Tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT bổ sung nhiều quy định mới tạo hành lang thuận lợi phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.
Theo Bộ GTVT, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) tập trung vào các vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá, nhằm huy động tối đa nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt. Đồng thời ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đường sắt.
Dự thảo bổ sung mới quy định một số sản phẩm công nghiệp đường sắt thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, tạo hành lang phát triển công nghiệp, nhân lực đường sắt (Ảnh: minh hoạ).
Dự án đầu tư xây dựng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt có gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế phải có điều kiện ràng buộc nhà thầu nước ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và từng bước làm chủ công nghệ.
Nhà thầu, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường sắt và dự án mua sắm, đóng mới đầu máy, toa xe phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp nhằm tạo điều kiện thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, qua đó tạo ra thị trường đủ lớn góp phần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; bổ sung tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.
Cùng đó, quy định một số chính sách đặc thù cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt để đảm bảo thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp đi tiên phong yên tâm trong việc đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt trong nước.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi các quy định hiện hành về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt. Với mục tiêu sớm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đường sắt, đáp ứng nhu cầu triển khai đầu tư xây dựng, vận hành các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, đường sắt đô thị trong thời gian tới.
Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt được quyết định lựa chọn hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa.
Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/sua-luat-tao-hanh-lang-phap-ly-phat-trien-cong-nghiep-duong-sat-192250225080338439.htm