Trước đây, cây mía ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được xem là cây trồng chủ lực của ở địa phương diện tích trồng lên đến trên 11.000ha. Gần đây, do chi phí đầu tư cao, thu nhập thấp nên các hộ dân lại chuyển sang trồng sắn, keo và một số cây trồng khác dẫn tới diện tích giảm mạnh.
Những ngày cuối tháng 2, PV báo Dân Việt đã có dịp về các cánh đồng sản xuất mía ở xã Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Thượng, Ninh Tây,… của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) không khí sản xuất mía, thu hoạch mía của các nông dân có phần ảm đạm hơn so với trước đây, một số diện tích được nông dân chọn lựa cây sắn để thay thế.

Những năm gần đây, bà con nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) trồng mía gặp không ít khó khăn. Ảnh: Công Tâm.
Anh Lê Công Thời – công chức địa chính xã Ninh Tây cho biết, niên vụ sản xuất mía năm 2024 – 2025 bà con và doanh nghiệp trồng được 1.230ha.
So với năm trước diện tích mía giảm khoảng 50ha, do bà con chuyển diện tích trồng mía sang trồng mì.
Anh Thời cho biết thêm, cây mía được xem là cây chủ lực của xã, nếu vào những năm 2018 bà con ở địa phương trồng diện tích mía rất nhiều và khoảng 3 năm gần đây diện tích trồng mía giảm khoảng 300ha.
Nguyên nhân cứ 1ha mía người nông dân chỉ thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng, trong khi đó cây mía trồng gần cả năm mới cho thu hoạch.
Nông dân trồng mía phải vay vốn của ngân hàng, do thu nhập thấp dẫn đến một số hộ bán đất để trả nợ, một số hộ khác chuyển diện tích trồng mía nên diện tích có phần giảm đi.

Diện tích trồng mía của bà con thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã giảm nhiều so với trước đây
Anh Nguyễn Văn Thái (xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Gia đình tôi trồng 42ha mía, hiện tại đã thu hoạch 10ha mía, sản lượng 60 tấn/ha. So với các hộ khác, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư tưới nước, phân bón, nhưng lãi cũng rất ít. Nếu không có nước tưới chắc chắn sẽ bị thua lỗ, mía nếu có lãi phải từ 70 tấn/ha, còn 60 tấn lãi ít hoặc huề vốn và nếu 50 tấn/ha chắc chắn lỗ nặng”.

Cây mía ở thị xã Ninh Hòa sau khi thu hoạch vẫn chờ xe đến chở về nhà máy
Anh Thái buồn rầu nói, mặc dù năm nay trồng giống mía mới KK3 do Công ty đường Ninh Hòa Biên Hòa giới thiệu, tuy nhiên đến khi thu hoạch bán chỉ có 9 CCS, lâu lâu mới có xe gần 10 chữ đường (CCS). Bên cạnh đó, chi phí đầu tư sản xuất, thu hoạch hiện nay rất cao so với trước đây rất nhiều. Tiền công lao động trước đây 180.000 đồng/người/ngày nay đã tăng thêm 40.000 đồng/người/ngày, tiền cày ruộng mía ngày xưa 1,7 triệu đồng/ha nay 2,1 triệu đồng/ha. Nhẫm tính, năm nay ước tính tiền chi phí đầu tư tăng hơn 10% so với trước đây”.
“Nếu tôi thuê đất sẽ chắc chắn lỗ ngay, mía thu hoạch 50 tấn/ha thì thua lỗ, còn 70 tấn mới có lãi, 60 tấn chỉ huề vốn hoặc lãi ít. Về chữ đường đang giảm dần, năm trước thu hoạch xe chở 11 CCS, nay chỉ khoảng 9 CCS, chặt trên 500 tấn nhưng chưa có xe nào được 10 CCS” Anh Thái trăn trở.
Anh Thái bức xúc, trước đây mía sau khi thu hoạch bán cho nhà máy đường Ninh Hòa Biên Hòa một xe cân khoảng 20 tấn thì nhà máy trừ tiền rác là 3 – 4% thì nay nhà máy này lại trừ 6 – 7% (từ 1 – 1,4 tấn rác). Gia đình anh mặc dù thuê công chặt dọn rác rất kỹ nhưng vẫn trừ của người nông dân khá cao.

Một số bà con ở thị xã Ninh Hòa chuyển từ trồng mía sang trồng mì
Theo chị Lê Thị Vân, cư trú tại xóm Sông Búng, xã Ninh Tân, sau nhiều năm gắn bó với nghề trồng mía, đã từng bước chuyển hướng sang trồng cây sắn và cây keo. 5 năm trước, gia đình chị quản lý 10 ha mía nhưng hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 1 ha. Nguyên nhân chính là do giá mía ở địa phương thấp hơn so với các tỉnh khác.

Nông dân Ninh Hòa bức xúc việc công ty trừ tiền rác mía của bà con quá cao, mỗi xe trừ trên 1 tấn rác mía
Đại diện phòng Kinh tế Ninh Hòa cho biết, diện tích sản xuất mía niên vụ năm 2024 – 2025 trên địa bàn thị xã là 4.558ha, diện tích thu hoạch hiện nay khoảng 1.200ha, năng suất thu hoạch bình quân khoảng 52 tấn/ha, chữ đường bình quân 9 CCS. Trong khi đó, diện tích mía năm trước trên toàn thị xã trên 5.134 ha, năng suất 57,6 tấn/ha, chữ đường bình quân trên 10 CCS.

Diện tích mía ở thị xã Ninh Hòa ngày càng thu hẹp
Năm 2015 diện tích sản xuất mía Ninh Hòa trên 12.000ha, năm 2018 diện tích sản xuất mía 11.200ha, diện tích hiện nay đã giảm rất nhiều. Nguyên nhân năm nay chữ đường giảm do quá trình sinh trưởng cây mía gặp thời tiết không thuận lợi, đầu năm nắng nóng khô hạn kéo dài, cuối năm thì thời tiết lạnh nên chữ đường giảm.
Nguồn: https://danviet.vn/cay-mia-duong-xua-trong-la-liet-o-mot-thi-xa-cua-khanh-hoa-vi-sao-nay-dien-tich-cu-teo-dan-20250224102142544.htm