Hồ sơ có điểm học thuật cao, hoạt động ngoại khóa nhiều nhưng thực tế không ít ứng viên nộp hồ sơ vào các trường đại học Mỹ bị từ chối với những lý do dưới đây.
Du học Mỹ: Học thuật, hoạt động ngoại khóa là quan trọng nhưng chưa phải là tất cả
Trong một hội thảo du học tổ chức mới đây, hai chuyên gia tuyển sinh đã chia sẻ bí quyết ứng tuyển đại học Mỹ thành công.
Theo đó, ông Daniel Chung, cựu phó giám đốc tuyển sinh Đại học Stanford, Đại học Rice, Đại học Swarthmore cho biết, tuyển sinh dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump hiện tại chưa có thay đổi gì nhiều với học sinh, sinh viên Việt Nam. Vì vậy, các em có thể tự tin nộp hồ sơ theo học tại các trường ở Mỹ.
Là người từng đọc hơn 7.000 hồ sơ, ông cho biết, ứng viên cần chuẩn bị nhiều yếu tố khác nhau trong hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ. Các yếu tố này được chia thành ba nhóm chính: Học thuật; hoạt động ngoại khóa và khả năng lãnh đạo; phẩm chất cá nhân.

Ông Daniel Chung. Ảnh: Tào Nga
Trong đó, học thuật gồm điểm SAT/ACT (bài thi chuẩn hóa để xét tuyển đại học Mỹ), IB (chương trình Tú tài quốc tế) hoặc AP (chương trình dự bị đại học Mỹ), bảng điểm và điểm trung bình GPA. Phẩm chất cá nhân được thể hiện thông qua những thông tin được ghi chú ở phần bổ sung trên cổng tuyển sinh chung Common App, bài luận, phỏng vấn và thư giới thiệu.
Theo ông Daniel Chung, điều đầu tiên để nhân viên tuyển sinh chú ý hồ sơ là điểm số học thuật, tiếp đến là thành tích, các cuộc thi tham gia và hoạt động bên ngoài nhà trường.
“Riêng học thuật, các đại học đã có tiêu chí khác nhau nhưng tựu chung đều muốn ứng viên thể hiện sự tò mò, muốn khám phá nhiều hơn về tri thức. Các trường muốn thấy sự đam mê được học, thể hiện qua việc làm nghiên cứu khoa học, podcast, học thêm ngôn ngữ mới hay một khóa trên coursera (nền tảng học trực tuyến)… thay vì lướt mạng xã hội. Ứng viên cũng có thể tham gia các cuộc thi Olympiad, viết blog để chia sẻ với xã hội những thứ bạn đang làm.
“Thường những học sinh thành công là người muốn làm thêm nhiều thứ như vậy. Điều này cho thấy họ có động lực từ bên trong, giúp đi đường dài chứ không phải đối phó với ban tuyển sinh”, ông Daniel Chung phân tích.
Bà Sonam Aidasani, cựu chuyên viên tuyển sinh Đại học Duke, từng đọc và đánh giá của hơn 10.000 học sinh trên toàn thế giới chia sẻ thêm: “Hồ sơ có điểm học thuật cao, hoạt động ngoại khóa nhiều là quan trọng nhưng thực tế có tới 69% hồ sơ nộp vào Đại học Stanford có điểm SAT tối đa 1600 bị từ chối. Đơn giản vì có nhiều yếu tố trường đang tìm kiếm mà ở những học sinh đạt SAT 1600 không có”.
Dẫn chứng thêm tại Đại học Harvard, mỗi năm nhận được 64.000 hồ sơ từ học sinh ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài điểm số, trường còn xét đến các yếu tố khác như hoạt động ngoại khóa hay phẩm chất cá nhân.
Với Đại học Yale, trường ưu tiên những bạn có sự tò mò và sẵn sàng thử các lĩnh vực khác nhau. Họ cho rằng sự sai lầm, thất bại trong học thuật là điều nên có với người đang đi học. Trong khi đó, những trường như Johns Hopkins, Vanderbilt lại tìm kiếm sự hoàn hảo. “Thay vì chỉ chú trọng việc học, hãy làm nhiều thứ khác”, bà Sonam nói thêm.
Du học Mỹ: Các hoạt động, chức danh… hoành tráng nhưng không có tác động thực sự
Về hoạt động ngoại khóa, hai chuyên gia lưu ý ba điểm. Thứ nhất, chất lượng hơn số lượng. Ví dụ một học sinh ở Thụy Điển làm podcast nói về sức khỏe tinh thần và nói trong hồ sơ rằng có độc giả ở 30 quốc gia khác nhau. Tuy nhiên kiểm tra kỹ, nhân viên tuyển sinh thấy chỉ 50 người đăng ký. Nhiều bạn đang có xu hướng cố gắng làm các hoạt động nghe hoành tráng nhưng không có tác động thực sự tới cộng đồng đang hướng tới.
Thứ hai, sự lãnh đạo ý nghĩa. Một học sinh có nhiều chức danh ở trường như trưởng ban, người sáng lập, thủ lĩnh câu lạc bộ, song bạn không cho thấy sức ảnh hưởng của các chức danh này tới khu vực bạn sống. Trong khi đó, Hội đồng tuyển sinh muốn một bạn năng nổ, thích đóng góp cho cộng đồng và các hoạt động phải có chiều sâu. Vì thế, chất lượng và sự ảnh hưởng của hoạt động phải có trong hồ sơ.
Cuối cùng là sự phát triển bản thân. Ứng viên cần thể hiện được hoạt động ngoại khóa đã giúp bạn trưởng thành ra sao, bạn phải đối mặt với những khó khăn gì, học được kỹ năng nào…
Về phẩm chất cá nhân, khía cạnh này được thể hiện thông qua những thông tin được ghi chú ở phần bổ sung trên cổng tuyển sinh chung Common App, bài luận, phỏng vấn và thư giới thiệu.
Với bài luận, ứng viên nên viết nội dung thể hiện những giá trị cốt lõi của bản thân, đặc điểm tính cách, sự chiêm nghiệm và trưởng thành. Hai chuyên gia lưu ý không nhắc lại thông tin hoặc thành tích đã liệt kê trong hồ sơ hoặc dùng từ ngữ xáo rỗng không cần thiết.
Ngoài ra, học sinh cũng cần lưu tâm đến thư giới thiệu vì đây sẽ là nguồn giúp hội đồng tuyển sinh biết được nhà trường và xã hội bên ngoài đánh giá bạn thế nào.
“Hồ sơ của học sinh Việt Nam chưa bộc lộ các tính, sự khác biệt. Ngoài ra, nhiều gia đình Việt Nam muốn xin học bổng vì thích chi trả ít đi chứ không phải cần học bổng vì không có khả năng kinh tế. Điều này sẽ giảm cơ hội trúng tuyển của các em.
Một ngày đọc 100-150 hồ sơ khác nhau, một chu kỳ tuyển sinh đọc tầm 2.000 bộ với mỗi chuyên viên tuyển sinh. Trước mùa tuyển sinh, họ sẽ tìm hiểu, điều tra, nghiên cứu kỹ về vùng họ chịu trách nhiệm xét duyệt hồ sơ. Vì vậy, học sinh cần nắm thông tin chia sẻ trên để có được bộ hồ sơ phù hợp với ngôi trường mình lựa chọn”, bà Sonam tư vấn.
Chia sẻ trong một hội thảo trước đó, ông Konstantin Dubrovsky, Phó tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết: “Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 về số lượng sinh viên học tập tại Mỹ, với gần 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các cơ sở giáo dục của Mỹ và 300.000 sinh viên khác đang tiếp cận tài nguyên giáo dục của Mỹ trực tuyến. Sự trao đổi mạnh mẽ về kiến thức và văn hóa này là minh chứng cho những mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia”.
Nguồn: https://danviet.vn/chuyen-gia-tuyen-sinh-dai-hoc-my-hoc-sinh-viet-nam-dung-de-bi-tu-choi-ho-so-vi-nhung-ly-do-duoi-day-20250225101312063.htm