Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ đầy cảm xúc bằng cách kể những câu chuyện gần gũi về ngành nông nghiệp đã gắn bó với ông trong thời gian làm Bộ trưởng với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước khi chính thức Bộ này đi vào hoạt động từ ngày 1/3.
Chiều 19/2, Bộ NNPTNT và Bộ TNMT đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Hội nghị diễn ra nhằm bảo đảm Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm đi vào hoạt động ngay khi Đề án thành lập Bộ và Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức có hiệu lực.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – người vừa được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội, ngày 18/2, đã có những chia sẻ với toàn thể lãnh đạo các Cục, vụ, đơn vị trực thuộc của 2 Bộ trước khi chính thức đi vào hoạt động, ngày 1/3 tới đây.
Ông Hoan nói, hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau chia sẻ những suy tư, trăn trở về tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh môi trường ngày càng có nhiều biến động. Đây không chỉ là câu chuyện của một vụ mùa, một năm sản xuất, mà là câu chuyện dài hơi về sự phát triển bền vững – về cách chúng ta đối xử với đất đai, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, để nông nghiệp có thể tiếp tục nuôi sống con người mà không làm tổn thương chính hành tinh này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ cảm xúc và kể những câu chuyện về ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, nơi mà những thách thức không còn đơn giản là sâu bệnh hay thị trường, mà là biến đổi khí hậu, là suy thoái tài nguyên, là sự đứt gãy của những hệ sinh thái từng giúp nông nghiệp phát triển. Điều này đặt ra một câu hỏi cấp bách: Chúng ta sẽ tiếp tục làm nông nghiệp theo lối cũ, hay sẽ thay đổi để tìm ra cách chung sống hài hòa với thiên nhiên?
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kể một số câu chuyện thực tế – những câu chuyện không chỉ đơn thuần về nông nghiệp, mà là về những con người đang từng ngày vật lộn với thiên nhiên để tìm ra lời giải cho bài toán bền vững.
Một của hai – Khi nông nghiệp phụ thuộc vào môi trường
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là vựa lúa lớn nhất nước ta, những năm gần đây bà con nông dân đang đối mặt với những thử thách chưa từng có: nước mặn xâm nhập, đất đai bạc màu, hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát.
Anh Hòa, một nông dân ở Cà Mau, từng có những vụ mùa bội thu, nhưng rồi một ngày, nước mặn tràn vào, toàn bộ ruộng lúa cháy khô. Nhìn cánh đồng nứt nẻ, anh nói với tôi:
“Trước đây, chỉ cần siêng năng là có thể làm giàu. Nhưng giờ đây, trời đất không còn như trước, siêng năng thôi chưa đủ, mà còn phải biết cách làm khác đi”.
Vậy anh đã làm gì? Thay vì cố gắng giữ đất lúa, anh chuyển sang mô hình lúa – tôm. Khi nước mặn, anh nuôi tôm. Khi nước ngọt, anh trồng lúa. Nhờ đó, anh không chỉ tránh được rủi ro, mà còn có thu nhập cao hơn.
Câu chuyện của anh Hòa không phải là duy nhất. Ở An Giang, Đồng Tháp, nhiều nông dân cũng đang chuyển sang mô hình sinh kế thuận thiên – nghĩa là thay vì ép thiên nhiên phải phục vụ con người, họ học cách thích nghi, chung sống và tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng.
Nhà bảo tồn thiên nhiên John Muir từng nói: “Khi bạn nhổ một thứ gì đó trong tự nhiên, bạn sẽ thấy nó được gắn kết với mọi thứ khác trong vũ trụ”.
Điều đó cũng đúng với nông nghiệp. Nếu chúng ta không bảo vệ môi trường, không giữ gìn tài nguyên, thì chính nền nông nghiệp của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tặng chiếc bình gốm Bát Tràng cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Tùng Đinh
Hai trong một – Khi nông nghiệp trở thành giải pháp cho môi trường
Nhưng nông nghiệp không chỉ là một ngành phụ thuộc vào môi trường, mà nếu biết cách, chính nông nghiệp có thể trở thành giải pháp để bảo vệ môi trường.
Tôi nhớ lần đến thăm một trang trại ở Đà Lạt. Chủ trang trại là anh Tuấn, một người trẻ rời bỏ thành phố để theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Anh Tuấn không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu mà thay vào đó, anh trồng nhiều loại cây khác nhau để tạo ra sự cân bằng sinh thái. Trên mảnh đất của anh, sâu bệnh không bị tiêu diệt bằng hóa chất, mà bằng cách trồng những loài cây có khả năng xua đuổi côn trùng tự nhiên. Rác thải hữu cơ từ trang trại không bị bỏ đi, mà được ủ làm phân bón.
Anh nói với tôi: “Nhiều người nghĩ rằng làm nông nghiệp sạch thì lợi nhuận thấp, nhưng thực ra, khi mình sống hòa hợp với thiên nhiên, thiên nhiên cũng sẽ giúp mình làm nông”.
Không chỉ ở Đà Lạt, mà ở nhiều nơi khác, tư duy nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái đang ngày càng phổ biến. Ở Đồng Tháp, bà con sử dụng rơm rạ làm phân bón, thay vì đốt bỏ gây ô nhiễm. Ở miền Tây, nhiều hộ nuôi cá kết hợp với trồng rau trên mặt nước, tận dụng phân cá làm dinh dưỡng cho cây.
Câu nói của Mahatma Gandhi mà tôi rất tâm đắc: “Trái đất có thể đáp ứng đủ nhu cầu của con người, nhưng không thể đáp ứng lòng tham của con người”.
Nếu chúng ta biết giới hạn, biết tôn trọng tự nhiên, thì nông nghiệp không những không phá hủy môi trường mà còn giúp khôi phục lại những gì đã mất.
Một của hai và hai trong một – Con đường hướng tới tương lai
Theo ông Hoan, chúng ta không thể chọn giữa nông nghiệp phát triển hay bảo vệ môi trường, vì đó không phải là hai lựa chọn tách biệt. Chúng ta cần tìm cách để cả hai cùng tồn tại, bổ trợ lẫn nhau.
Bởi vì, như cố Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt từng nói: “Một quốc gia phá hủy đất đai của mình cũng giống như một người phá hủy chính mình. Đất đai là nền tảng của cuộc sống, và nếu chúng ta không bảo vệ nó, chúng ta cũng không thể tồn tại”.
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp cần thay đổi từ tư duy “tận dụng tài nguyên” sang tư duy “hài hòa với thiên nhiên”. Chúng ta cần: Chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Ứng dụng công nghệ sinh học, canh tác hữu cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; Thay đổi cách tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nơi giá trị không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở hệ sinh thái bền vững.
Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp hay môi trường, mà là trách nhiệm của cả xã hội. Của mỗi người nông dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà khoa học, mỗi nhà quản lý.
Một của hai – Hai trong một. Đó không chỉ là một câu chuyện, mà là một sứ mệnh mà tất cả chúng ta cần cùng nhau thực hiện.
Nguồn: https://danviet.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-le-minh-hoan-nong-nghiep-va-moi-truong-la-mot-cua-hai-hai-trong-mot-con-duong-huong-toi-tuong-lai-20250219220536359.htm