Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam Đặng Minh Tuấn cho rằng Pi Network không có thông tin chính thống về đội ngũ phát triển, chưa minh bạch về mã nguồn và đây là mô hình không đúng với bản chất của Blockchain là phi tập trung.
Vào ngày 20/2, Pi Network đã chính thức lên một số sàn tiền số quốc tế và những người đào Pi, cũng như các nhà đầu tư đã có thể giao dịch đồng “tiền ảo” này.
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thống về đội ngũ phát triển Pi, dự án cũng chưa minh bạch về mã nguồn (điều cần có trong blockchain), đồng thời đây là mô hình đang quá tập trung khi đội ngũ Pi Core Team nắm số lượng lớn đồng tiền này và họ có thể làm bất cứ gì họ muốn, mà cộng đồng không thể kiểm tra được do không có smart contract (hợp đồng thông minh trong Blockchain).

Theo ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Pi Network được thành lập vào ngày 14/3/2019 (Pi Day) bởi một nhóm cựu sinh viên và sau này là giảng viên Đại học Stanford ở Mỹ, bao gồm Nicolas Kokkalis (Tiến sĩ Khoa học Máy tính) và Chengdiao Fan.
Trước đó, tháng 12/2018 ứng dụng Pi Network đã được đưa lên các nền tảng Android và IOS. Lúc này Pi tự đặt sứ mệnh cho mình là xây dựng đồng tiền mã hoá phổ biến nhất thế giới và nền tảng smart contract hằng ngày cho mọi người.
Ông Tuấn cho biết, thực chất hệ thống Pi Network bao gồm ứng dụng Pi Network dùng để điểm danh và nhận đồng Pi và mạng các máy tính có cài phần mềm Pi node (đây là các node dựa trên Stellar, một trong số nền tảng blockchain cổ nhất, được fork ra từ Ripple vào năm 2014).
Hiện nay có khoảng 60 triệu người đào Pi. Tổng cung của Pi là 100 tỷ. Hiện tại số Pi đã đào được thông báo trên Pi Explore khoảng 6.4 tỷ, số bị khóa là 4.8 tỷ và số hiện đang lưu thông là 1.6 tỷ Pi.
Theo CoinMarketcap (một trang web tổng hợp về giá trị các đồng tiền mã hoá hiện nay), mức giá của Pi hiện tại là 1.53 USD và vốn hoá của dự án thời điểm hiện tại là 9,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mức giá của Pi sẽ thay đổi rất nhiều khi lượng lớn Pi được đưa vào lưu thông trong thời gian tới. Bởi sứ mệnh của Pi là tiền mã hoá được dùng hằng ngày như là một phương tiện thanh toán và có tổng cung cố định, về mặt lý thuyết sẽ không tạo ra giá trị mới.
Đồng thời bản chất của dự án này là mô hình Zero-Sum Game, trong trò chơi này tiền sẽ chỉ chuyển từ người này sang người khác và người này lãi thì người kia lỗ và tổng giá trị của trò chơi luôn bằng 0.

Ông Đặng Minh Tuấn thông tin, mặc dù Pi có những ưu điểm như dễ tiếp cận, có cộng đồng lớn và trung thành, cơ chế tỷ lệ thưởng hấp dẫn và hạn chế gian lận thông qua xác minh danh tính (KYC), có cơ chế khóa (lock) để hạn chế người dùng xả Pi làm rớt giá quá nhanh… Tuy nhiên, theo ông đây là một dự án không minh bạch.
Đầu tiên là quảng cáo quá mức, khi kỳ vọng đồng tiền này sẽ phổ biến rộng rãi nhất trên thế giới, nhưng thực tế hiện nay phần lớn quốc gia không chấp nhận về mặt pháp lý và nếu thật sự được áp dụng, thì dòng tiền cả thế giới được kiểm soát bởi 2 người là điều rất khó xảy ra.
Việc so sánh đào Pi bằng điện thoại với đào Bitcoin và cho là ưu việt hơn, điều này chưa đúng sự thật. Bản chất việc đào Pi trên điện thoại chỉ là điểm danh và Airdrop (phát miễn phí).
Ứng dụng Pi tồn tại từ tháng 12/2018 nhưng mãi đến 28/1/2021 mới có mạng testnet từ các Pi node, như vậy hơn 2 năm ứng dụng Pi không có ví cũng không liên quan gì đến xác thực giao dịch, đơn giản là Blockchain lúc đó chưa có.
Việc quảng cáo quá mức sẽ thu hút thêm nhiều thành viên và giữ chân họ ở lại, nhưng đã khiến họ không hiểu rõ bản chất và kỳ vọng quá mức.
Thông tin về Pi Core Team không rõ ràng, chỉ có liên hệ trên không gian mạng, không có thông tin liên hệ trực tiếp, không có pháp nhân chính thống được ghi trên web của dự án. Khi có vấn đề pháp lý khó liên hệ.
Lộ trình phát triển (Roadmap) không rõ ràng, lộ trình mở phụ thuộc vào cộng đồng, như vậy khi cộng đồng không đủ theo điều kiện thì dự án sẽ đợi không rõ kỳ hạn.
Rủi ro bảo mật dữ liệu cá nhân khi không rõ cách thức bảo vệ dữ liệu của người đào Pi (giấy tờ và hình ảnh), không có các cam kết bảo vệ dữ liệu cá nhân. Năm 2021 có phân tích hành vi của ứng dụng Pi đã chứng minh toàn bộ thông tin của người dùng bị đẩy về máy chủ của Pi.
Việc có thể bị rò rỉ thông tin và hình ảnh cá nhân có thể khiến kẻ xấu chiếm đoạt các tài khoản trên các nền tảng khác như Facebook hoặc lừa đảo qua định danh căn cước cá nhân như đã thấy rộ lên trong thời gian gần đây.
Đội ngũ Pi Core Team cũng chưa giữ đúng cam kết về việc khi mở mạng sẽ mở mã nguồn, nhưng hiện tại vẫn chưa; việc cam kết có 100 ứng dụng trong hệ sinh thái, nhưng hiện chưa có đủ.
Ứng dụng Pi hay ví Pi còn thiếu tính năng và độ bảo mật chưa cao so với MetaMask hay Trust Wallet. Chưa có các tổ chức chuyên về bảo mật đánh giá cũng như xác thực về mã nguồn như các dự án blockchain khác.
Hiện tại vẫn chưa có smart contract nên Pi Network chưa thể hỗ trợ NFT, DeFi, Web3 đúng nghĩa.
Mô hình hiện tại quá tập trung, toàn bộ đang bị kiểm soát bởi vợ chồng Nicolas và Pi Core Team. Đây là điểm tồn tại lớn nhất và rủi ro nhất của dự án.
Ông Đặng Minh Tuấn phân tích, một nền tảng Blockchain an toàn phải là một nền tảng phi tập trung càng nhiều càng tốt và phải càng minh bạch càng tốt, nhất là mã nguồn và cách quản lý quỹ.
Khác với Bitcoin, Ethereum hay các Blockchain khác, đồng tiền mã hoá được tạo ra trong quá trình đào, còn Pi và cả Stellar ngay từ đầu đã phát hành 100 tỷ.
Pi Core Team sau đó chia số Pi này vào các ví chính, để phát dần cho thành viên qua quá trình đào; các ví này lại có thể tạo ra các ví khác và chuyển Pi vào các ví theo cách mà chưa thể kiểm chứng được.
Ví của Pi Core Team với 20 tỷ Pi ngày 31/12/2020 đã chia nhỏ ra 10.000 ví khác mỗi ví có 2 triệu Pi, việc tách nhỏ ví này ra cũng chưa rõ để làm gì và sử dụng chúng như thế nào.
Pi Core Team tùy ý có thể tạo ra các tài khoản (ví) và gán cho số dư bất kỳ mà không có smart contract để kiểm soát, cũng như không có các tổ chức cộng đồng DAO (Decentralized Autonomous Organization) để vote trong việc quyết định sử dụng quỹ như thế nào.
Họ có thể ban phát cho bất kỳ ai hay cho chính bản thân hay người nhà của mình một cách tùy ý mà không giám sát được, KYC của các ví cũng chỉ có đội ngũ này biết và không ai có thể biết.
Hiện tại Pi Core Team nắm trong tay 93.6 tỷ Pi, tức 93.6% tổng cung, trong khi cộng đồng 60 triệu người chỉ tham gia và tác động lên thị trường với 1.6% toàn bộ tổng cung, đội ngũ này có thể xả ra thị trường bất cứ lúc nào.
Đây là điều rất nguy hiểm khi toàn bộ thế giới Pi Network đang được kiểm soát bởi 2 người không rõ thông tin pháp nhân.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Minh Tuấn, đây chỉ mới là các thông tin về tình hình dự án Pi đến thời điểm hiện tại, trong tương lai ông hi vọng đội ngũ phát triển dự án sẽ minh bạch hơn, bên cạnh đó sẽ xây dựng được một hệ sinh thái với hàng trăm ứng dụng thực tế như mục tiêu mà dự án đã đặt ra.
Về đầu tư tiền ảo, ông Đặng Minh Tuấn đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về các dự án Blockchain, đặc biệt cần hết sức thận trọng với các dự án thiếu tính minh bạch và có nguy cơ bị kiểm soát tập trung, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Khi dự án đã lên sàn cần rất thận trọng vì với các thủ đoạn bơm-xả tạo sóng, các nhà đầu tư ở Việt Nam không cẩn thận có thể bị các nhà đầu tư lớn lọc lõi ở quốc tế hút hết dòng tiền và như thế tiền sẽ bị chảy ra nước ngoài.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/pi-network-la-mot-du-an-thieu-tinh-minh-bach-2374824.html