Một ngày trước, nhiều người chia sẻ trên trang cá nhân tin nhắn tìm người thân cho một thanh niên 20 tuổi, bị chấn thương rất nặng sau tai nạn giao thông, không có giấy tờ tùy thân, được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Bác sĩ thăm khám cho con trai bà Dua – Ảnh: BVCC
Tin nhắn ban đầu được chia sẻ trên trang Facebook của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hôm 24-2.
Theo lời kể của người vận chuyển, nam thanh niên được phát hiện trong tình trạng hôn mê bên lề đường, ở chân cầu vượt đường Láng, Hà Nội, không rõ thời gian tai nạn. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Giao thông vận tải gần đó rồi sau đó được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.
Khi đến Việt Đức, thanh niên này không có giấy tờ tùy thân, không thân nhân, được chẩn đoán chấn thương sọ não, máu tụ dưới màng cứng bán cầu trái, theo dõi chấn thương cột sống cổ. Thời điểm đăng tin nhắn tìm thân nhân người bệnh, các bác sĩ đã phẫu thuật cho người bệnh và đang điều trị hồi sức.
Cộng đồng mạng góp sức cùng bác sĩ tìm thân nhân người bệnh
Chiều và tối 24-2, mạng xã hội liên tục xuất hiện các chia sẻ tìm người thân của bệnh viện. Thanh niên mới 18 tuổi, cuộc sống còn đang ở phía trước và gặp tai nạn thương tâm nhưng lúc đau đớn không có người thân nào cận kề. Điều đó làm cả cộng đồng thương cảm và nối vòng tay tìm người.
Chị Hoàng Lan Anh, người mẹ có hai con tầm tuổi thanh niên này, chia sẻ trên trang cá nhân: “Cháu này bị tai nạn trên đường Láng gần nhà mình. Mong có thông tin về tai nạn của cháu. Mong thân nhân cháu đọc được tin này”.
Chị Hạnh, một người dùng mạng xã hội khác, kêu gọi mọi người cùng chia sẻ để sớm tìm được người nhà cho cháu.
Đến chiều 24-2, đã có khoảng 16.300 người chia sẻ tin tìm người thân cho nam thanh niên này lên trang cá nhân.
Rất nhiều người có người thân đang ở xa và chưa liên lạc được lo lắng tới tấp đặt câu hỏi: Nhờ chụp ảnh hai tay xem có hình xăm không?; Nhờ xem hộ xem chân có sẹo to không?; Bệnh viện chụp một bên cổ xem có hình xăm là chữ Trung Quốc không?…
Nhưng thanh niên không có hình xăm ở tay, không có sẹo to ở chân, hy vọng rồi lại thôi, người thân của em vẫn chưa nhìn thấy tin này.
Cộng đồng vẫn miệt mài chia sẻ, kèm theo lời cầu mong em sớm mạnh khỏe, tìm được người thân, cảm ơn bệnh viện và các bác sĩ đã cấp cứu nhanh cho người bệnh khi họ không có tiền, không có thân nhân, không có giấy tờ, và qua đó đem lại hy vọng sống cho một chàng trai trẻ.

Em bé con bà Dua cùng mẹ đi chăm anh và “được” vào nằm viện, đang chơi cầu trượt trong khoa nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Con trai bị thương đã được phẫu thuật, bà Dua đỡ lo lắng – Ảnh: BVCC
“Chúng tôi vẫn sẽ làm những điều mà nghề nghiệp yêu cầu”
Chiều 25-2, một ngày sau khi người thân bệnh nhân nhận được tin và xuống Hà Nội, đại diện phòng công tác xã hội Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ khoảng 15h chiều 24-2, người thân của bệnh nhân ở thôn Thần Lãng, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã nhìn thấy tin tức và vội vã xuống bệnh viện.
“Bà Ninh Thị Dua – mẹ bệnh nhân – khi xuống bệnh viện mang theo con (là em của bệnh nhân) mới gần 2 tuổi, còn đang bú mẹ. Mấy hôm nay Hà Nội mưa lạnh nên các bác sĩ ái ngại, sợ em bé viêm phổi, vì thế đã xếp em bé vào khoa nhi, dù bé không bị ốm nhưng xếp để có giường nằm, rồi lo cung cấp suất ăn cho hai mẹ con” – ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nói.
Ông Hùng cho hay khi hỏi hoàn cảnh thì gia đình bà Dua (người dân tộc thiểu số) rất khó khăn. Khi gặp con, bà mừng mừng tủi tủi cảm ơn các bác sĩ cứu sống con trai nhưng không có tiền nộp viện phí.
“Chúng tôi đã quyết định miễn chi phí điều trị cho bệnh nhân. Hơn 30 năm làm việc ở bệnh viện, tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy, có khi bệnh viện miễn viện phí, có khi kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, dành quỹ người nghèo cho bệnh nhân suất ăn và triển khai ngay công tác chuyên môn theo tình trạng của người bệnh. Dù trong tình huống nào thì cấp cứu cho bệnh nhân là ưu tiên nhất” – ông Hùng nói.
Hôm nay là ngày thứ 2 mẹ con bà Dua ở bệnh viện. Bà không biết chỉ 2 ngày nữa kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhưng 2 ngày qua bà có một trải nghiệm đặc biệt khi em bé không ốm được vào khoa nhi, bà mẹ chạy đi chạy lại chăm cậu con trai 20 tuổi ở khoa bên cạnh, với bé em không ốm nhưng mặc quần áo bệnh nhi, trong một ngày Hà Nội mưa phùn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cau-chuyen-rat-xuc-dong-o-benh-vien-ngay-sap-27-2-20250225185113053.htm