Cách xưng hô giữa bệnh nhân và bác sĩ dần trở nên bình đẳng hơn, nhưng điều này liệu có đồng nghĩa với sự tôn trọng cũng thay đổi? Giữa cởi mở và chuẩn mực, đâu là giới hạn?

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân – Ảnh minh họa: XUÂN MAI
Hồi nhỏ, tôi sống ở thị trấn vùng biên Tây Nam. Nhà gần trạm y tế, tôi sớm quen với hình ảnh bác sĩ áo blouse trắng, những người tôi vừa kính nể, vừa có chút rụt rè khi gặp.
Mỗi lần mẹ dẫn tôi đến khám, bà luôn nhắc nhở: “Vào gặp bác sĩ phải khoanh tay chào, nói chuyện phải thưa gửi cho đàng hoàng”.
Những người lớn tuổi đến khám bệnh cũng giữ thái độ trang trọng, cẩn thận từng lời: “Thưa bác sĩ, tôi bị thế này…”, “Nhờ bác sĩ xem giúp…”.
Trong tâm thức nhiều thế hệ, bác sĩ giúp chữa bệnh, còn thể hiện người của tri thức, y đức và trách nhiệm.
Khi bác sĩ được gọi “anh, chị”
Thế nhưng vừa rồi đến bệnh viện thăm người nhà, tôi thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách xưng hô giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Tại phòng chờ đông đúc, bác sĩ trẻ vừa bước ra gọi tên bệnh nhân. Người đàn ông trung niên lập tức đứng dậy, không chút e dè, đáp lại bằng giọng thân mật: “Anh ơi, em đây nè!”.
Chỉ ít phút sau, một phụ nữ cầm tờ xét nghiệm tiến đến gần nữ bác sĩ, nhanh nhảu hỏi: “Chị ơi, em hỏi cái này chút nha!”.
Nhiều bệnh nhân cũng gọi bác sĩ là “anh”, “chị”, như thể đang trò chuyện với người quen. Những câu “Thưa bác sĩ”, “Xin phép bác sĩ” mà tôi từng xem là chuẩn mực giờ đã thưa dần, nhường chỗ cho sự thân mật đời thường.
Cách xưng hô dần trở nên bình đẳng hơn, nhưng liệu có đồng nghĩa với việc sự tôn trọng cũng dần bị phai nhạt?
Giữa cởi mở và chuẩn mực, đâu là giới hạn?
Có người cho rằng việc gọi bác sĩ là “anh, chị” giúp rút ngắn khoảng cách, khiến bệnh nhân dễ dàng chia sẻ bệnh tình hơn.
Xã hội ngày càng đề cao sự bình đẳng, việc giản lược xưng hô trang trọng có thể giúp con người giao tiếp thoải mái hơn, giảm bớt căng thẳng trong môi trường bệnh viện vốn đầy áp lực.
Thực tế, mô hình bệnh viện ở nhiều nước phương Tây cũng khá cởi mở. Bác sĩ và bệnh nhân có thể gọi nhau bằng tên, giao tiếp bình đẳng như những người bạn.
Cách tiếp cận này giúp bác sĩ dễ dàng xây dựng lòng tin với bệnh nhân, tạo nên không gian đối thoại cởi mở.
Nhưng cũng có lo ngại rằng sự thay đổi này có thể làm mất đi nét văn hóa quan trọng. Bác sĩ không giống các ngành nghề khác, họ mang trên vai trọng trách cứu người.
Sự thân mật liệu có trở nên suồng sã, khiến môi trường bệnh viện mất đi sự chuyên nghiệp?
Trong nhiều nền văn hóa Á Đông, sự kính trọng dành cho người có chuyên môn vẫn được đề cao.
Kính ngữ vẫn là phần quan trọng trong giao tiếp trang trọng, bệnh nhân cúi đầu cảm ơn bác sĩ sau ca điều trị có thể không cần quá trịnh trọng, nhưng ánh mắt chân thành và lời nói biết ơn vẫn đủ để thể hiện sự kính trọng.
Xưng hô thế nào để thể hiện sự trân trọng?
Ngôn ngữ và cách xưng hô luôn thay đổi theo thời gian.
Xã hội hiện đại giản lược đi nhiều lễ nghi, cách xưng hô cũng trở nên trực diện, tiện lợi hơn, nhưng có những giá trị không nên mất đi quá nhanh. Tiếng “thầy” khi gọi người dạy chữ thể hiện danh xưng, còn hàm chứa ý tứ tôn sư trọng đạo.
Cách gọi “cô”, “chú”, “bác” trong gia đình để phân vai vế, còn là sợi dây kết nối tình thân.
Một tiếng “chị Hai”, “anh Ba” ở miền Tây gói ghém cả ân tình, một lời “mế” nơi núi rừng Tây Bắc chất chứa bóng dáng bao thế hệ.
Nếu ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc, thì cách xưng hô đúng cũng là nhịp thở của nền văn hóa, là thứ không thể phai nhạt trong dòng chảy thời gian.
Giao tiếp có thể linh hoạt, nhưng vẫn cần sự cân bằng. Không nhất thiết lúc nào cũng phải rập khuôn “thưa bác sĩ”, nhưng cũng không nên để sự suồng sã trở thành bình thường.
Lời xưng hô không chỉ là phương tiện giao tiếp, mà còn phản ánh sự trân trọng của con người với các mối quan hệ.
Đó cũng là cách đối đãi ấm áp và nghĩa tình giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Nếu bệnh nhân một hai cứ gọi bác sĩ là “em, cháu”…
Mỗi khi đi khám bệnh ở bệnh viện/phòng khám, bản thân tôi và gia đình mình luôn gọi các bác sĩ là “bác sĩ” hoặc “bác”.
Không phải vì không có đại từ nhân xưng thích hợp khác, mà chúng tôi muốn thể hiện sự tôn trọng với những người làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, vừa không kém phần gần gũi.
Như mẹ tôi, dù đã 75 tuổi, mỗi khi đi bệnh viện đều lịch sự gọi các bác sĩ đáng tuổi con cháu mình là “bác” hoặc “bác sĩ”, chứ chưa bao giờ gọi bằng tên hay xưng “con”, “cháu”.
Bác sĩ có thể xem hồ sơ bệnh nhân, biết độ tuổi của bệnh nhân và lựa chọn đại từ nhân xưng phù hợp, lịch sự, nhưng từ phía bệnh nhân không nên võ đoán rằng bác sĩ nhỏ tuổi hơn mình rồi vô tư cứ gọi bằng “em” suốt buổi thăm khám.
Trong trường hợp người nhà hoặc bệnh nhân cứ một hai gọi bác sĩ là “em”, “cháu”, bác sĩ có thể chọn kiên định với từ “bác sĩ” ở ngôi thứ nhất.
Không nên “bảo ban” bệnh nhân phải gọi mình bằng gì để tránh cảm giác bác sĩ “hay ra vẻ”, không vui vẻ cho cả hai bên.

Nguồn: https://tuoitre.vn/goi-bac-si-la-anh-chi-gan-gui-hay-thieu-chuan-muc-20250225151835069.htm