Nền tảng để kinh doanh không chỉ là xu hướng mà thực sự là thương trường của các hãng dịch vụ vận tải hiện nay, đơn vị nào cũng phải có app trên điện thoại.
Bến xe trên mạng, taxi lên app
Ba tháng một lần, ông Lê Trung Hà (59 tuổi, trú tại thị trấn Tân Phong, Quảng Xương, Thanh Hóa) từ quê nhà ra Hà Nội thăm con cháu. Ông cho biết: “Bến xe giờ chuyển lên điện thoại cả rồi, có hết các loại xe”, vừa nói ông vừa mở máy tìm Zalo của nhà xe quen thuộc.
Nhờ mạng xã hội, các nhà xe đều có kênh liên lạc qua Zalo, Facebook để nhận “book vé”, nhận thanh toán từ hành khách, việc giao dịch thuận tiện hơn nữa khi hành khách có thể gửi định vị chính xác nơi cần đón, thậm chí hành khách có thể khiếu nại về thái độ phục vụ của lái, phụ xe qua kênh mạng xã hội.
![]() |
Các ứng dụng gọi xe tìm cách “chen chân” trên màn hình điện thoại, tích hợp dịch vụ để lôi kéo khách hàng. Ảnh: An Biên |
Nhiều năm qua, không còn tình trạng hành khách lũ lượt, chen chúc xếp hàng ở các bến xe, kể cả lúc cao điểm những ngày giáp Tết. Nhiều bến xe lớn rơi vào tình trạng vắng vẻ, như bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm ở Hà Nội, nhiều lượt xe 45 chỗ xuất bến nhưng trên xe chỉ có khoảng chục khách. Thậm chí, có lượt xe xuất bến, tài xế thông báo với người điều hành: “Xe chở gió”; tức là không có hành khách, đến giờ xe vẫn phải xuất bến.
Để tìm hành khách, nhiều nhà xe đã đầu tư lớn vào app trên điện thoại, tuyển người vận hành các kênh Zalo, Facebook nhằm tương tác khách hàng theo thời gian thực. Từ số điện thoại, hành khách nhanh chóng được nhà xe kết bạn, một giao dịch vận chuyển được thiết lập, việc thanh toán cũng tiện lợi, bằng cách chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt khi lên xe.
Tại hội thảo “Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam” do Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hôm 19/2, nhiều ví dụ về nền tảng kinh doanh được các chuyên gia nêu ra làm dẫn chứng, trong đó ứng dụng Grab được nêu như một nền tảng mở ra cuộc đua phát triển app của các hãng taxi và dần dần tích hợp thêm nhiều dịch vụ tiện ích khác.
Nền tảng gọi xe tìm “chỗ đứng” trên màn hình điện thoại
Giữa tháng 2/2025, dữ liệu công bố bởi một hãng tư vấn Ấn Độ về thị phần gọi xe taxi ở các quốc gia cho hay, Xanh SM, Grab, Be là ba ứng dụng chiếm thị phần gọi xe lớn nhất tại Việt Nam. Các nền tảng khác xếp ở nhóm cuối, gồm Taxi Mai Linh, VinaSun Taxi.
Đó là mảng gọi xe taxi, còn mảng dịch vụ giao hàng liên tỉnh là sự cạnh tranh của các ứng dụng FUTA, GV và Lalamove. Nếu chỉ ship hàng nội thị (bao gồm việc giao đồ ăn) thì sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất vẫn là ba ứng dụng quen thuộc gồm Grab, Be, Xanh SM. Ứng dụng Gojek rời cuộc đua ở thị trường Việt Nam từ tháng 10/2024.
Để có “chỗ đứng” trên màn hình điện thoại người dùng, các hãng taxi đều chạy quảng cáo để ứng dụng được cài đặt, tung nhiều voucher ưu đãi cho những lượt đặt xe đầu tiên. Các nền tảng gọi xe đều trong xu hướng chạy đua tích hợp càng nhiều dịch vụ càng tốt, trở thành siêu ứng dụng (super app), khiến người dùng lệ thuộc vào nền tảng.
Nền tảng của Grab hiện có cả dịch vụ quảng cáo cho các nhãn hiệu như Romano, Cocacola…; nền tảng của Xanh SM khá sáng tạo khi tung dịch vụ cho thuê đoàn xe cưới hỏi bằng xe điện VF 8 kèm theo gói lựa chọn tài xế. Mức giá từ 1 triệu đồng/xe trong 4 giờ, cự ly dưới 50km cả đi lẫn về. Nếu phụ trội thời gian và quãng đường, hãng sẽ tính thêm phí phụ trội.
Một kỹ sư lập trình app của công ty FSoft tiết lộ, chi phí thiết kế app dựa trên kiểu loại ứng dụng. Loại hình app phổ biến của các hãng taxi đang dùng thuộc loại hình App On-Demand (ứng dụng theo lệnh) có chi phí tạo lập tối thiểu 500 triệu đồng, cộng với chi phí vận hành tùy theo số lượng người dùng (user), càng nhiều người dùng cùng lúc, chi phí càng lớn. Đặc biệt, khoản phí mua bản quyền sử dụng bản đồ tích hợp cập nhật vị trí, số nhà, đặt tên địa điểm trên nền ứng dụng khá tốn kém.
Tuy nhiên, theo dự báo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe của Việt Nam trị giá khoảng 1 tỷ USD trong năm 2025 và có thể đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2030. Bởi vậy, các hãng taxi sẽ kiên trì đầu tư vào nền tảng app, nhằm gia tăng cơ hội trong thị trường vận tải trị giá hàng tỷ đô la trong 5 năm tới.
“Việt Nam đã xuất hiện nhiều hoạt động kinh doanh nền tảng, ngành này đóng góp khoảng 10% trong GDP. Riêng kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực vận tải chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế năm 2022”, số liệu của Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM. |
Nguồn: https://congthuong.vn/cuoc-dua-phat-trien-app-cua-nganh-kinh-doanh-van-tai-374802.html