“Tượng đồng Việt Nam không chỉ nổi bật với thần thái đặc biệt, mà còn ở kỹ thuật làm tượng độc đáo. Tôi mong muốn có thể giới thiệu vẻ đẹp của sản phẩm đúc đồng Việt đến bạn bè quốc tế”, nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng (làng Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ”.
Làng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), có lịch sử khoảng 500 năm. Tên làng gắn liền với lịch sử hình thành làng.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, sử sách ghi lại, vào thời nhà Lê sơ (1428-1527), triều đình tập hợp những thợ đúc đồng giỏi ở năm xã của huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên) về kinh thành lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ xã. Người dân ở năm xã kéo về Thăng Long lập nghiệp, chọn vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch để an cư. Để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình, người dân lấy tên là Ngũ Xã.
Qua nhiều thế kỷ, Ngũ Xã – làng đúc đồng đã trở nên gần gũi, quen thuộc với người dân khắp các vùng miền, được đánh giá là một trong bốn nghề tinh hoa của Thăng Long xưa.
Nghệ nhân Ứng chia sẻ: nghề đúc đồng có 5 kỹ thuật cơ bản gồm: Đắp mô hình chi tiết cần đúc, tiếp theo là tạo khuôn, sau đó là pha trộn nguyên liệu, nấu và đổ nguyên liệu vào khuôn, đúc xong thì đến công đoạn sửa nguội và cuối cùng là đánh bóng sản phẩm.
Sự khác biệt sản phẩm đồng của Ngũ Xã chính là kỹ thuật đúc liền khối. Đúc liền khối đối với các sản phẩm nhỏ đã không đơn giản, đối với các sản phẩm có kích thước cực lớn lại càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Có những công đoạn phải mất nhiều tháng mới hoàn thành.
Dầu vậy, không có ghi chép nào về kỹ thuật đúc đồng để truyền dạy. Người làm nghề chủ yếu theo cách thức cha truyền con nối. Con nhìn thấy cha làm thế nào thì bắt chước làm theo, dần dần mà thành nghề. Làm đồng cần trau chuốt từng công đoạn nên mất nhiều thời gian. Để có thể học và thành thạo được nghề người thợ phải mất hàng năm. Còn để làm được sản phẩm hoàn hảo, được khách hàng đón nhận thì người thợ phải học cả đời.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng. Ảnh: Nguyễn Hiền |
Trước đây đúc đồng thiên về các sản phẩm phục vụ văn hóa tâm linh, dùng ở các đình, chùa. Ngôi làng là chiếc nôi sản sinh ra những tác phẩm đúc đồng hiện diện khắp nơi trong nước. Nổi tiếng nhất phải kể đến chuông Chùa Một Cột và tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ ở Đền Quán Thánh, cao gần 4m và nặng 4 tấn. Những tượng này là minh chứng cho tài năng, kỹ thuật độc đáo và sáng tạo của các nghệ nhân Ngũ Xá.
Ngoài ra, Chùa Thần Quang có một bức tượng đồng của Đức Phật A Di Đà, cao 4m và nặng 12,3 tấn, được tạo ra từ năm 1949 đến 1952, được công nhận là bức tượng Phật đồng cổ nhất trong cả nước.
Ngày nay, sản phẩm của đúc đồng đã tinh xảo, gần gũi với đời sống con người hơn như: đồ dùng gia đình, ảnh chân dung, tượng, các vật dụng trang trí…
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn (con trai ông Ứng) chia sẻ: “Sản phẩm đúc đồng đã xuất hiện trong đời sống người Việt từ xa xưa, tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn – một biểu tượng của nền văn minh, văn hóa Âu Lạc. Sau này đồ đồng hiện hữu dưới hình dạng những bức tượng Phật, tượng những vị danh nhân,… có thể thấy các sản phẩm bằng đồng đã mang giá trị tâm linh và giá trị tinh thần rất đặc biệt với người Việt”.
![]() |
Sự khéo léo từ đôi bàn tay của người thợ đúc đồng trong việc điêu khắc đồng. Ảnh: Nguyễn Hiền |
Còn theo nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng: “Tượng đồng Việt Nam không chỉ nổi bật với thần thái đặc biệt, mà còn ở kỹ thuật làm tượng độc đáo. Nước đồng của ta thường tự nhiên, bền đẹp hơn của nước ngoài. Các sản phẩm thường được đúc liền khối ít nối ghép, kể cả đối với các bức tượng nhiều chi tiết. Bởi vậy, dù nghề đúc đồng không còn ở giai đoạn hưng thịnh như trước đây nhưng vẫn luôn có một vị trí nhất định trong đời sống”.
![]() |
Sản phẩm đúc đồng làng Ngũ Xã trong phòng trưng bày. Nguồn: Thu Hiền |
“Chúng tôi rất tự hào khi nghệ thuật đúc đồng của làng Ngũ Xã vẫn còn được biết đến không những trong và ngoài nước. Nhiều người khách nước ngoài cũng đã đến đây tham quan, mua các sản phẩm đúc đồng sưu tầm. Tôi mong muốn không chỉ giới thiệu sản phẩm đúc đồng của gia đình, của làng Ngũ Xã mà muốn giới thiệu nét văn hóa của Việt Nam, của cả dân tộc đến với những người khách nước ngoài”, nghệ nhân Ứng nói.
Theo ông, kỹ thuật đúc đồng Việt có nhiều điểm đặc sắc. Điều quan trọng là thế hệ nghệ nhân hôm nay phải không ngừng trau dồi nâng cao tay nghề. Có vậy mới đưa sản phẩm đúc đồng Việt Nam đến với đông đảo khách hàng trong và ngoài nước, giới thiệu được đến bạn bè quốc vẻ đẹp sản phẩm đúc đồng và tài hoa của nghệ nhân Việt”.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/nghe-nhan-lang-ngu-xa-va-mong-muon-dua-san-pham-duc-dong-viet-ra-the-gioi-210375.html