Trang chủNewsThế giớiTrung Quốc trấn an về tập trận ngoài khơi Australia, Mỹ đặt...

Trung Quốc trấn an về tập trận ngoài khơi Australia, Mỹ đặt điều kiện cho thượng đỉnh với Nga, lại sự cố cáp ngầm ở Biển Baltic

Thụy Sỹ tái lập hiện diện tại Triều Tiên, IS kêu gọi tấn công khủng bố nhiều thành phố châu Âu, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đệ trình dự luật Mỹ rút hoàn toàn khỏi LHQ… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 21/2: Trung Quốc trấn an về cuộc tập trận ngoài khơi Australia, Mỹ "đặt điều kiện" cho gặp thượng đỉnh với Nga, Thụy Điển phát hiện sự cố
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen kêu gọi Mỹ gửi quân tới Ukraine. (Nguồn: DW)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Indonesia hỗ trợ đưa hàng trăm công dân từ Myanmar về nước: Ngày 21/2, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh đang triển khai các biện pháp hỗ trợ tích cực để hồi hương 92 công dân nước này được cho là nạn nhân của hoạt động buôn người ở Myawaddy, Myanmar.

Dựa trên dữ liệu và báo cáo từ Đại sứ quán Indonesia và Đơn vị điều tra hình sự của Cảnh sát Indonesia, hầu hết công dân Indonesia xin hồi hương làm việc bất hợp pháp, tham gia đường dây cờ bạc trực tuyến. Một số đối tượng nằm trong đường dây buôn người.

Theo ông Nugraha, tính đến tháng 2 năm 2025, khoảng 6.800 công dân Indonesia đã được xác định là có liên quan đến các tổ chức buôn người và hoạt động cờ bạc trực tuyến, trong đó Myanmar là một trong 10 quốc gia điểm đến dựa trên hồ sơ của Bộ Ngoại giao Indonesia. (Strait Times)

*Trung Quốc trấn an về cuộc tập trận ở ngoài khơi Australia: Ngày 21/2, Bắc Kinh tuyên bố cuộc tập trận mà Australia miêu tả là “bắn đạn thật” ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này rất “an toàn” và “tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn nêu rõ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “đã tổ chức một biên đội hải quân thực hiện hoạt động huấn luyện và diễn tập tại vùng biển xa”. Ông còn nhấn mạnh, cuộc tập trận này “luôn được tiến hành một cách an toàn, theo tiêu chuẩn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế liên quan”.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong đã bày tỏ lo ngại về cuộc tập trận bắn đạn thật do 3 tàu chiến Trung Quốc tiến hành ngoài khơi bờ biển phía Đông của nước này. Quan chức này quan ngại về sự thiếu minh bạch xung quanh “cuộc tập trận bắn đạn thật này” và sẽ nêu “mối quan ngại” của nước này với Bắc Kinh. (AFP)

*Thụy Sỹ tái lập hiện diện tại Triều Tiên: Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Triều Tiên đã chính thức hoạt động trở lại khi tân Đại sứ Jurg Burri trình ủy nhiệm thư lên Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Triều Tiên Choe Ryong-hae. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Thụy Sỹ vào tháng trước. Thụy Sỹ trở thành quốc gia phương Tây thứ ba mở lại đại sứ quán tại Bình Nhưỡng, sau Thụy Điển và Ba Lan.

Kể từ khi Triều Tiên nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới vào tháng 8/2023, chỉ một số quốc gia có quan hệ thân thiết như Trung Quốc, Nga, Mông Cổ và Cuba duy trì hoạt động đại sứ quán với quy mô hạn chế. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hiện có 16 đại sứ quán nước ngoài đang hoạt động tại Triều Tiên, bao gồm Brazil, Iran, Ấn Độ, Nigeria và Nicaragua. (Yonhap)

Châu Âu

*Mỹ không áp đặt các điều khoản thỏa thuận với Nga lên EU và Ukraine: Tờ New York Times đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cam kết với các nước châu Âu rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump không có kế hoạch “áp đặt các điều khoản” của bất kỳ thỏa thuận song phương nào với Nga lên Liên minh châu Âu hoặc Ukraine.

Theo nguồn tin, ông Rubio giải thích với phía châu Âu rằng các cuộc đàm phán với quan chức Nga tập trung vào các vấn đề song phương, bao gồm những hạn chế đối với đại sứ quán của hai nước, và là một phép thử đối với các ý định của Điện Kremlin.

Cuộc gặp ở Riyadh hôm 18/2 do Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump khởi xướng. Phía Nga có Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Trợ lý Tổng thống Yuri Ushakov tham dự. Phía Mỹ có Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff. (RIA Novosti)

*Hungary tăng cường chống lại sự can thiệp của nước ngoài: Ngày 21/2, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố Chính phủ của ông có kế hoạch phát triển thêm các cơ chế bảo vệ nhằm chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào chính trị trong nước.

Thủ tướng Hungary nhắc lại việc chính quyền mới của Mỹ đã quyết định ngừng sử dụng các chương trình viện trợ, bao gồm cả các chương trình thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), để gây ảnh hưởng chính trị lên các quốc gia khác. Theo Thủ tướng Orban, số tiền này đã được Mỹ sử dụng, đặc biệt là ở Hungary, để tài trợ cho “dân thường, phương tiện truyền thông, nhà báo, chính trị gia” đối lập với Chính phủ hiện tại.

Từ tháng 12/2023, Hungary đã ban hành luật coi hoạt động tài trợ nước ngoài cho các đảng phái chính trị của Hungary là một tội hình sự và có thể bị phạt tới 3 năm tù. Cơ quan Bảo vệ Chủ quyền Quốc gia Hungary được giao nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ lệnh cấm và thu thập thông tin về những bên có khả năng vi phạm. (DW)

*Thụy Điển phát hiện sự cố cáp ngầm ở biển Baltic: Ngày 21/2, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson thông báo nước này đang điều tra các thông tin về sự cố đứt cáp ngầm dưới biển Baltic.

Kênh truyền hình SVT dẫn dẫn nguồn từ lực lượng bảo vệ bờ biển Thuỵ Điển đưa tin, một sự cố liên quan cáp ngầm dưới biển được phát hiện ngoài khơi đảo Gotland của Thụy Điển. Theo đó, “lực lượng bảo vệ bờ biển đã xác nhận với SVT rằng đã xảy ra một vụ đứt cáp mới ngoài khơi bờ biển Gotland và một cuộc điều tra sơ bộ đã được tiến hành”.

Tuyến cáp này kết nối Phần Lan và Đức. Theo cảnh sát biển Thụy Điển, hiện vẫn chưa biết rõ chính xác thời điểm xảy ra sự cố. Cảnh sát biển thông báo đã cử một tàu đến hiện trường để hỗ trợ điều tra. Cơ quan Công tố Thụy Điển đang điều tra vụ việc. (AFP)

*Thủ tướng Đan Mạch kêu gọi Mỹ gửi quân tới Ukraine: Ngày 21/2, truyền thông châu Âu dẫn lời Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen kêu gọi Mỹ gửi quân tới Ukraine theo Điều 5 của Hiến chương Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trả lời phỏng vấn tờ Time, nữ Thủ tướng Đan Mạch giải thích rằng Điều 5 của Hiến chương NATO, quy định hỗ trợ bất kỳ quốc gia thành viên nào của liên minh bị tấn công vũ trang, sẽ phải có hiệu lực nếu Nga “thực hiện dù chỉ một bước” trái với các thỏa thuận. Đề cập việc gửi quân đội châu Âu tới Ukraine, bà Frederiksen lưu ý cần phải thực hiện “nhiều bước” trước đó và thậm chí trước khi bắt đầu các cuộc thảo luận cụ thể về vấn đề này.

Trước đó, đài truyền hình và phát thanh DR dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen tuyên bố quốc gia Bắc Âu này không loại trừ khả năng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, nhưng tin rằng còn quá sớm để thảo luận. (Reuters)

Trung Đông – châu Phi

*EU triệu Đại sứ Rwanda về các cuộc tấn công tại CHDC Congo: Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/2 đã triệu Đại sứ Rwanda để yêu cầu Kigali rút quân khỏi nước láng giềng Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC) Congo và ngừng hỗ trợ cuộc tấn công của nhóm vũ trang M23.

Tình hình an ninh tại khu vực miền Đông CHDC Congo đã trở nên căng thẳng kể từ khi M23 tái hoạt động mạnh mẽ. Theo các báo cáo của Liên hợp quốc và chính quyền Kinshasa, Rwanda được cho là đang hậu thuẫn cho nhóm vũ trang này.

Kể từ cuối năm 2021, M23 đã mở rộng kiểm soát nhiều địa điểm chiến lược quan trọng, bao gồm trung tâm thương mại Bunagana trên biên giới Uganda và thị trấn khai thác Rubaya – nơi nổi tiếng với các mỏ coltan. (AFP)

*Iran tập trận hải quân ở Vịnh Oman: Giới chức quân đội Iran thông báo nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân vào ngày 22/2 ở Vịnh Oman và Bắc Ấn Độ Dương.

Trong một thông báo trên truyền hình nhà nước, Phó điều phối viên quân đội Iran Habibollah Sayyari cho hay: “Cuộc tập trận chung Zolfaghar 1403 sẽ bắt đầu vào ngày mai (22/2) bên bờ biển Makran, Biển Oman và phía Bắc Ấn Độ Dương”.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, Tehran đã tăng cường thể hiện sức mạnh thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn, công bố thiết bị quân sự mới và giới thiệu các căn cứ quân sự ngầm.

Iran cũng đang phát tín hiệu cho các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, rằng nước này sẵn sàng nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân – vốn là nguồn gây căng thẳng trong nhiều thập kỷ. (AFP)

*Israel cáo buộc Hamas trao trả không đúng thi thể con tin: Ngày 20/2, Israel cho biết thi thể được Hamas bàn giao không phải là của nữ con tin Shiri Bibas như thỏa thuận ban đầu, đồng thời xác nhận thông tin danh tính thi thể của hai con trai bà Bibas trong lần giao nhận con tin này.

Theo thông báo từ Viện Pháp y Quốc gia Israel, một trong số các thi thể được bàn giao không thuộc về bất kỳ con tin nào trong danh sách đang bị Hamas giam giữ. Quân đội Israel cáo buộc Hamas vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi không thực hiện đúng cam kết trao trả đầy đủ thi thể của 4 con tin. (THX)

*Hamas cáo buộc Israel “trì hoãn” giai đoạn thứ hai của lệnh ngừng bắn Gaza: Ngày 20/2, phong trào Hamas cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “trì hoãn” các cuộc đàm phán về giai đoạn 2 của lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, sau khi nhóm kháng chiến Palestine trao trả thi thể của 4 con tin thiệt mạng cho phía Israel.

Lệnh ngừng bắn ở Gaza bắt đầu có hiệu lực vào ngày 19/1 sau hơn 15 tháng giao tranh giữa Hamas và Israel. Kể từ giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn, 19 con tin Israel đã được trả tự do để đổi lấy việc phóng thích hơn 1.100 tù nhân Palestine.

Ngoại trưởng Israel Gideon Saar ngày 18/2 cho biết các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trong tuần này liên quan tới giai đoạn thứ hai của lệnh ngừng bắn, nhằm mục đích đưa ra giải pháp lâu dài hơn cho cuộc xung đột. (Al Jazeera)

*IS kêu gọi tấn công khủng bố nhiều thành phố châu Âu: Theo tờ Bild, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được cho là đã ra mắt một trang web bằng tiếng Đức, kêu gọi thực hiện các vụ tấn công khủng bố tại nhiều thành phố ở Đức, Áo và Bỉ.

Tờ Bild đưa tin các cơ quan an ninh tại Đức, Áo và Bỉ đang xem xét nghiêm túc tài liệu tuyên truyền của nhóm này, do các vụ tấn công khủng bố từ phía những kẻ theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã từng xảy ra nhiều lần tại cả 3 quốc gia này, và các cơ quan thực thi pháp luật thường xuyên ngăn chặn được những âm mưu tương tự.

Một nguồn tin ẩn danh từ một trong những quốc gia nêu trên tiết lộ với Bild rằng những lời kêu gọi tấn công khủng bố của IS hiện đang “lan truyền rất nhanh trong các nhóm Hồi giáo cực đoan”. (TASS)

Châu Mỹ – Mỹ Latinh

*Mỹ tiếp tục duy trì viện trợ nước ngoài dù đóng băng USAID: Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ nước ngoài ngay cả sau khi các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) bị đóng băng trong thời gian chờ đánh giá.

Các chương trình do USAID tài trợ đang bị rà soát kỹ lưỡng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump nỗ lực cải tổ cơ quan viện trợ nước ngoài này của Mỹ. Tỷ phú Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), đã gọi USAID là một “tổ chức tội phạm” và “cần phải biến mất”. Nhân viên USAID trên toàn thế giới đã bị cho nghỉ về mặt hành chính và trang web của cơ quan này, bao gồm cả các báo cáo tài chính trước đây, đã bị gỡ bỏ. (RIA Novosti)

*Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đệ trình dự luật Mỹ rút hoàn toàn khỏi LHQ: Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã đệ trình dự luật kêu gọi Mỹ rút hoàn toàn khỏi Liên hợp quốc (LHQ). Đây là nội dung chính trong văn kiện liên quan được công bố trên trang web của một trong những người đồng bảo trợ là Thượng nghị sĩ Mike Lee.

Thượng nghị sĩ Mike Lee tuyên bố: “Tôi đã đệ trình Đạo luật Rút khỏi hoàn toàn thảm họa LHQ (DEFUND), theo đó kêu gọi Mỹ rút hoàn toàn khỏi LHQ. Đạo luật này giải quyết những vấn đề nghiêm trọng về chủ quyền quốc gia và trách nhiệm tài chính vốn gây khó khăn cho sự tham gia của Mỹ tại LHQ”.

Dự luật kêu gọi chấm dứt “mọi hình thức hỗ trợ tài chính của Mỹ dành cho LHQ, bao gồm cả các khoản đóng góp bắt buộc và tự nguyện”, cấm Mỹ tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ cũng như “cấm Tổng thống tái gia nhập hệ thống LHQ mà không có sự tư vấn và chấp thuận của Thượng viện”. (RIA Novosti)

*Mỹ và Venezuela “phá băng” quan hệ qua vấn đề di cư: Trong một động thái thể hiện sự cải thiện quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ngày 20/2, Mỹ đã chuyển giao 177 người di cư Venezuela từ căn cứ quân sự Guantanamo (Cuba) về Venezuela thông qua điểm trung chuyển tại Honduras.

Theo xác nhận từ cả Washington và Caracas, chuyến bay chở những người di cư đã khởi hành từ căn cứ Mỹ tới Honduras, nơi chính phủ Venezuela tiếp nhận và sau đó đưa họ về Caracas bằng máy bay của hãng hàng không quốc gia Conviasa.

Các tổ chức nhân quyền tại Mỹ đang đệ đơn kiện để được tiếp cận với những người di cư bị giam giữ tại Guantanamo, sau khi ông Trump ra lệnh chuẩn bị cơ sở này để tiếp nhận khoảng 30.000 người nhập cư không giấy tờ vào Mỹ. (AFP)

*Mỹ “đặt điều kiện” cho cuộc gặp thượng đỉnh với Nga: Ngày 20/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ “phụ thuộc phần lớn vào việc liệu chúng ta có thể đạt được tiến triển trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine hay không”.

Theo Ngoại trưởng Mỹ “Sẽ không có cuộc gặp nào diễn ra cho đến khi chúng ta biết rõ nội dung cuộc gặp sẽ là gì”. Ông nhấn mạnh: “Thông thường, những cuộc gặp như vậy chỉ diễn ra khi đã có những kết quả hoặc tiến triển nhất định”.

Ngoại trưởng Rubio còn bày tỏ quan điểm rằng nếu cuộc gặp có thể diễn ra và trở thành bước đột phá chốt lại thỏa thuận hòa bình, “mọi người nên ăn mừng việc Tổng thống Trump là một nhà kiến tạo hòa bình”. (Reuters)





Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-212-trung-quoc-tran-an-ve-tap-tran-ngoai-khoi-australia-my-dat-dieu-kien-cho-thuong-dinh-voi-nga-lai-su-co-cap-ngam-o-bien-baltic-305176.html

Cùng chủ đề

Nỗ lực tìm kiếm 2 ngư dân bị rơi xuống biển, mất tích tại Bình Định

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, ngày 22/2, nhiều tàu cá đang nỗ lực tìm kiếm 2 ngư dân bị rơi xuống biển, mất tích. Được biết, tàu cá mang số hiệu BĐ 97731 TS, trên tàu có 5 người, do ông Lê Văn Thái (trú tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình...

Vatican thông báo Giáo hoàng Francis nguy kịch

Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đang trong tình trạng nguy kịch và phải truyền máu lẫn thở ô xy. ...

Thái Cực đại sư vào hộp đêm biểu diễn tuyệt kỹ, kiếm 700 triệu trong 30 phút

Video Mã Bảo Quốc biểu diễn võ thuật trong hộp đêmHình ảnh Thái Cực đại sư Mã Bảo Quốc biểu diễn võ thuật ở hộp đêm trong thời gian qua thu hút sự chú ý. Truyền thông Trung Quốc đưa tin Mã Bảo Quốc có cát-xê nửa giờ lên tới 200.000 nhân dân tệ. Ông còn tham gia cả triển lãm anime và hội chợ của trung tâm thương mại.Mã Bảo Quốc sinh năm 1951, sinh ra và...

Giá cà phê hôm nay 23/2/2025 tăng mấp mé đỉnh lịch sử

Cập nhật giá cà phê hôm nay 23/2/2025, cà phê Tây Nguyên, cà phê Lâm Đồng, cà phê Gia Lai, cà phê Đắk Lắk, cà phê Robusta, cà phê Arabica 23/2/2025. Cập nhật giá cà phê thế giới Giá cà phê hôm nay 23/2/2025 trên thị trường thế giới, lúc 4 giờ 30 phút cập nhật trên sàn giao dịch Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam MXV (giá cà phê thế giới...

Một quốc gia EU nói Ukraine là ‘vùng đệm’ giữa NATO và Nga; F-16 và Su-35S lần đầu không chiến

Theo THX, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 22/2 đã lên tiếng phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cam kết sẽ ngăn chặn Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu bước đi này đi ngược lại lợi ích của Budapest.

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Một quốc gia EU nói Ukraine là ‘vùng đệm’ giữa NATO và Nga; F-16 và Su-35S lần đầu không chiến

Theo THX, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 22/2 đã lên tiếng phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cam kết sẽ ngăn chặn Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu bước đi này đi ngược lại lợi ích của Budapest.

Hoa mận Mộc Châu “khoác lên tấm áo trắng tinh khôi” hút hồn du khách

Mùa Xuân, những khu vực nhiều cây mận trên vùng cao nguyên Mộc Châu lại khoác lên mình tấm áo trắng tinh khôi như muốn níu kéo bước chân du khách.

Tổng thống Zelensky chưa sẵn sàng ký, Kiev không có lý do để trả 500 tỷ USD?

Theo một nguồn tin Ukraine, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky chưa sẵn sàng ký thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận một cách ưu đãi các nguồn khoáng sản đất hiếm của quốc gia Đông Âu.

Nga tuyên bố thời điểm quyết định đối đầu phương Tây, đẩy lùi ba cuộc phản công của Ukraine ở tỉnh Kursk

Hiện nay là thời khắc quyết định đối với Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố trong buổi lễ nhân ngày Bảo vệ Tổ quốc tại Moscow ngày 22/2.

Giá vàng bất ngờ ‘quay xe’, đánh dấu một tuần gây kinh ngạc, giá vàng nhẫn vượt mặt vàng miếng SJC

Giá vàng hôm nay 23/2/2025, giá vàng gây bất ngờ, quay đầu giảm từ mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, quý kim đã có một tuần gây kinh ngạc, được thúc đẩy bởi tâm lý bất an trước một thế giới khó đoán định với xung đột, cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và “nỗi sợ bỏ lỡ” của nhà đầu tư. Giá vàng nhẫn theo chân giảm.

Bài đọc nhiều

Chưa hóa giải xong khúc mắc với Nam Phi, Mỹ tẩy chay Hội nghị Ngoại trưởng G20

Ngày 5/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố không tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nam Phi.

Binh sĩ Thái Lan – Campuchia đụng độ căng thẳng tại biên giới

Một nhóm binh sĩ Campuchia đã sang ngôi đền ở biên giới Thái Lan để hát quốc ca, gây phản ứng từ lực lượng nước láng giềng. ...

Xác suất tiểu hành tinh va chạm trái đất cao nhất lịch sử NASA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức cập nhật xác xuất tiểu hành tinh 2024 YR4 có thể tấn công trái đất vào năm 2032, lên mức cao nhất đối với bất kỳ tiểu hành tinh nào trong lịch sử...

Triển vọng sau cuộc gặp Nga

Sau cuộc gặp cấp ngoại trưởng đầu tiên ngày 18/2, thế giới lại tiếp tục mong chờ cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ với kỳ vọng sẽ mở ra bước đột phá thực sự cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Cùng chuyên mục

Vatican thông báo Giáo hoàng Francis nguy kịch

Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đang trong tình trạng nguy kịch và phải truyền máu lẫn thở ô xy. ...

Một quốc gia EU nói Ukraine là ‘vùng đệm’ giữa NATO và Nga; F-16 và Su-35S lần đầu không chiến

Theo THX, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 22/2 đã lên tiếng phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cam kết sẽ ngăn chặn Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu bước đi này đi ngược lại lợi ích của Budapest.

diễn biến mới trước thềm tròn 3 năm

Ngày 22.2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã đến Donetsk thị sát tình hình, trong khi EU chuẩn bị gói viện trợ quân sự lớn cho Kyiv vào dịp tròn 3...

Tổng thống Zelensky chưa sẵn sàng ký, Kiev không có lý do để trả 500 tỷ USD?

Theo một nguồn tin Ukraine, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky chưa sẵn sàng ký thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận một cách ưu đãi các nguồn khoáng sản đất hiếm của quốc gia Đông Âu.

Nga tuyên bố thời điểm quyết định đối đầu phương Tây, đẩy lùi ba cuộc phản công của Ukraine ở tỉnh Kursk

Hiện nay là thời khắc quyết định đối với Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố trong buổi lễ nhân ngày Bảo vệ Tổ quốc tại Moscow ngày 22/2.

Mới nhất

Người tiên phong mổ não bằng robot AI tại Việt Nam

ThS.BS CKII Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa phẫu thuật thần kinh Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM - là người đầu tiên mổ não và tủy sống bằng robot AI. ...

Kỳ 2: Gần gũi hai nước từ hai châu lục

Dù xa xôi về mặt địa lý, khác nhau về đặc điểm chính trị, song Morocco và Việt Nam lại có sự gần gũi, tương đồng trong bối cảnh lịch sử, đời sống xã hội. Chính từ những mối duyên đặc biệt trong quá khứ, nhiều thập kỷ qua, hai quốc gia đã có một quá trình gắn...

Trung Quốc sẵn sàng dẫn dắt AI toàn cầu

(CLO) Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống lãnh đạo mà Mỹ và Vương quốc Anh để lại sau khi từ chối ký kết tuyên bố chung về trí tuệ...

Mới nhất