Thời trang tuần hoàn – Xu hướng tất yếu
The Fashion ReModel là một dự án trình diễn mang tính đột phá, giúp các thương hiệu thời trang hàng đầu tìm kiếm giải pháp mở rộng quy mô mô hình kinh doanh tuần hoàn, từ đó giảm sự phụ thuộc vào sản xuất mới. Dự án này không chỉ góp phần giảm thiểu tác động môi trường, mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang phát triển bền vững hơn.
Các thương hiệu tham gia chương trình cam kết gia tăng tỷ lệ doanh thu từ mô hình tuần hoàn trong ba năm tới và báo cáo tiến độ hàng năm lên Quỹ Ellen MacArthur. Nếu được nhân rộng, mô hình này có thể giúp ngành dệt may giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, thay đổi xu hướng tiêu dùng và tạo ra một phương thức tăng trưởng kinh tế mới.
Bà Christiane Dolva, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Trình diễn của Quỹ H&M nhấn mạnh: “Doanh thu phải được tách biệt khỏi việc sản xuất mới và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Không có con đường khả thi nào để đạt được các mục tiêu khí hậu và đa dạng sinh học toàn cầu nếu không thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại.”
Thúc đẩy ngành thời trang tiến tới kinh tế tuần hoàn
Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cách thức kinh doanh của một số thương hiệu, The Fashion ReModel còn hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng và tạo điều kiện để toàn ngành thời trang chuyển đổi sang mô hình bền vững hơn.
Bà Jules Lennon, Trưởng bộ phận Thời trang tại Quỹ Ellen MacArthur, cho biết: “Để nền kinh tế tuần hoàn trong thời trang trở thành chuẩn mực, chúng ta cần đẩy nhanh những nỗ lực không chỉ trong thiết kế sản phẩm mà còn trong cách thức kinh doanh và dịch vụ vận hành. Thay vì bị vứt bỏ sau một lần mặc, quần áo cần được sử dụng nhiều lần, gắn liền với cuộc sống của nhiều người.”
Việc Quỹ H&M tài trợ cho The Fashion ReModel thể hiện cam kết mạnh mẽ của tổ chức này trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững của ngành thời trang. Thông qua hợp tác và đổi mới sáng tạo, dự án này sẽ góp phần xây dựng một tương lai thời trang thân thiện hơn với môi trường, đồng thời mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trong ngành.
Doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm đến Việt Nam trong lĩnh vực tái chế vải
Sự chuyển đổi mạnh mẽ sang thời trang tuần hoàn không chỉ diễn ra ở các thương hiệu lớn mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp tái chế dệt may trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ lợi thế về sản xuất và cam kết phát triển kinh tế tuần hoàn.
Hiện, Tập đoàn Syre – một doanh nghiệp Thụy Điển chuyên sản xuất polyester tái chế công nghệ cao, về dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao. Đây là dự án có quy mô đầu tư từ 700 triệu – 1 tỷ USD, với mục tiêu thiết lập trung tâm toàn cầu đầu tiên cho ngành dệt may tuần hoàn, áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn Mỹ và EU, hướng đến mô hình Net Zero.
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre, ngày 19/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam không chỉ tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu mà còn phải tích cực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn. Theo Bộ trưởng, những đề xuất của Tập đoàn Syre đưa ra đều đáp ứng được động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới là đầu tư và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ dự án này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, việc nhập khẩu tái chế thì vấn đề môi trường là quan trọng nhất, vì thế, Việt Nam rất quan tâm về những công nghệ mà Tập đoàn Syre sẽ áp dụng trong quá trình sản xuất và các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp, hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, các công nghệ này cần bảo đảm sạch, an toàn cho môi trường, đáp ứng về việc xử lý nước thải và rác thải của dự án. Bên cạnh đó, việc lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ có thể nội địa hóa hoặc kết nối các doanh nghiệp trong nước để cùng thực hiện mục tiêu của dự án. Đặc biệt, dự án cần chứng minh được hiệu quả về kinh tế xã hội đối với Việt Nam.
Dự án này, nếu thành công, không chỉ giúp Việt Nam trở thành trung tâm tái chế vải vóc hàng đầu khu vực, mà còn mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều doanh nghiệp dệt may châu Âu quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thời trang tuần hoàn và tái chế nguyên liệu.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/thuy-dien-thuc-day-mo-hinh-thoi-trang-tuan-hoan.html