Năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, EU đưa ra 130 cảnh báo đối với nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Thái Lan bị cảnh báo 74 lần, Indonesia 29 lần, Hàn Quốc 17 lần, Malaysia 9 lần, Nhật Bản 6 lần. Vậy, nguyên nhân từ đâu mà Việt Nam bị EU đưa ra cảnh báo nhiều như vậy?
Vì sao Việt Nam bị EU cảnh báo tới 130 lần?
Thông tin này được ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) đưa ra tại Hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU do Văn phòng SPS Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, ngày 24/2.
Trước đó, ngày 20/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xử lý thông tin liên quan đến việc thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo.
Theo ông Nam, năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, EU đưa ra 130 cảnh báo đối với nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, trong khi Thái Lan bị cảnh báo 74 lần, Indonesia 29 lần, Hàn Quốc 17 lần, Malaysia 9 lần, Nhật Bản 6 lần.

Hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU do Văn phòng SPS Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 20/2. Ảnh: Tùng Đinh
Hơn 2 năm trở lại đây, dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) trong nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU đưa ra cảnh báo nhiều nhất. Cụ thể, năm 2023 38 lần; năm 2024 61 lần; 2 tháng đầu năm 2025 5 lần.
Ô nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm mốc đứng thứ 2 về số lần cảnh báo của EU. Năm 2023 5 lần; năm 2024 5 lần; 2 tháng đầu năm 2025 1 lần.
Ngoài ra, EU cũng đưa ra cảnh báo khi các hoạt chất trong phụ gia thực phẩm, thực phẩm mới, thực phẩm hỗn hợp, chất gây ô nhiễm môi trường… vượt quá mức dư lượng cho phép.
Đối với các sản phẩm thủy sản, sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thực phẩm chế biến của Việt Nam cũng bị EU đưa ra cảnh báo nhiều nhất liên quan đến dư lượng kháng sinh, và ô nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm mốc.
Cũng theo số liệu tổng hợp của Văn phòng SPS Việt Nam từ năm 2023 trở lại đây, TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương của Việt Nam bị EU đưa ra cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm nhiều nhất, lần lượt là 80 lần và 17 lần.
Theo ông Nam, nguyên nhân Việt Nam bị EU đưa ra 130 cảnh báo, do chúng ta vẫn sử dụng thuốc BVTV, phân bón không đúng quy định và vượt mức dư lượng cho phép; chưa kiểm soát được sinh vật gây hại và chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL đối với mỗi hoạt chất của mỗi sản phẩm là khác nhau.
Đối với các vùng nuôi trồng thủy sản, người nuôi vẫn tự ý và lạm dụng kháng sinh, sử dụng không đúng liều lượng và thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh.

Năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, EU đưa ra 130 cảnh báo đối với nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến cũng còn yếu về quy trình đóng gói, kiểm tra nguyên liệu đầu vào, tuân thủ quy trình HACCP. Ngoài ra, chưa tuân thủ các biện pháp SPS về phụ gia thực phẩm, ATTP đối với bao bì sản phẩm…
Cập nhật quy định mới của EU về danh mục “thực phẩm mới”, nhãn mác sản sản phẩm, sản phẩm tổng hợp chưa kịp thời.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Nam, cơ quan quản lý địa phương chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS. Tính đến ngày 20/2/2025, có 18/63 (28,5%) tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện QĐ 534/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án SPS.
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bị cảnh báo chưa được quan tâm đúng mức (chỉ có 63/114, chiếm 55,3%) sản phẩm truy xuất và có kết quả xử lý.
“Siết chặt việc sử dụng thuốc BVTV, kháng sinh”
Để nông sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi vào thị trường EU, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để nâng cao nhận thức, năng lực cho các địa phương, doanh nghiệp, HTX về quy định của EU, Văn phòng SPS Việt Nam phải thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn. Đồng thời xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, hướng dẫn về quy trình trồng trọt, thu hái, bảo quản, đóng gói.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Ông Nguyên cho hay, thời gian qua, một số doanh nghiệp bị một số công ty khác đánh cắp mã số GlobalGAP để xuất khẩu chanh dây và thanh long đi châu Âu. Điều này sẽ rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh nông sản của Việt Nam và uy tín của các doanh nghiệp.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết, tỉnh này mỗi năm xuất khẩu 600.000 tấn thanh long, 200.000 tấn thủy sản, trong đó, thị trường châu Âu chiếm 18-20%. Vì vậy, ông đề nghị, Văn phòng SPS Việt Nam và cơ quan báo chí phải thường xuyên cập nhật thông tin, tăng cường kiểm soát, hướng dẫn, thông báo đến doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến về các quy định của EU.
Theo ông Tấn, để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, chúng ta cần sự vào cuộc của các cơ quan ở Trung ương và địa phương, tham gia không chỉ của ngành nông nghiệp mà phải có sự tham gia của các ban ngành liên quan, Trung tâm Khuyến nông.
Ông Ngô Xuân Nam cũng đưa ra một số giải pháp như: tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, HTX, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU.
Các cơ quan chuyên môn tham mưu Bộ có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm,… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật.
Siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất trong sản xuất nông sản, thủy sản; tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay, việc thực hiện thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn những thay đổi, dự thảo quy định của các quốc gia thành viên WTO là nhiệm vụ thường xuyên của Văn phòng. Đây là cách để đơn vị được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối thông tin về minh bạch thông tin thị trường, các biện pháp kiểm dịch động thực vật hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất khẩu nắm bắt quy định thị trường, đảm bảo hoạt động giao thương vào EU.
“Giai đoạn đầu khi Việt Nam mới gia nhập EU vào năm 2005, có những năm phía bạn đưa ra tới 600 cảnh báo. Nhưng sau khi triển khai hỗ trợ một cách đồng bộ, việc tuân thủ các yêu cầu về nông sản thực phẩm đã được nhận thức và thực hiện một cách chuẩn chỉ hơn”, ông Hòa chia sẻ.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-san-thuc-pham-viet-nam-bi-eu-canh-bao-130-lan-de-xuat-siet-chat-su-dung-thuoc-bvtv-khang-sinh-20250224093918492.htm