Bộ Y tế hiện đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, trong đó đề xuất một số thay đổi về thời gian và nội dung thực hành nhằm cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.
Tin mới y tế ngày 22/2: Đề xuất mới về cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh
Bộ Y tế hiện đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, trong đó đề xuất một số thay đổi về thời gian và nội dung thực hành nhằm cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.
Đề xuất mới về thời gian và nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh
Bộ Y tế hiện đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, trong đó đề xuất một số thay đổi về thời gian và nội dung thực hành nhằm cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.
Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết về các vấn đề như cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám, chữa bệnh; quản lý thiết bị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám chữa bệnh trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp, cùng các điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quy định về lộ trình thực hiện các quy định chuyển tiếp liên quan đến giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi một số quy định về thời gian và nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.
Cụ thể, đối với bác sỹ, thời gian thực hành tổng cộng là 12 tháng, trong đó bao gồm 9 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và 3 tháng thực hành chuyên môn về hồi sức cấp cứu.
Đối với y sỹ, tổng thời gian thực hành là 9 tháng, bao gồm 6 tháng thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và 3 tháng thực hành chuyên môn về hồi sức cấp cứu.
Đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, tổng thời gian thực hành là 6 tháng, trong đó 5 tháng là thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và 1 tháng về hồi sức cấp cứu.
Đối với dinh dưỡng lâm sàng và cấp cứu viên ngoại viện, thời gian thực hành là 6 tháng, trong đó cấp cứu viên ngoại viện có 3 tháng thực hành chuyên môn cấp cứu ngoại viện và 3 tháng về hồi sức cấp cứu. Đối với tâm lý lâm sàng, thời gian thực hành là 9 tháng.
Trong suốt quá trình thực hành, các người hành nghề cũng sẽ được hướng dẫn về các quy định pháp luật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh và kỹ năng giao tiếp.
Bộ Y tế cũng đề xuất việc cơ sở thực hành xây dựng nội dung thực hành cụ thể cho từng chức danh chuyên môn và đảm bảo rằng tối thiểu 70% số lượng kỹ thuật cơ bản thuộc phạm vi hành nghề của chức danh tương ứng phải được thực hành. Điều này chỉ áp dụng đối với các trường hợp cấp mới giấy phép hành nghề.
Nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh với 18 tiêu chuẩn lâm sàng
Mới đây, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia từ các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Hội chuyên ngành để bàn về việc xây dựng khung tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng trong khám, chữa bệnh.
![]() |
Bên cạnh 83 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện, tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng là yếu tố cốt lõi để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh với người bệnh làm trung tâm. |
Theo Điều 58, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, tiêu chuẩn chất lượng là các yêu cầu về quản lý và chuyên môn kỹ thuật, làm cơ sở để đánh giá chất lượng dịch vụ kỹ thuật hoặc chuyên khoa, hoặc chất lượng tổng thể của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động.
Các tiêu chuẩn này bao gồm tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, và tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.
TS.Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết Cục đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu, xây dựng và triển khai các Tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng. Các tiêu chuẩn này được xây dựng cho từng bệnh, dịch vụ kỹ thuật hoặc chuyên khoa, nhằm đo lường và đánh giá chất lượng điều trị.
Mỗi tiêu chuẩn là một khuyến cáo mang tính đại cương, kết hợp cả thông tin định tính và định lượng, với các chỉ số khác nhau để đánh giá xem tiêu chuẩn đó có đạt yêu cầu hay không. Các vấn đề được đánh giá trong tiêu chuẩn chất lượng bao quát tất cả các khía cạnh liên quan đến một bệnh, từ chẩn đoán, xét nghiệm, thăm dò chức năng đến điều trị, tư vấn, chăm sóc và dự phòng tái phát.
Ngoài ra, các yếu tố điều kiện ảnh hưởng đến quá trình điều trị và chăm sóc người bệnh, như cơ sở vật chất, thiết bị và nhân lực, cũng sẽ được đánh giá. Những yếu tố này có thể được đánh giá riêng biệt hoặc lồng ghép vào các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng.
Theo TS.Lương, hiện Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang dự thảo 18 khung tiêu chuẩn chất lượng, được chia thành các chuyên đề cụ thể để các chuyên gia đóng góp ý kiến.
Các khung tiêu chuẩn bao gồm: Cơ sở hạ tầng; thiết bị; nguồn nhân lực; hướng dẫn và phác đồ điều trị; quy trình kỹ thuật và giám sát thực hiện; hoạt động chuyên môn; kết quả chuyên môn, chỉ số chất lượng; hệ thống theo dõi người bệnh; an toàn người bệnh; chăm sóc người bệnh; tôn trọng quyền và nhân phẩm người bệnh; phục hồi chức năng…
GS-TS.Đỗ Tất Cường, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc nhấn mạnh rằng, bên cạnh 83 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện, tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng là yếu tố cốt lõi để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh với người bệnh làm trung tâm.
GS-TS.Nguyễn Văn Chi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng việc xây dựng khung tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý chất lượng. Việc lượng hóa chất lượng lâm sàng, ví dụ như trong chuyên ngành đột quỵ, đã giúp nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ.
Các chuyên gia đều thống nhất rằng việc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng là cần thiết để làm công cụ đo lường, giúp nâng cao chất lượng điều trị. Mỗi khung tiêu chuẩn cần có các chỉ số đánh giá rõ ràng, dễ dàng triển khai và thực hiện.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất cần phối hợp với các Hội chuyên khoa để bám sát và cập nhật các hướng dẫn, khuyến cáo mới nhất về tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng. Điều này sẽ đảm bảo rằng các tiêu chuẩn này không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong nước mà còn phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
TP.HCM thành lập mô hình y tế chuyên sâu đầu tiên tại Việt Nam
Sở Y tế TP.HCM đã công bố thông tin về Cụm Y tế Tân Kiên, một mô hình y tế chuyên sâu đầu tiên tại Việt Nam. Đây là “campus y tế” đầu tiên tại quốc gia, được xây dựng theo mô hình Viện – Trường, kết hợp giữa các bệnh viện lớn, cơ sở y tế và các trường đại học ngành sức khỏe tại TPHCM.
Cụm Y tế Tân Kiên, được quy hoạch trên diện tích hơn 73ha tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tạo môi trường đào tạo và nghiên cứu y học tiên tiến.
Cụm y tế này có thể giảm tải cho các bệnh viện trung tâm thành phố và phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân ở các tỉnh lân cận. Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, đã đi vào hoạt động tại đây từ tháng 7/2021, với quy mô 300 giường bệnh, cung cấp các kỹ thuật chuyên sâu như hóa trị liệu, ghép tế bào gốc, xét nghiệm di truyền học phân tử và chẩn đoán hình ảnh hiện đại.
Trung tâm Pháp y TP.HCM, khánh thành từ tháng 4/2023, là trung tâm tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào giám định pháp y, với các dịch vụ như tầm soát độc chất, xác định huyết thống, và giám định ADN.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) dự kiến khánh thành trong năm 2025, sẽ là một khu phức hợp đầy đủ, từ giảng đường, thư viện đến các cơ sở phụ trợ.
Bệnh viện Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, quy mô 500 giường (giai đoạn 1), cùng các trung tâm nghiên cứu y tế sẽ giúp mở rộng năng lực đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho TP.HCM mà cả các tỉnh phía Nam.
Với sự phát triển hạ tầng hiện đại, TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch phân khu cho giai đoạn 2, mở rộng diện tích từ 55,03 ha lên 73 ha.
Các dự án bổ sung như Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Chấn thương, Ngân hàng Máu và các trung tâm xét nghiệm sẽ được triển khai để phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Cụm Y tế Tân Kiên sẽ được xây dựng theo mô hình y tế xanh, bao gồm công viên, sân thể dục thể thao và các khu dịch vụ công cộng. Khu vực này cũng sẽ kết nối với tuyến đường Vành đai 3 và hệ thống Metro số 3, giúp tạo môi trường sống và làm việc thuận lợi.
Với mục tiêu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN trong tương lai, Cụm Y tế Tân Kiên không chỉ đóng góp vào sự phát triển của TPHCM mà còn cho cả mạng lưới y tế quốc gia.
Khánh thành khu Hồi sức sơ sinh chuẩn Châu Âu
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện Từ Dũ và 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025), Bệnh viện Từ Dũ đã chính thức khánh thành khu Hồi sức sơ sinh chuẩn Châu Âu. Mục tiêu của khu hồi sức này là nâng cao tỷ lệ nuôi sống trẻ non tháng, đặc biệt là trẻ cực non từ 24-28 tuần.
Khu hồi sức sơ sinh mới được trang bị cơ sở vật chất hiện đại và các thiết bị tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non.
Trước đó, vào ngày 12/6/2024, Trung tâm Hồi sức Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ đã được Hội đồng Hồi sức Châu Âu trao chứng nhận đạt chuẩn Hồi sức sơ sinh Châu Âu, là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sỹ trong việc bảo vệ sự sống cho những mầm non tương lai.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM bày tỏ sự vui mừng khi Bệnh viện Từ Dũ chính thức khánh thành Trung tâm Hồi sức sơ sinh chuẩn Châu Âu sau nhiều năm chờ đợi từ phía Sở Y tế TP.HCM. Theo ông Thượng, hồi sức sơ sinh có 4 cấp độ, và với việc sở hữu Trung tâm hồi sức sơ sinh chuẩn Châu Âu, Bệnh viện Từ Dũ có thể tiếp nhận tất cả trường hợp trẻ sinh non hoặc trẻ đủ tháng có bệnh lý cần can thiệp y tế.
“Trung tâm hồi sức sơ sinh chuẩn Châu Âu không chỉ giúp triển khai các kíp chuyên sâu về sơ sinh mà còn là nơi nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, góp phần phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM,” ông Thượng nhấn mạnh.
Hiện tại, Bệnh viện Từ Dũ có tỷ lệ tử vong mẹ duy trì ở mức thấp, đạt 2,9/100.000 ca sinh vào năm 2024, giảm mạnh từ 97/100.000 ca vào năm 2000. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Nam Á (172/100.000 ca) và thế giới (227/100.000 ca).
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-222-de-xuat-moi-ve-cap-giay-phep-hanh-nghe-kham-chua-benh-d248315.html