Ngày 25/2, UBND TP Hồ Chí Minh và Tổng lãnh sự quán Anh tại TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại TP Hồ Chí Minh”.
Báo cáo của Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng đánh giá, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đứng trước yêu cầu của Trung ương về mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2025 theo kết luận số 49-KL/TW. Ước tính, với các chính sách hiện hành, cả 2 thành phố có thể mất tới 100 năm mới đạt được mục tiêu này.

Trong bối cảnh đó, TOD đóng vai trò chiến lược quan trọng để đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, Nghị quyết 98 cho phép TP Hồ Chí Minh có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mô hình TOD. Riêng thí điểm cơ chế cho phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được thông qua mới đây, vào ngày 19/2/2025.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng tham vấn một số khó khăn để triển khai mô hình TOD cho TP Hồ Chí Minh, bao gồm các khung về pháp lý, thể chế vẫn chưa rõ ràng; Lồng ghép quy hoạch sử dụng đất và giao thông gây khó khăn; chưa có cơ chế huy động vốn cho TOD;…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2024-2028 TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển đô thị theo mô hình TOD tại 11 khu vực dọc các tuyến metro và Vành đai 3. Trong đó, 9 vị trí sẽ được thành phố thực hiện ngay trong năm 2024-2025.
Theo ông Cường, TOD sẽ tạo cơ hội cho thành phố định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị. Mô hình này lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố đang khẩn trương vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 15/NQ-QH đã được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025. Dù vậy, ông Tuấn cũng chia sẻ: các vấn đề về giải pháp tổ chức triển khai vận dụng cơ chế như thế nào cho hiệu quả? Giải pháp phân kỳ phát triển; tổ chức nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa như thế nào? Xác định các khu vực ưu tiên thực thi?. Đây là các vấn đề đang đặt ra đối với chính quyền thành phố.

Về giải pháp để triển khai mô hình TOD, đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, cần phải sắp xếp lại các tuyến xe buýt hỗ trợ hệ thống đường sắt đô thị; xem xét khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị; Nâng cao năng lực kỹ thuật và đào tạo nhân lực quản lý đô thị và khai thác hệ thống giao thông đô thị theo mô hình TOD.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng tích cực để rà soát quy hoạch và xác định quỹ đất. Điều chỉnh các phân vùng chức năng, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và áp dụng các giải pháp tối ưu hóa không gian khu vực nhà ga để tăng hiệu quả sử dụng đất và tích hợp cao.
Đối với Nghị quyết 15/NQ-QH cho phép thực hiện các quy định áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh. Trong khu vực TOD, UBND TP Hồ Chí Minh được thu và sử dụng 100% đối với các khoản thu để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Trong đó, có tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD; Tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; Phí cải thiện hạ tầng;…
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong triển khai mô hình TOD, bà Alexandra Smith – Tổng lãnh sự Anh tại TP Hồ Chí Minh cho biết, nước Anh đã triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng rất thành công. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và Tổng lãnh sự Anh tại TP Hồ Chí Minh đang hợp tác chặt chẽ để giúp thành phố triển khai thuận lợi mô hình này.
Theo ông Lê Minh Thành, Quản lý chương trình FCDO GCIP, phát triển đô thị theo định hướng TOD hiện nay phù hợp vơi các đô thị có mật độ dân số cao, như Tokyo, Hongkong, Singapore, Thượng Hải, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Về dài hạn, sẽ giúp các đô thị nâng cao hệ số sử dụng đất; linh hoạt các chức năng sử dụng đất (thương mại, văn phòng, nhà ở, giải trí và dịch vụ tiện ích công cộng), giảm số lượng và chiều dài chuyến đi hàng ngày;…
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cũng hiến kế nhiều giải pháp để TP Hồ Chí Minh phát triển đô thị theo hướng mô hình TOD. Từ đó, giúp đô thị đông dân nhất của Việt Nam tăng cường khả năng tiếp cận, giảm ùn tắc giao thông, thời gian và chi phí đi lại; Thu hút giao thông công cộng, nâng cao an toàn giao thông, giảm ô nhiễm khí và tiếng ồn, cũng như cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-tim-giai-phap-phat-trien-giao-thong-cong-cong-10300494.html