nước chưa tối ưu, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cũng đang là một vấn đề đáng báo động, làm giảm hiệu suất hấp thụ của cây lúa, gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

Bên cạnh vấn đề thừa đạm cũng kích thích cây lúa phát triển quá mức, làm gia tăng dịch bệnh và kéo theo nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân, chất lượng gạo và hệ sinh thái nông nghiệp; xử lý rơm rạ chưa bền vững…

Bàn giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL - Ảnh 3.

Trình diễn cuộn rơm, đem rơm ra khỏi đồng ruộng, phun phân bón xử lý rơm, rạ kết hợp cày vùi sáng 28/3. Ảnh: HC

Thời gian qua, nhiều địa phương tại ĐBSCL đã chủ động triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tài nguyên bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Các mô hình này đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất lúa gạo bền vững.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cho biết, sau giai đoạn thí điểm, mô hình canh tác lúa phát thải thấp đang được mở rộng tại 12 tỉnh ĐBSCL, hướng đến 200.000 ha vào năm 2025 và 1 triệu ha vào năm 2030.

Trong đó, các TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại các hợp tác xã, với diện tích dự kiến tăng lên 1.500 ha vào cuối năm 2025. Các tỉnh còn lại như An Giang, Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ bắt đầu triển khai từ vụ Hè Thu 2025.

“Để thực hiện có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cần thực hiện tốt các giải pháp như: Liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ đo lường phát thải (MRV); tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi và cơ giới hóa; ứng dụng công nghệ tưới hiện đại, hỗ trợ sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn.

Về phát triển hệ thống đo lường phát thải và tín chỉ carbon: Hệ thống MRV sẽ được mở rộng ra tất cả 12 tỉnh, giúp ghi nhận chính xác mức giảm phát thải, tạo điều kiện cho nông dân tham gia thị trường tín chỉ carbon, tăng thêm thu nhập. Tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp, đảm bảo sự chuyển đổi bền vững trên diện rộng” – ông Thanh thông tin.

Bàn giải pháp thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL - Ảnh 4.

Hơn 100 đại biểu là nông dân, thành viên Hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhe các chuyên gia thuyết trình tại mô hình thí điểm sáng 28/3. Ảnh: HC

Một trong những giải pháp được Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu ra là phương pháp sạ cụm và sạ hàng, lượng giống sử dụng có thể giảm 60-70% so với phương pháp sạ lan, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, đồng thời giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng. 

Mô hình tưới ướt khô xen kẽ (AWD – Alternate Wetting and Drying) cũng đang được triển khai rộng rãi nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước trong canh tác lúa, giảm 20-30% lượng nước sử dụng, đồng thời giảm đáng kể lượng khí CH₄ phát thải do hạn chế điều kiện yếm khí trong đất. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp bộ rễ cây lúa phát triển khỏe mạnh hơn, tăng khả năng chống chịu hạn hán và sâu bệnh.

Theo ông Lê Thanh Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo việt Nam, mặc dù các mô hình canh tác lúa phát thải thấp mang lại lợi ích rõ rệt, nhưng việc mở rộng quy mô sản xuất gặp trở ngại do thiếu liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Sản xuất lúa vẫn chủ yếu dựa vào hộ nhỏ lẻ, manh mún, trong khi doanh nghiệp thu mua chưa có cơ chế ưu đãi rõ ràng để khuyến khích sản phẩm lúa giảm phát thải.

Việc xây dựng thương hiệu và cấp chứng nhận cho lúa gạo phát thải thấp còn chưa đồng bộ, khiến giá trị gia tăng chưa cao, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân thay đổi phương thức canh tác. 

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và khung pháp lý cho hoạt động này vẫn chưa hoàn chỉnh, gây khó khăn trong việc chứng nhận mức độ giảm phát thải và giao dịch tín chỉ carbon. Chưa có quy trình cụ thể để tích hợp hệ thống MRV vào sản xuất lúa quy mô lớn, dẫn đến khó khăn trong việc nhân rộng mô hình và đảm bảo quyền lợi cho nông dân tham gia.

Sáng cùng ngày, các đại biểu tham quan ruộng trình diễn thuộc dự án Khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu vùng ĐBSCL” trên diện tích 50ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (xã Nam Thái Sơn, Hòn Đất); theo dõi trình diễn máy gặt tuốt có chức năng băm rơm hoặc rải rơm theo luống, máy cuộn rơm đưa khỏi đồng ruộng, máy xới vùi rơm rạ kết hợp phun chế phẩm vi sinh xử lý thành phân bón hữu cơ; trình diễn sản phẩm Đầu trâu Bio-Canxi thúc đầy phân hủy nhanh rơm rạ và giả ngộ độc hữu cơ; gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp đối tác cung cấp và hỗ trợ lúa giống chất lượng cao, hướng dẫn quy trình quản lý dịch hại IPM, IPHM, việc thực hiện liên kết tiêu thu lúa có kiểm soát dư lượng…





Nguồn: https://danviet.vn/trong-lua-kieu-gi-de-nong-dan-dbscl-co-lai-tot-hon-khoe-nguoi-giai-phat-thai-khi-nha-kinh-20250328182212406.htm