Theo kết quả điều tra giữa kỳ dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê mới công bố, mức sinh của người Việt năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ – mức thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử. Đây là năm thứ hai mức sinh tiếp tục giảm dưới 2 con/phụ nữ.

Hầu hết người lao động mong muốn chế độ tiền lương có thể đủ tích lũy để mua nhà, trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học thành tài. Trong ảnh: gia đình anh Trọng Quỳnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dịp cuối tuần đưa con và các cháu tham quan Thảo cầm viên – Ảnh: TỰ TRUNG
Tổng cục Thống kê đánh giá năm 2024 tổng tỉ suất sinh của Việt Nam thấp hơn so với trung bình của các nước Đông Nam Á (2 con/phụ nữ).
Mức sinh của Việt Nam chỉ cao hơn 4 nước trong khu vực là Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con), Thái Lan và Singapore (1 con/phụ nữ).
GS Nguyễn Đình Cử – nguyên viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) – bày tỏ vui mừng khi Bộ Chính trị đã đồng ý với chủ trương không kỷ luật đối với trường hợp sinh con thứ ba trở lên.
Ông Cử cho hay cách đây 10 năm, ông từng chia sẻ về việc cần thay đổi chính sách về dân số. “Trước đó, chính sách kế hoạch hóa gia đình nhằm giới hạn mức sinh, lo ngại tình trạng bùng nổ dân số. Còn hiện nay, chúng ta chuyển qua giai đoạn phát triển dân số bền vững và phải giải quyết tình trạng mức sinh thay thế thấp nhất trong lịch sử.
Việc “gỡ bỏ” quy định giới hạn số con là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh việc không kỷ luật khi sinh con thứ ba thì các cơ quan cần tiếp tục rà soát các văn bản có giới hạn số con được sinh ra để đồng bộ”, ông Cử bày tỏ.
Cũng theo chuyên gia này, cả nước có hơn 5,6 triệu đảng viên, quy định “không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên” không chỉ tác động đến nhóm người này mà phạm vi ảnh hưởng có tính tổng thể.
Nếu được thực thi, quy định trên mang tính đột phá trong chính sách sẽ góp phần cải thiện, ngăn đà giảm sinh hiện nay, “mở đường” cho việc sửa đổi các quy định khác. Cụ thể là sửa đổi Pháp lệnh Dân số năm 2008 và xây dựng Luật Dân số, tạo nên quy định đồng bộ trong hệ thống chính trị.
Còn GS.TS Giang Thanh Long cho hay nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang rơi vào tình trạng không duy trì được mức sinh thay thế.
“Hiện Việt Nam mức sinh thay thế mặc dù có giảm nhưng chúng ta cũng không nên quá “hấp tấp” mà cần tính toán dài hạn, tăng cường chính sách an sinh xã hội để khuyến khích người trong độ tuổi kết hôn và sinh con, nhất là thanh niên”, ông Long nói thêm.
Cũng theo ông Long, với các tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, người lao động đến đó làm việc, sinh sống, lập gia đình và đóng góp cho sự phát triển của các công ty, cụm, khu công nghiệp và kinh tế của tỉnh.
“Địa phương và các doanh nghiệp cần trích một phần doanh thu để làm nhiệm vụ an sinh xã hội như xây thêm nhà ở, trường học, nhà trẻ. Như vậy người lao động có thể an tâm làm việc lâu dài, doanh nghiệp có nguồn lao động ổn định”, ông Long gợi ý.
Giải pháp thích ứng với dân số già
Dự báo chỉ số già hóa có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới. Cụ thể, kết quả điều tra dân số năm 2024 chỉ ra số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người (tương ứng gấp 1,25 lần) so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần) so với năm 2014.
Dự báo đến năm 2030 số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Theo ông Nguyễn Trung Anh – giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, mức sinh thấp và dân số già sẽ tác động lên cấu trúc gia đình với mô hình “4-2-1” – tức 4 người là ông bà nội ngoại và 2 người là bố mẹ sẽ trông đợi vào sự chăm sóc của 1 người là con cháu trong gia đình.
Ông Anh cũng cho rằng người cao tuổi sẽ được chăm sóc tốt hơn, giảm chi phí hơn khi được người thân chăm sóc. Song với cấu trúc gia đình hiện tại, người già cần được hệ thống y tế, đội ngũ trợ giúp, đồng hành.
“Trước khi trở thành người cao tuổi, mỗi người cần chăm sóc sức khỏe thường xuyên, thực hiện lối sống lành mạnh để giảm gánh nặng bệnh tật trong tương lai. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cần bắt nhịp với tình trạng già hóa dân số. Cần có thêm những trung tâm chăm sóc cho người cao tuổi, viện dưỡng lão…”, ông Nguyễn Trung Anh nói thêm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/muc-sinh-thay-the-o-viet-nam-giam-nhung-khong-nen-hap-tap-can-tinh-toan-dai-han-2025022308133444.htm