Bệnh tiểu đường là một căn bệnh liên quan đến lối sống và có thể kiểm soát được. Đối với căn bệnh này, điều quan trọng là phải giữ lượng đường cân bằng.
Theo các chuyên gia, ngoài chế độ ăn uống, người bệnh tiểu đường nên duy trì tập thể dục thường xuyên. Và một trong những bài tập dễ thực hiện và kiểm soát đường huyết hiệu quả chính là đi bộ.
Bệnh nhân tiểu đường nên cố gắng đi bộ càng nhiều càng tốt. Sau đây là những lợi ích sức khỏe của việc đi bộ đối với bệnh tiểu đường.

Cân nhắc đi bộ một đoạn ngắn trong giờ giải lao khi làm việc văn phòng
Giảm lượng đường trong máu
Theo các chuyên gia, bệnh nhân tiểu đường cần phải duy trì hoạt động thể chất. Càng năng động thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng thấp. Người tiểu đường càng đi bộ nhiều thì lượng đường giảm càng nhanh. Đi bộ với tốc độ nhanh giúp các tế bào tuyến tụy hoạt động nhanh hơn. Đi bộ giúp tăng tốc quá trình chuyển hóa đường, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa.
Đi bộ một đoạn ngắn sau khi ăn có thể giúp hạ lượng đường trong máu, theo trang tin sức khỏe Healthline.
Một đánh giá năm 2022 về các nghiên cứu cho thấy việc đứng lên và đi bộ nhẹ giúp cải thiện lượng đường trong máu sau bữa ăn, trong đó đi bộ có tác dụng nhiều hơn so với đứng.
Đi bộ có lợi như thế nào đối với bệnh tiểu đường?
Đi bộ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường như sau:
- Hạ đường huyết.
- Tăng khả năng sử dụng insulin của cơ thể tốt hơn.
- Giữ cho tim khỏe mạnh.
- Đốt cháy calo.
- Giảm căng thẳng.
- Ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.

Người tiểu đường càng đi bộ nhiều thì lượng đường giảm càng nhanh
Người bị tiểu đường nên đi bộ bao nhiêu?
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể giúp kiểm soát lượng đường. Đặt mục tiêu hoạt động vừa phải trong 30 phút, 5 lần một tuần.
Nếu gặp khó khăn khi đi bộ trong 30 phút, hãy đi bộ cả ngày – vào buổi sáng, chiều và tối, bất cứ lúc nào có thể. Thậm chí, ngay cả những lần đi bộ ngắn, chỉ 10 – 15 phút, vài lần trong ngày – cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu. Và đi bộ sau bữa ăn còn có thể có lợi hơn trong việc hạ đường huyết.
Đồng thời, đừng quên kiểm soát chế độ ăn uống, đặc biệt là carbohydrate.
Mẹo hay giúp bạn đi bộ đều đặn
Đi một chút trong giờ giải lao. Cân nhắc đi bộ một đoạn ngắn trong giờ giải lao khi làm việc văn phòng. Làm như vậy có thể giúp tập luyện hằng ngày mà không cần dành nhiều thời gian.
Bắt đầu từ mức nhỏ. Đặt mục tiêu đi 2.400 bước một ngày (khoảng 1,6 km) và dần dần tăng lên 6.400 bước một ngày hoặc hơn.
Tìm kiếm sự hỗ trợ. Nhờ vợ, chồng hoặc gia đình, bạn bè đi cùng sau bữa tối.
Tạo lời nhắc. Gắn việc đi bộ với một hoạt động được lên lịch thường xuyên, chẳng hạn như sau bữa trưa hoặc sau giờ làm việc, để dễ tuân thủ.
Nghe nhạc. Nghe thứ gì đó thú vị có thể khiến bạn không thấy nhàm chán.
Đảm bảo an toàn. Điều quan trọng đối với người bệnh tiểu đường là đảm bảo an toàn. Uống nước, ăn nhẹ lành mạnh nếu cần trước và sau khi đi, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu, theo Healthlines.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-bi-tieu-duong-nen-di-bo-the-nao-la-tot-nhat-185250225223815806.htm