Một thập kỷ đưa lịch sử lên màn ảnh nhỏ
Ra mắt lần đầu vào tháng 10.2015 trên kênh VTV1 với tên gọi Hào khí ngàn năm, bộ phim đã tạo dấu ấn đặc biệt khi lựa chọn hình thức hoạt hình 2D để kể lại những câu chuyện lịch sử. Đến năm 2017, chương trình đổi tên thành Khát vọng non sông, tiếp tục tái hiện toàn bộ hành trình dựng nước và giữ nước qua hàng nghìn năm.

Bộ phim hoạt hình lịch sử Khát vọng non sông sau gần 10 năm đồng hành cùng khán giả đã chính thức khép lại
Với tổng cộng hơn 2.000 tập, mỗi tập 5 phút, bộ phim đã đưa khán giả đi từ buổi đầu lập quốc với Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, trải qua các triều đại quân chủ… cho đến những biến động lớn của thế kỷ 20, và khép lại với hình ảnh thiêng liêng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945.
Không chỉ là một bộ phim “đồ sộ”, Khát vọng non sông cho thấy một nỗ lực bền bỉ trong việc lan tỏa lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và bồi đắp tình yêu sử Việt trong lòng các thế hệ khán giả, góp phần giúp thế hệ trẻ tiếp cận lịch sử dân tộc theo cách trực quan, sinh động và gần gũi hơn.
Nỗ lực bền bỉ của một tập thể tâm huyết
Có thể nói, mỗi thước phim là kết tinh của những tháng ngày miệt mài nghiên cứu, chọn lọc và chắt lọc sử liệu, bởi tái hiện lịch sử chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Có những giai đoạn sử liệu vẫn còn khoảng trống, có những sự kiện được ghi chép dưới nhiều góc nhìn khác nhau, có những nhân vật vừa là niềm tự hào, vừa là dấu hỏi lớn của bao thế hệ.
Đằng sau 2.000 tập phim là sự đóng góp của hàng trăm con người, không chỉ cần đến sự sáng tạo từ biên kịch, họa sĩ, đạo diễn, diễn viên lồng tiếng mà còn có sự tham vấn chặt chẽ của các nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử – những người đã dành cả cuộc đời để đi tìm sự thật trong lớp bụi thời gian.
Tác phẩm kéo dài hơn một thập kỷ cũng đặt ra không ít thách thức về nhân lực, kinh phí và kỹ thuật. Giữa dòng chảy của ngành công nghiệp giải trí với vô vàn nội dung hấp dẫn, phim hoạt hình lịch sử vẫn phải tìm cách chinh phục khán giả, khiến họ không chỉ tiếp cận mà còn thực sự cảm nhận và yêu lịch sử theo cách của riêng mình.
Vượt ra khỏi màn ảnh nhỏ
Sau gần 10 năm phát sóng, Khát vọng non sông không chỉ dừng lại trên truyền hình mà còn lan tỏa rộng rãi trong đời sống. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ to lớn từ đông đảo khán giả, nhất là các em học sinh, những người trẻ mong muốn tiếp cận lịch sử một cách mới mẻ, dễ hiểu. Bộ phim đã bước vào trường học, các hoạt động ngoại khóa, các buổi học lịch sử, trở thành công cụ giảng dạy trực quan giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Để có được những thành tựu ấy, không thể không nhắc đến vai trò của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) – đơn vị đã đồng hành, tin tưởng vào giá trị nhân văn của dự án và kiên trì tạo điều kiện để bộ phim tiếp cận hàng triệu khán giả trên cả nước, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc và lan tỏa tình yêu lịch sử Việt Nam đến nhiều thế hệ.
Mỗi hành trình đều có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Khát vọng non sông đã hoàn thành sứ mệnh của mình, nhưng khát vọng lan tỏa lịch sử chưa bao giờ dừng bước. Những câu chuyện mà chương trình đã kể vẫn sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, để thế hệ mai sau hiểu rằng mỗi bước đi của hôm nay đều được xây dựng trên nền tảng mà cha ông đã dày công gây dựng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/khat-vong-non-song-mot-thap-ky-dua-su-viet-len-man-anh-nho-185250225192844051.htm