Khi cơ sở nghiên cứu có nguồn lực ổn định, nhà khoa học, doanh nghiệp được giảm bớt gánh nặng thuế phí, chất lượng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ được kỳ vọng sẽ nâng cao.
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững, Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ những rào cản trong đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng.
Thực tiễn triển khai nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ.
Trước yêu cầu đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt nhằm tạo đột phá cho lĩnh vực này.
Vướng mắc cản trở nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
Một trong những thách thức lớn hiện nay là chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính chưa đủ mạnh để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các cơ sở nghiên cứu, giáo dục, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tổ chức hồi đầu tháng 2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, chi cho khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2024 còn khiêm tốn, dao động quanh mức 1,37% – 1,97% và dự kiến đạt 2% vào năm 2025.
Mặc dù có quy định từ nhiều luật khác nhau như Luật Khoa học công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, sự thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật đang gây khó khăn cho việc bố trí, phân bổ và thanh quyết toán các dự án.
Đặc biệt, cơ chế phối hợp giữa các tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp chưa chặt chẽ, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp dành cho các nhà khoa học và những nhiệm vụ có tính chất liên vùng hay liên ngành.

Chia sẻ thêm góc nhìn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế pháp luật là giải pháp đầu tiên và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Những bất cập về đầu tư, tài chính, thuế, sở hữu trí tuệ, chia sẻ dữ liệu và đào tạo nhân lực đang cản trở quá trình triển khai đổi mới sáng tạo. Do đó, cần sớm sửa đổi đồng bộ các quy định liên quan để Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống.
Gắn bó trực tiếp với hoạt động R&D tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam Suk Ji-won cho rằng, để thu hút và giữ chân đội ngũ chuyên gia nước ngoài, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ toàn diện về thị thực, thuế, nhà ở, y tế và giáo dục cho gia đình họ.
Đồng thời, những chính sách tương tự cũng nên áp dụng cho nhân lực xuất sắc trong nước và chuyên gia được doanh nghiệp cử sang Việt Nam làm việc.
Giảm thuế, khoán chi tạo động lực cho đổi mới sáng tạo
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hai trong số các chính sách, cơ chế thí điểm quan trọng của nghị quyết này là ưu đãi thuế và áp dụng cơ chế khoán chi cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Về chính sách thuế, nghị quyết cho phép các khoản đầu tư, tài trợ từ doanh nghiệp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.
Đây là bước tiến đáng kể, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho R&D mà không lo gia tăng gánh nặng thuế.
Bên cạnh đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước sẽ không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Song hành cùng ưu đãi thuế, cơ chế khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cũng được áp dụng.
Tổ chức chủ trì nghiên cứu khoa học được tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí trong trường hợp cần thiết để thuê chuyên gia, tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, mua nguyên liệu, vật tư, điều tra, khảo sát thu thập số liệu,…
Nhà nước sẽ ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua các quỹ khoa học và công nghệ.
Các quỹ khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế quỹ. Dự toán ngân sách cũng được điều chỉnh linh hoạt, có phần ước tính kinh phí tăng thêm khi có thay đổi về chính sách, chế độ có liên quan cũng như chi phí do trượt giá.
Những đổi mới trong chính sách không chỉ tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn mà còn tạo động lực mới cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Khi doanh nghiệp được giảm gánh nặng thuế, nhà khoa học an tâm với thu nhập, cơ sở nghiên cứu có nguồn lực ổn định, chất lượng và nguồn lực dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ được kỳ vọng sẽ tăng lên.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/giam-thue-khoan-chi-de-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-2373714.html