Lễ cúng Thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hằng năm.
Lễ cúng rừng thiêng liêng
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng Âm lịch hằng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu rừng cấm, rừng thiêng để cùng tổ chức lễ cúng Thần rừng.
Dù đời sống ngày càng hiện đại và có nhiều đổi thay nhưng nhiều năm nay, người Mông Nà Hẩu vẫn duy trì tục lệ tốt đẹp này bởi những ý nghĩa thiêng liêng.



Đây là phong tục độc đáo, là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn đến thần rừng, cầu chúc một năm mưa thuận gió hòa, bà con no ấm.
Lễ cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng” của đồng bào dân tộc Mông Nà Hẩu được mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ.
Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống – mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.
Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương, 8 hướng và khấn mời Thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Sau đó, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ khác lên gốc cây cổ thụ.
Ông Vũ Xuân Bá, Bí thư Đảng bộ xã Nà Hẩu cho biết: “Nghi lễ không chỉ có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, giúp bảo tồn các giá trị tinh thần trong cộng đồng dân tộc Mông mà còn góp phần thiết thực bảo vệ rừng”.
Tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả các thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm, rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng với những quy định “bất khả xâm phạm”.
Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm. Vì vậy không một người dân nào tự ý vào rừng phá rừng trái phép.
Cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần rừng
Sau lễ hội Tết rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần rừng.
Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục, đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo.
Đây cũng là dịp để đồng bào Mông Nà Hẩu ăn tết Rừng, đi chơi nhà thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà.
Sâu xa hơn, ý nghĩa của tục cấm rừng còn như lời cảm ơn thần rừng đã che chở, nuôi sống đồng bào bao đời nay. Để thể hiện lòng biết ơn đó, con người sẽ không phá rừng mà dành thời gian cho rừng hồi sinh, nghỉ ngơi.



Bà con trong xã cùng chơi các trò chơi dân gian và cùng nhau ăn tết tại điểm cúng rừng.
Thầy cúng Tráng A Chờ nói: “Luật tục người Mông quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt bằng cách đem gà, đem lợn, mời thầy cúng đến cúng tạ lỗi với Thần rừng . Không quá phức tạp như các điều luật khác, luật tục của cộng đồng người Mông ở xã Nà Hẩu đơn giản nhưng rất hiệu lực, mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng. Bởi vậy, đến Nà Hẩu đâu đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh vốn đã tồn tại cả trăm năm”.
Lễ cúng rừng hay Tết rừng đã trở thành một tập quán lâu đời để người Mông xã Nà Hẩu nhớ về cội nguồn. Những cánh rừng thiêng, rừng nguyên sinh vẫn ngút ngàn xanh và trường tồn dài lâu như tập tục Cúng rừng để giữ rừng của người Mông.
Năm nay, UBND huyện Văn Yên sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ cúng rừng của người H’Mông, xã Nà Hẩu” từ ngày 26/2 – 27/2 (tức ngày 29 – 30 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Sau đêm hội đại ngàn với chủ đề “Cùng say giữa đại ngàn” tại sân vận động xã Nà Hẩu sẽ có chương trình bắn pháo hoa từ 21h30 – 21h40 ngày 26/2.
Nghi lễ cúng rừng sẽ bắt đầu từ 8h ngày 27/2 tại 3 điểm cúng rừng truyền thống của xã Nà Hẩu (thôn Trung Tâm, thôn Bản Tát, thôn Ba Khuy).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/doc-dao-le-cung-than-rung-cua-nguoi-mong-o-yen-bai-192250221163706002.htm