Là ngôi trường hiếm hoi có tuổi đời hơn trăm tuổi nằm ngay giữa lòng TP.HCM, Trường THPT Marie Curie nổi tiếng bởi vẻ đẹp giao hòa giữa kiến trúc Pháp với những nét hiện đại, tiếp tục trở thành điểm đến của chương trình Tư vấn mùa thi.
Sáng nay, 24.2, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức cùng Bộ GD-ĐT diễn ra ở Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) – một trong những điểm đến quen thuộc. Đây là ngôi trường hiện có “tuổi đời” 107, song hành cùng chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Quý Đôn là những cơ sở đại diện cho lịch sử giáo dục hơn trăm năm tại TP.HCM.

Thành lập năm 1918, Trường THPT Marie Curie thời ấy mang tên Lycée Marie Curie, chỉ dành riêng cho nữ sinh trung học người Pháp và một số ít con em người Việt có xuất thân giàu có, quyền quý. Trải qua nhiều biến cố và đổi tên, năm 1948, trường trở lại với tên gọi Trung học Marie Curie – nữ bác học từng hai lần đoạt giải Nobel vật lý, hóa học. Đến năm 1970, trường tiếp nhận thêm nam sinh

Tới năm 1997, Trường THPT Marie Curie chuyển thành trường bán công và trở thành trường trung học bán công lớn nhất nước. Năm 2007, trường chuyển đổi lại thành THPT công lập, giảm tiếp nhận học sinh để nâng cao chất lượng, sau đó được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh của TP.HCM vào 2015. Hiện nhà trường có 8 khu với đa dạng chức năng, trong đó có phòng gym, phòng sinh hoạt đa năng hay phòng truyền thống. Một số dãy được xây mới sau năm 1975 nhưng vẫn tuân theo lối kiến trúc ban đầu

Trường Marie Curie có nhiều cựu học sinh thành đạt và từng giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, cựu Đại sứ Việt Nam ở châu Âu Tôn Nữ Thị Ninh cùng với đó là những gương mặt thành danh như kỹ sư hạt nhân Hoàng Xuân Hòa, nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng, nữ ca sĩ Đông Nhi… Tại khu vực trung tâm, trường còn đặt bảng tuyên dương ghi nhận thành tích của những giáo viên, học sinh xuất sắc và đính kèm các mã QR để truy cập và tìm hiểu thêm thông tin từng người trên Google Drive

Một góc khu cầu thang gỗ và tay vịn có tuổi đời hơn trăm tuổi ở trường, cùng với các biển hiệu nhắc nhở học sinh đã nhuốm màu thời gian

Dãy hành lang phòng học được lát gạch men kiểu ca-rô, có lắp đèn phía trên trần nhà và xây nhiều cửa sổ lớn để đón nắng, gió nhằm tạo một không gian thoáng đãng cho cả giáo viên lẫn học sinh

Các tông đỏ, vàng và trắng là màu chủ đạo của toàn bộ kiến trúc Trường THPT Marie Curie, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái cho việc học tập, vui chơi. Phía bên ngoài các dãy hàng lang còn có nhiều hình đắp nổi đậm nét kiến trúc Pháp, góp phần tạo cảm giác uyển chuyển, tinh tế, không bị nặng nề

Được bao quanh bởi những tòa nhà cao tầng hiện đại, trường càng khiến học sinh mê mẩn bởi vẻ cổ kính hiếm có được điểm xuyết bởi bao sắc màu hoa lá

Một góc căn tin và khu nhà ăn bán trú tại Trường THPT Marie Curie. Đây là khu vực khiến nhiều người choáng ngợp không chỉ bởi không gian rộng rãi mà còn vì hàng chục loại đồ ăn, thức uống khác nhau được bày bán từ bữa sáng tới bữa trưa. Trong đó, không thể thiếu các món khoái khẩu của giới trẻ như trà sữa, xúc xích nướng giấy bạc…

Những phần mì xào thập cẩm với thịt, trứng và rau xanh đầy đủ dinh dưỡng được nhân viên căn tin chuẩn bị trước khi đến giờ ra chơi để sẵn sàng phục vụ học sinh

Phòng giám thị không mang không khí nghiêm khắc mà gần gũi với học trò với gấu bông và nhiều vật phẩm trang trí dễ thương. Ngoài ra, trong khuôn viên trường còn gắn nhiều máy có chức năng nhận diện khuôn mặt để hiện đại hóa thao tác điểm danh

Sân trường rợp bóng cây xanh, trong đó nhiều cây xà cừ hơn 100 tuổi được trồng từ những ngày đầu trường thành lập vẫn xanh tốt. Một phần sân trường cũng được thiết kế lại thành sân bóng rổ chuyên nghiệp để phục vụ các hoạt động thể thao. Ngoài ra, trường cũng đầu tư thêm sân pickleball, sân chạy bộ… cho học trò

Sáng nay là dịp đặc biệt với ngôi trường 107 năm tuổi khi tiếp tục là nơi tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi – hoạt động có truyền thống 27 năm tổ chức của Báo Thanh Niên. Tại đây, học sinh các khối lớp đã được giải đáp nhiều thắc mắc về các kỳ thi đánh giá năng lực, phương thức tuyển sinh ĐH, cơ hội nghề nghiệp bởi ban tư vấn gồm: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính (đứng), Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM); tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (bìa trái), Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM); thạc sĩ Tào Hữu Đạt (bìa phải), Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sài Gòn

Một học sinh cuối cấp Trường THPT Marie Curie đặt các câu hỏi cho ban tư vấn về cơ hội việc làm những ngành hiếm người học hiện nay là tôn giáo học, văn hóa học

Nữ sinh vui tươi trong tà áo dài trắng thướt tha

Nam sinh tụ họp chơi đá cầu trong giờ ra chơi tại ngôi trường hơn trăm tuổi

Giáo viên nước ngoài ngồi nghỉ trong khuôn viên trường
Sau khi kết thúc chương trình tại Trường THPT Marie Curie, chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 27 sẽ tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) và Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) vào cuối tuần này, lần lượt vào các ngày 1 và 2.3. Ngoài theo dõi trực tiếp tại điểm trường, bạn đọc còn có thể đặt câu hỏi trên nhiều kênh tường thuật trực tuyến của Báo Thanh Niên như: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/an-tuong-ve-dep-hien-dai-trong-ngoi-truong-hon-tram-tuoi-hiem-hoi-o-tphcm-185250224143849474.htm